Đang online: 8
Hôm nay: 165
Trong tuần: 165
Trong tháng: 6624
Tổng truy cập: 658660

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TÁI CẤP CHỨNG NHẬN VÀ CHỨNG NHẬN MỚI DIỆN TÍCH SẢN XUẤT THANH LONG THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Hai 20/03/2017 15:33
327

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 13 tháng 03 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Nội dung như sau:

1. Mục tiêu:

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh.

- Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh có 9.700 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

2. Đối tượng triển khai: Các tổ hợp tác, nhóm liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân sản xuất thanh long.

3. Nội dung:

- Các tổ chức (tổ hợp tác, nhóm liên kết) sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP: Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng tổ hợp tác (THT)/ nhóm liên kết sản xuất thanh long theo VietGAP đúng quy định, đồng thời giúp nông dân tổ chức xây dựng các THT, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô để hoạt động. Thời gian xây dựng và hình thành THT: Tháng 05 năm 2017.

- Đối với diện tích thanh long đã được chứng nhận VietGAP: Tăng cường kiểm tra giám sát định kỳ; Yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện; Tổ chức chứng nhận tiến hành kiểm tra giám sát để xem xét cấp lại giấy chứng nhận đối với các cơ sở có yêu cầu.

- Đối với diện tích thanh long đăng ký mới năm 2017:

+ Khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo VietGAP.

+ Triển khai công tác tập huấn.

+ Xây dựng quy trình sản xuất.

+ Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá.

+ Tổ chức lấy mẫu trái và cấp giấy chứng nhận.

+ Yêu cầu sau khi chứng nhận VietGAP.

- Đánh giá tái cấp giấy chứng nhận.

4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở triển khai tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 9.700 ha trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:

a) Trung tâm Nguyên cứu phát triển thanh long:

- Là đơn vị thường trực được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho lực lượng tư vấn tại các địa phương, kiểm soát viên nội bộ, đảm bảo đủ năng lực, trình độ để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cho các THT sản xuất thanh long theo VietGAP tại các địa phương thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp và gia hạn giấy chứng nhận VietGAP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long theo đúng quy định.

- Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Chi cục Bảo vệ thực vât: Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long: Tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho lực lượng tư vấn tại các địa phương, kiểm soát viên nội bộ; cử cán bộ tham gia với Trung tâm trong việc lấy mẫu đất, nước, quả theo kế hoạch; phối hợp với Trung tâm xây dựng nội dung để hướng dẫn quy trình sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp phòng trừ ruồi đục quả trên thanh long.

c) Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Thuận:

- Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho lực lượng tư vấn tại các địa phương, kiểm soát viên nội bộ; cử cán bộ tham gia với Trung tâm trong việc lấy mẫu đất, nước, quả theo kế hoạch.

- Tổ chức thông tin tuyên truyền các vấn đề liên quan đến việc sản xuất thanh long an toàn trên các “Bản tin khuyến nông”.

d) Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm và Thủy sản Bình Thuận: Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho lực lượng tư vấn tại các địa phương, kiểm soát viên nội bộ; cử cán bộ tham gia với Trung tâm trong việc lấy mẫu đất, nước, quả theo kế hoạch; phối hợp với Trung tâm xây dựng nội dung để hướng dẫn các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, sơ chế, chế biến thanh long.

4.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác xây dựng các tổ/nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các địa phương.

- Tiếp tục phân công, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các đơn vị, phòng ban có liên quan của triển khai nhiệm vụ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức giao ban theo định kỳ để đánh giá việc triển khai thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.

- Tiếp tục chỉ đạo Tổ tư vấn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố) và Tổ tư vấn cấp xã thực hiện các nhiệm vụ trong việc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long) triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.

4.3.  Ngoài ra, còn chỉ đạo các Sở, ngành như: Hội nông dân, Hội phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên, Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận, Hiệp hội thanh long Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Sở Công thương, Sở Tài chình thực hiện các nhiệm vụ của ngành có liên quan.

QT