Đang online: 11
Hôm nay: 116
Trong tuần: 1242
Trong tháng: 7701
Tổng truy cập: 659737

HỘI THẢO GIỚI THIỆU & ĐÁNH GIÁ CÁC GIỐNG LÚA PHÙ HỢP CHO HUYỆN TÁNH LINH TỈNH BÌNH THUẬN VÀ CÁC TỈNH NAM TRUNG BỘ - ĐÔNG NAM BỘ

Chủ Nhật 14/08/2016 09:25
64

        Ngày 08 tháng 8 năm 2016, tại xã Bắc Ruộng huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và UBND huyện Tánh Linh tổ chức “Hội thảo giới thiệu và đánh giá các giống lúa phù hợp cho huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ - Đông Nam bộ”.

        Tham dự hội nghị có ông Mai Kiều - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận; GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện Phó Viện khoa học NN Miền Nam; TS. Lưu Hồng Mẫn - Viện Phó Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và đại diện các Cơ quan, Ban, Ngành Nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận; cùng với đại diện một số công ty thu mua chế biến xuất khẩu gạo đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; đại diện một số HTX nông nghiệp của huyện Tánh Linh; bà con nông dân tham gia sản xuất khảo nghiệm và trên 200 nông dân sản xuất lúa của huyện Tánh Linh.

 

        Tại hội thảo, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cho các đại biểu được đi thăm mô hình sản xuất khảo nghiệm 25 giống lúa trong đó có 18 giống khảo nghiệm sinh thái và 07 giống khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Đồng thời được nghe đánh giá giống lúa, kết quả sản xuất khảo nghiệm đến từ Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Đồng Nai.

 

        Các giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo, có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày, riêng giống khảo nghiệm sản xuất số 7 là giống OM 345 có TGST 95-105 ngày (vụ hè thu); qua kết quả khảo nghiệm sản xuất và sinh thái cho thấy các giống đều có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 95- 110 ngày vụ hè thu) khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thân cứng, lá xanh, bộ lá khỏe, lá đòng rộng, dài, bông dài, có trên 10 giống lúa cho năng suất cao và có tính kháng trung bình với bệnh đạo ôn, rầy nâu.

 

        Phát biểu tại hội nghị, các hộ tham gia sản xuất khảo nghiệm các giống đều có chung nhận xét: Giống số 1 OM 108; số 2 OM359; số 3 OM 344; số 7 OM 345 và giống số 8 khảo nghiệm sinh thái sinh trưởng và phát triển tốt, kháng được sâu bệnh hại phổ biến và điều kiện bất lợi vụ hè thu 2016.

        Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan mô hình sản xuất khảo nghiệm và nếm thử cơm của các giống khảo nghiệm sản xuất đều cảm nhận chất lượng ngon, cơm trắng, mềm, dẻo thơm nhẹ. Qua phiếu đánh giá, có 95,08%  các đại biểu tham gia hội thảo đánh giá giống khảo nghiệm sản xuất số 3 OM 344; 62,3% cho giống số 1 OM 108 và giống số 7 OM 345 phù hợp với  địa phương và có chất lượng cơm ngon. Các đại biểu cũng mong muốn các giống trên sớm được công nhận chính thức để đưa vào cơ cấu giống lúa của địa phương.

 

        Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đánh giá cao Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; UBND huyện Tánh Linh đã khảo nghiệm thành công bộ giống lúa mới tại huyện Tánh Linh. Qua hội thảo đã có 3 giống được đánh giá cao, đặc biệt là giống OM 344. Đề nghị Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sớm hoàn thành thủ tục công nhận bộ giống lúa mới và quy trình sản xuất để các địa phương trong tỉnh chuyển giao cho bà con nông dân trồng lúa, thay thế dần các giống lúa có chất lượng trung bình của địa phương và cung ứng nguồn giống lúa gốc chất lượng phục vụ sản xuất góp phần tăng thu nhập, giảm chi phí đầu vào và đảm bảo năng suất, chất lượng lúa. 

Văn Hiến