Đang online: 12
Hôm nay: 285
Trong tuần: 285
Trong tháng: 6744
Tổng truy cập: 658780

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT CHO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Ba 11/05/2021 14:26
1297

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT CHO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH BÌNH THUẬN

Trong thời gian qua (giai đoạn 2015 - 2020), thực hiện chủ trương của tỉnh, chỉ đạo của Ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc nhằm nâng cao hiệu sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Với phương pháp: “Cầm tay chỉ việc”, áp dụng phương pháp tập huấn FFS (vừa lý thuyết vừa thực hành) đã khắc phục những hạn chế trong truyền tải kiến thức, chuyển giao kỹ thuật theo kiểu truyền thống trước đây cho bà con.

Với các mô hình đã chuyển giao như trồng mới cây điều năng suất cao tại huyện Hàm Thuận Bắc: xã Đông Giang (10 ha); hay cây đậu bắp tại xã Đông Tiến (15 ha). Mô hình trồng mới cây điều tại xã La Ngâu, Tánh Linh (10 ha); cây cây đậu xanh tại Hàm Cần, Hàm Thuận Nam (5 ha); hay trồng cỏ chăn nuôi (02 ha), mô hình thâm canh cây bắp lai (05 ha) tại xã Phan Sơn, Bắc Bình; thâm canh cây lúa nước tại xã Phan Dũng (05 ha) ... đã đem lại hiệu quả, cải thiện cuộc sống cho bà con.

Điển hình, mô hình trồng thâm canh cây điều giống mới theo liên kết chuỗi tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh cho kết quả khá tích cực, điều đang giai đoạn năm thứ 3, sinh trưởng phát triển tốt; bà con biết chủ động xử lý các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn nhằm ứng phó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi lúc trổ bông gặp mưa, sương muối, hay việc điều trổ bông muộn so với hàng năm…; kết quả cho thấy việc kết hợp 2 giống điều mới AB29 và AB0508 trồng theo phương thức hỗn giao cho năng suất trái bói trên 5 tạ/ha, bước vào năm thứ 4, thứ 5…năng suất điều có thể đạt khoảng 30 tạ/ha; đặc biệt, mô hình sẽ liên kết với Công ty Hoàng Phú tại Tánh Linh để thu mua hạt điều.

 

    

Mô hình điều ghép giống mới năng suất cao tại xã La Ngâu, Tánh Linh

Mô hình trồng cây đậu bắp trên đất kém hiệu quả theo liên kết chuỗi vụ đông xuân 2020-2021 tại xã Đông Tiến, Hàm Thuận Bắc, Trung tâm đã kết nối với Công ty TNHH Nông sản Hoàng Gia tại huyện Tánh Linh để thu mua đậu bắp cho bà con; do ảnh hưởng của nắng hạn gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đền sức sống của đậu bắp, nhưng với sự bám sát mô hình của đội ngũ cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, cộng thêm bà con nhiệt tình, tích cực chăm sóc đã góp phần tạo ra năng suất khá cao, bình quân 7,5 tấn/ha, với giá thu mua của Cty ổn định 8.000 đ/kg cho doanh thu 60 triệu/ha, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 26 triệu đ/ha; việc đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, tạo niềm tin và phấn khởi cho bà con yên tâm sản xuất. Một điều tiến bộ từ mô hình mang lại là bà con tự bỏ kinh phí đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần giảm chi phí thuê công tưới, tăng thêm lợi nhuận.

   

Mô hình đậu bắp tại xã Đông Tiến – Hàm Thuận Bắc

Đáng chú ý nhất là mô hình thâm canh cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi tại xã Phan Sơn, Bắc Bình (quy mô năm 2019 (2,1 ha), năm 2020 (03 ha)); giống cỏ cao sản VA06 phát triển tốt, cây cao trên 2m; thân to và mềm, giàu dinh dưỡng, là nguồn thức ăn rất tốt cho gia súc (bò, trâu, dê…);  đặc biệt, cỏ gần như không có sâu bệnh hại, không can thiệp thuốc BVTV, đảm bảo “thức ăn sạch” cho đàn gia súc;năng suất bình quân đạt 320 tấn/ha/năm (8 lứa cắt); với giá khoảng 700.000 đ/tấn cho lợi nhuận trên 93 triệu đồng/ha/năm.

     

Mô hình cỏ VA06 tại xã Phan Sơn – Bắc Bình

Thực hiện tinh thần kết nghĩa cùng xã vùng cao Phan Sơn, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông đang xây dựng kế hoạch thực hiện 04 ha mô hình canh tác lúa theo phương pháp SRI theo liên kết chuỗi tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình với mong muốn giúp bà con canh tác theo hướng tiên tiến, vừa giảm giống sạ, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, đặc biệt là tiết kiệm nước tưới, ứng phó điều kiện hạn hán do biến đổi khí hậu hiện nay.

Các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với bà con vùng dân tộc thiểu số trong những năm qua được đánh giá là có hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực thúc đẩy sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí từ ngân sách để đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng cao còn nhiều hạn chế, mong rằng thời gian tới bà con vùng DTTS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách Nhà nước cũng như sự quan tâm của các ban, ngành trong tỉnh./.

Hồ Công Bình