Đang online: 10
Hôm nay: 46
Trong tuần: 1172
Trong tháng: 7631
Tổng truy cập: 659667

KẾT QUẢ XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT THÂM CANH ĐIỀU BỀN VỮNG Ở BÌNH THUẬN

Thứ Sáu 05/08/2022 17:24
852

KẾT QUẢ XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT THÂM CANH ĐIỀU

BỀN VỮNG Ở BÌNH THUẬN

Điều là cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Bình Thuận. Năm 2020, tổng diện tích trồng điều toàn tỉnh khoảng 17.500 ha (tập trung tại 3 huyện Đức Linh: 7.238 ha, Tánh Linh: 4.520 ha và Hàm Tân: 2.543 ha), năng suất hạt điều trung bình khoảng 7,0 tạ/ha, sản lượng trên 12.140 tấn (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, 2020). Theo các nhà chuyên môn, năng suất như vậy là rất thấp so với tiềm năng năng suất của cây điều. Nguyên chủ yếu là do phần lớn diện tích điều trước đây được trồng bằng hạt (thực sinh), không qua tuyển chọn và chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây điều.

Để phát triển cây điều bền vững thì cần thiết phải cải tạo những vườn điều năng suất thấp bằng các quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, trồng thay thế các vườn điều già cỗi bằng những giống điều ghép cao sản, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng; tập trung đầu tư tăng năng suất, thay đổi mới thiết bị công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hạt điều; giải pháp về tổ chức sản xuất, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhóm nông hộ, tổ hợp tác tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng điều để người dân yên tâm sản xuất.

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững” với mô hình trồng mới các giống điều ghép cao sản (5 ha) và mô hình thâm canh (15 ha) tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Sau một năm triển khai các mô hình đạt kết quả bước đầu: Mô hình trồng mới các giống điều AB05-08; AB29 và PN1 có tỷ lệ cây sống đạt trên 90%; đường kính gốc đạt 2,5 cm; chiều cây 130 cm. Nông dân tham gia Dự án cho biết, các giống điều ghép mới phù hợp với điều kiện đất đai và sinh thái của địa phương và sẽ được nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Mô hình thâm canh điều trong thời kỳ kinh doanh được thực hiện trên vườn điều 12-15 năm tuổi. Kết quả cho thấy: năng suất hạt của các hộ tham gia mô hình niên vụ 2021/2022 đạt 1,580- 1,720 kg/ha (trung bình 1.661 kg/ha), cao hơn so với hộ ngoài mô hình 290 kg/ha; thu nhập 29.133.500 đồng/ha, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 21,11%. Dự án cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây điều tổng hợp cho hơn 80 lượt người dân. Thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất điều Tân Phúc với 20 hộ tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi. Mục đích của tổ hợp tác liên kết là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hạt điều và tăng thu nhập cho các thành viên; thông qua tổ hợp tác tìm kiếm đầu ra, liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt điều để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

               Với kết quả trên, mô hình được chính quyền địa phương, người dân mong muốn tiếp tục thực hiện, mở rộng để nhiều người dân quan tâm được tham gia học tập.

Trần Thế Lâm – Phạm Thị Hồng

Một số hình ảnh mô hình thâm canh tại Bình Thuận năm 2022