Đang online: 8
Hôm nay: 8
Trong tuần: 1134
Trong tháng: 7593
Tổng truy cập: 659629

Cuộc sống khá giả nhờ trồng khổ qua

Thứ Ba 03/04/2018 16:04
423

Nhiều hộ dân trong sản xuất ví von rằng: “Khổ quá thì trồng khổ qua, cuộc sống sẽ đổi thay”. Việc ví von này quả thật không sai, nếu những ai yêu nghề, quyết tâm theo đuổi mục tiêu, nhạy bén tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời phải cần cù, chịu khó, siêng năng, cần mẫn trong việc chăm sóc thì trồng khổ qua tuy “khổ”, “vất vả” một chút, nhưng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Người nông dân nhờ trồng khổ qua có cuộc sống đổi thay chính là anh Bùi Văn Tám.


Tôi biết anh Tám vào năm 2016, qua đợt chuyển giao mô hình trồng rau ăn quả an toàn về tại thôn 6, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Được tiếp cận vùng đất gia đình anh định cư, phát triển sản xuất, tôi thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây, nào là những mạch nước ngầm từ động cát chảy róc rách, trong xanh; những hàng dừa dọc kênh mương như đang uốn mình đong đưa, che mát, khe khẽ “chào khách” ghé thăm. Qua những câu chuyện bên lề, tôi được anh chia sẻ: Trước đây gia đình anh chủ yếu làm lúa, nhưng giá cả bấp bênh nên lợi nhuận từ cây lúa không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Không khuất phục trước khó khăn, từ năm 2009, được học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, anh mạnh dạn chuyển diện tích 1.000m2 trồng lúa sang trồng cây khổ qua trắng bằng giống địa phương. Hàng ngày, vợ chồng anh tỉ mĩ chăm sóc từng cây. Khi khổ qua khoảng 40-45 ngày sau khi trồng cho trái lứa đầu tiên, trái nào trái nấy to, tròn, căng bóng, được thương lái thích, ưa chuộng, vào vườn tận thu với giá cao, dao động từ 8.000 -10.000đ/kg, chính nhờ khổ qua mà cuộc sống gia đình anh từ đó đổi thay, có phần khấm khá, ổn định hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Sau nhiều vụ sản xuất, anh tích lũy thêm khá nhiều kinh nghiệm, rồi sau mỗi vụ trồng, anh cũng tuyển chọn những trái khổ qua trắng đủ tiêu chuẩn làm giống, ngoài việc để dành hạt giống cho các vụ kế tiếp, anh còn bán hạt giống, tư vấn kỹ thuật trồng cho các hộ lân cận, thu nhập cứ thế tăng dần, ngôi nhà cũ kĩ năm nào, nay khang trang tươm tất hẳn. Theo anh, thị trường địa phương cần giống khổ qua nào thì trồng giống khổ qua đó để có bán giá cao; việc trồng khổ qua để đạt năng suất cao, trước tiên phải chọn giống tốt; các khâu khác như bón phân, chăm sóc, tưới nước định kỳ hàng ngày; đồng thời thường xuyên theo dõi sâu bệnh xuất hiện để có biện pháp phun thuốc phòng trừ kịp thời.

Gặp lại anh vào chiều 30 tết (Mậu tuất 2018), anh vẫn vậy, dáng người hao gầy, nụ cười rạng rời, nhưng đâu đó cảm thấy ấm lòng, bởi mùa khổ qua đợt tết này bội thu, giá bán tăng cao, thương lái thu tại vườn với giá 15.000 -20.000đ/kg, mỗi đợt anh thu 100 -120kg/ngày, năng suất vụ này, anh bảo đạt trên 2 tấn/1.000m2, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 25 triệu đồng/vụ/1.000m2.

Rõ ràng hiệu quả mà cây khổ qua trồng ở vùng đất cát pha mang lại, không chỉ giúp gia đình anh Bùi Văn Tám vươn lên khá giả làm giàu, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương ngày một ổn định và phồn thịnh.

Nguyễn Thị Lắm