Đang online: 6
Hôm nay: 448
Trong tuần: 772
Trong tháng: 7231
Tổng truy cập: 659267

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Tư vấn trồng dừa
Cho tôi hỏi:
- Thông tin về cây dừa giống ở Phan Thiết?
- Thổ nhưỡng đất đai Phan Thiết phù hợp trồng loại dừa nào? ( Hiện nay thị trường có nhiều loại dừa: dừa xiêm xanh, dừa dứa, dừa Mã Lai bầu và chu .v.v)
- Tôi muốn được tư vấn kĩ thuật trồng dừa.
Xin cám ơn!

Cám ơn bạn trả quan tâm đến trang web của đơn vị !

 

Cây dừa thường rất dễ trồng, không quá kén đất nhưng đa phần sẽ sinh trưởng tốt nhất trên các loại đất có nhiều hữu cơ, đất phù sa, đất cát pha và lý tưởng nhất là đất có hàm lượng kali dồi dào, tầng canh tác dày ít nhất là 0,5m, đất không quá phèn với độ pH từ 4,8 trở lên là có thể trồng tốt, nhưng để cây dừa cho năng suất, sản lượng tốt nhất thì vẫn nên trồng dừa ở khu vực đất cách mặt nước biển dưới 600 m. Nếu đất trồng dừa là đất phù sa hay đất cát pha là thích hợp hơn cả. Dừa sẽ phát triển cực tốt nếu được trồng ở những loại đất có nhiều hữu cơ hay hàm lượng kali dồi dào.

Theo như bạn hỏi, tại Phan Thiết trồng dừa khá phổ thông, nhất là các xã vùng đất cát ven biển, dừa phát triển tốt và thường cho nước ngọt hơn khi cùng 1 loại giống nhưng trồng vùng đất khác; điều này nhờ sát biển giàu muối ăn (NaCl) làm tăng độ ngọt của nước, chính vì lẽ đó nhiều hộ trồng dừa vẫn thỉnh thoảng tưới nước biển cho dừa.

Nói chung đất Phan Thiết khá phù hợp cho việc trồng dừa, hiện nay diện tích trồng dừa tại Phan Thiết khoảng 264,5 ha, diện tích này thấp hơn khá nhiều so với những năm trước đây là do quá trình đô thị hóa như ở xã Thiện Nghiệp, Hàm Tiến, Tiến Thành…

Các loại dừa như xiêm lùn, xiêm xanh, dừa dứa đều phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại Phan Thiết, nhất là các vùng ven biển của thành phố dừa phát triển rất tốt. Đối với dừa địa phương thì dừa ở Thiện Nghiệp rất có giá trị hàng hóa, do có chất lượng cao được xem như là một thương hiệu của vùng.

 

* Một số vấn đề cơ bản cần lưu ý về đất trồng dừa

- Đất thiếu dinh dưỡng bởi thiếu đạm và kali nhất là khi đất bị nhiễm mặn trong thời gian dài. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự tăng trưởng và phát triển của cây dừa. Điều chúng ta cần làm chính là cung cấp đạm và kali cho đất trồng.

- Khi chăm sóc dừa một điều bạn đáng lưu ý là: hạn chế bón Kali đỏ (KCl) vì không thích hợp cho dừa lắm, chủ yếu là bón kali sulphate (K2SO4), yếu tố lưu huỳnh (S) trong phân giúp tăng độ ngọt và hương vị nước dừa

- Cần phải cân bằng độ ẩm cho đất trồng dừa, tránh trường hợp quá khổ hạn hay quá nhiều nước.

- Cây dừa có thể chịu hạn nhưng không có nghĩa là không cần cấp ẩm cho đất trồng dừa. Việc cung cấp ẩm sẽ khiến cây dừa phát triển tốt hơn rất nhiều

- Tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất trồng dừa hay mà khoảng cách trồng dừa cũng sẽ khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của cây dừa cũng như năng suất của chúng.

- Nhằm hạn chế sự bốc thoát nước, giúp cây phục hồi nhanh sau khi trồng cần che mát cho đến khi cây bén rễ, phát triển tốt. Ngoài ra, để giảm bớt lượng nước bốc hơi  ở đất trồng dừa trong mùa khô, cần đậy gốc cho cây con bằng cách dùng vỏ dừa, bụi xơ dừa hay lục bình phủ quanh gốc dừa.

- Đất trồng dừa cần phải dọn dẹp hết cỏ dại trước khi trồng để tránh việc cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây dừa sẽ làm cho cây dừa chậm lớn.

- Trong những năm đầu dừa còn nhỏ, bạn nên trồng xen cây họ đậu (đậu phộng, đậu xanh…) vừa hạn chế cỏ dại vừa cung cấp thêm đạm cho cây dừa

* Chú ý các loại côn trùng, dịch bệnh gây hại

Trong 2-3 năm đầu của độ tuổi cây, luôn giữ đất có độ ẩm để cây hấp thụ và tạo điều kiện phát triển tốt, không được để đất quá khô dẫn đến tình trạng thiếu nước sẽ phát triển kém. Và ngược lại, đất bị ngập úng nhiều nước, nhất là vào mùa mưa, sẽ là môi trường cho những loài côn trùng, dịch bệnh sinh sôi nảy nở, tấn công là hư rễ.

Giai đoạn cây dừa còn nhỏ cũng cần phải đặc biệt chú ý đến một số loại côn trùng nguy hiểm gây hại cho cây như bọ dừa, kiến vương, đuông dừa, và bệnh nấm do tấn công ở lá và đọt non,…sẽ làm chậm sự phát triển của cây hoặc thậm chí có thể cây bị chết. Vì vậy, phải lưu tâm và thường xuyên thăm vườn để quan sát từng cây dừa. Nếu phát hiện thấy những biểu hiện bất thường phải tìm hiểu kỹ, sau khi nhận dạng đúng nguyên nhân gây hại thì lập tức có biện pháp phòng trừ, ngăn chặn kịp thời, không để chúng nhân rộng gây hại nặng để sự sinh trưởng của cây.

           Trong khuôn khổ bài viết có hạn chỉ trao đổi một số ý chính, bạn có thể đến  trực tiếp Trung tâm Khuyến nông tỉnh để trao đổi nhiều hơn.

                                                                                 Chúc bạn thành công !

                                                                     Hồ Công Bình