Đang online: 8
Hôm nay: 628
Trong tuần: 952
Trong tháng: 7411
Tổng truy cập: 659447

Ứng dụng chế phẩm Trichoderma để ủ phân chuồng trong canh tác thanh long hữu cơ

Thứ Ba 27/09/2022 10:23
730

Ứng dụng chế phẩm Trichoderma để ủ phân chuồng trong canh tác thanh long hữu cơ

 

Để phát triển ngành hàng thanh long theo hướng an toàn và bền vững, từ năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận thực hiện dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu  cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Mục tiêu dự án là xây dựng mô hình sản xuất thanh long hữu cơ theo chuỗi liên kết nhằm tạo tiền đề để phát triển ngành hàng thanh long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu bền vững, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu thanh long Bình Thuận trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Đến nay, đã thành công xây dựng 03 mô hình sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu với tổng diện tích được chứng nhận là 80 ha trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Hình 1. Thanh long sản xuất hữu cơ

Việc thay thế các loại phân bón hóa học trong sản xuất cây trồng bằng các loại phân bón hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ môi trường, đây là yếu tố bắt buộc trong sản xuất hữu cơ nói chung và sản xuất thanh long hữu cơ nói riêng. Xây dựng quy trình ủ sử dụng nấm Trichoderma để ủ phân chuồng là một trong những biện pháp nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân trong sản xuất.

Phân chuồng là loại phân bón hữu có có nguồn gốc từ phân động vật (phân gia súc, gia cầm,…). Trong trồng trọt,  phân chuồng có tác dụng rất lớn đối với cây trồng:

- Cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như  chất khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng. Bên cạnh đó còn cung cấp chất mùn hữu cơ để tăng độ phì nhiêu của đất.

- Hỗ trợ và kích thích sự phát triển của hệ vi sinh vật hữu ích.

- Giữ ẩm cho đất, hỗ trợ bộ rễ cây trồng phát triển khỏe mạnh

- Tạo ra môi trường sống tốt giúp các sinh vật hữu ích phát triển: như giun đất, các vi sinh vật có lợi…

Nấm  Trichoderma

Trichoderma là tên gọi của một loài nấm bất toàn thuộc họ Moniliaceae. Trichoderma được gọi là một loại nấm đối kháng.

Tác dụng của Trichoderma:

- Nấm Trichoderma tiết ra đất những chất kích thích để rễ cây ăn sâu xuống lòng đất, làm cho rễ cây khỏe hơn và tăng khả năng hút dinh dưỡng, tăng khả năng phòng vệ, tạo thành một lớp măng - xông bảo vệ vùng rễ cây tránh sự xâm nhập của mầm bệnh của các loại nấm bệnh, làm giảm khả năng nhiễm bệnh

- Kích thích cây trồng tự sản xuất ra các chất giúp tăng sức đề kháng giúp cây khỏe mạnh hơn:

+ Tăng cường hoạt tính các loại enzyme trong thực vật có liên quan đến khả năng kháng khuẩn như β-1,3-glucanase, peroxidase, chitinase và lipoxygenase.

+ Kích thích khả năng tiết các chất phytoalexin của cây tại các vùng tổn thương. Giúp cây mau lành và ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh có hại tại những vùng này.

+ Bên cạnh đó, trong quá trình cạnh tranh môi trường sống, các loại nấm và vi sinh vật gây bệnh có khả năng để lại cyanid tại nơi ở của chúng. Đây là một loại chất độc gây ức chế hoạt động hô hấp của các tế bào. Trichoderma kháng lại cyanid, đồng thời tạo ra hai loại enzyme có khả năng phân hủy chúng tại vùng rễ. Do đó, chúng góp phần trực tiếp trong việc kiểm soát và chủ động bảo vệ bộ rễ cho cây.

- Trichoderma kích thích cây trồng gia tăng nồng độ chất hữu cơ trong vách tế bào và sản sinh ra nhiều hoocmon thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ hơn, giúp gia tăng mức độ sử dụng và khả năng hút các chất dinh dưỡng này cho các loại cây trồng.

- Ngoài ra loại nấm này còn phân giải một số chất hữu cơ trong đất và phân bón khiến đất trở nên tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và giảm thiểu tình trạng đất chai, bạc màu

Trong phân chuồng tươi còn có nhiều hạt cỏ dại, nhiều kén nhộng côn trùng, nấm, vi khuẩn và tuyến trùng gây bệnh. Phân chuồng sau quá trình ủ hoai mục sẽ tiêu diệt và loại bỏ được các yếu tố gây hại này, đồng thời sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hóa để khi bón vào đất phân hữu cơ có thể nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Ủ phân chuồng bằng chế phẩm sinh học nấm Trichoderma giúp phân giải nhanh các mùn bã hữu cơ, cân đối dưỡng chất của phân chuồng, chuyển hóa các dinh dưỡng giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ. Đồng thời cung cấp các vi sinh vật có ích, ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, bào tử nấm, trứng côn trùng, hạt cỏ dại.

Hình 2. Bón phân hữu cơ trên thanh long

Phương pháp ủ phân chuồng trong sản xuất hữu cơ:

Lựa chọn địa điểm:

Vị trí chứa / ủ phân hữu cơ phải cách nơi sản xuất  ít nhất 10m, cách khu vực vùng nước mặt ít nhất 25 m.

- Xây dựng khu vực ủ: xây dựng nền ủ phải cao hơn mặt đất bình thường là 0,1m và tráng xi măng, xung quanh xây tường gạch tô xi măng, đậy kín bằng bạt.

-  Khu vực ủ bằng phẳng, hoăc có độ dốc vừa phải để tránh chảy phân, thất thoát phân và gây ô nhiễm môi trường.

  Chuẩn bị nguyên liệu

- Phân chuồng tươi (khô): có thể sử dụng phân bò hoặc phân gà. Đối với canh tác hữu cơ, phân gà và các loại phân động vật khác lấy từ các trại nuôi thương mại không được phép sử dụng. Khuyến khích việc thu gom phân động vật mà mình đang nuôi. Có thể sử dụng phân động vật chăn thả tự nhiên từ bên ngoài trang trại của mình để sử dụng.

- Nấm Tricoderma

- Nước

Thực hiện ủ:

Pha nguyên liệu theo tỷ lệ:

- 1 tấn phân chuồng

- 2 kg nấm Tricoderma

Lưu  ý:

1 khối phân chuồng tươi tương đương 400 – 500 kg

1 khối phân chuồng khô tương đương 200 – 300 kg

Các bước ủ:

Bước 1: Pha 2 kg Tricoderma + 100 lít nước

Bước 2: Trải một lớp phân chuồng dày 30 – 40 cm vào sân ủ. Sau đó tưới đều dung dịch pha ở bước 1 vào lớp phân, sao cho đạt độ ẩm 45 -50%. Tiếp tục như thế cho đến khi đống phân cao 1,5 m-1,7 m. Sau đó đậy kín bằng bạt nilon có màu tối.

Bước 3: Sau khi ủ được 20 ngày thì tiến hành đảo phân từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

- Độ ẩm ủ là 55-60%, có thể kiểm tra nếu phân ủ thiếu độ ẩm thì tưới thêm nước, phủ bạt lại là tiếp tục ủ. Cách kiểm tra bằng cảm quan như sau: dùng tay bóp một nắm phân, nếu thấy có nước rỉ ra ở kẽ tay thì phân đủ độ ẩm.

- Khi ủ được 60 ngày là có thể sử dụng. Khoảng 40-50 ngày sau ủ, cán bộ kỹ thuật kiểm tra bằng cảm quan chất lượng đống ủ, nếu đạt yêu cầu có thể đưa vào sản xuất, nếu chưa đạt yêu cầu tiếp tục thao tác ủ lại.

Hình 3. Ủ phân chuồng bằng chế phẩm Trichodermar

 

Ngoài ra, có thể sử dụng phân ủ với tỷ lệ : 50% phân chuồng: 50 %  phân xanh (các loại cây họ đậu, bèo dâu tây, cành quả thanh long sau cắt tỉa… Trong trường hợp sử dụng cành thanh long, cần băm (chặt) cành thanh long thành các đoạn ngắn 3-5cm).

Quy trình và thời gian ủ tương tự như trên, sau thời gian 60 ngày, đống ủ đã hoai mục có thể đưa ra sử dụng. Trong quá trình bón, chú ý rải phân theo hình chiếu của tán cây, sau đó trộn đều phân hữu cơ với đất mặt từ 15 – 20cm. Tưới giữ ẩm và che phủ rơm để giữ ẩm.

                                                          ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga

  Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận