Đang online: 2
Hôm nay: 124
Trong tuần: 1250
Trong tháng: 7709
Tổng truy cập: 659745

Hội thảo mô hình thâm canh lúa theo phương pháp SRI tại thị trấn Phú Long

Thứ Hai 28/08/2017 09:14
83

          Ngày 24 tháng 8 năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Thuận phối hợp với HTX DV Nông nghiệp Hòa Thành (HTX Hòa Thành) tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình “Khảo nghiệm mật độ gieo Áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước (khô ướt xen kẽ)” thuộc dự án SNV tại hộ bà Đỗ Thị Mỹ Lam, khu phố Phú Hòa, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc.

          Về tham dự có bà Bùi Liên Phương – Đại diện Ban Quản lý Dự án SNV, ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm KNKN Bình Thuận, đại diện các HTX của xã Hàm Chính, xã Hàm Đức huyện Hàm Thuận Bắc, xã Sông Bình của huyện Bắc Bình và các tổ viên của HTX Hòa Thành. Ngoài ra còn có phóng viên Báo Bình Thuận, Đài PTTH tỉnh và huyện Hàm Thuận Bắc đến dự và đưa tin.

          Trước khi vào buổi thảo luận trao đổi, các đại biểu và bà con nông dân cùng tham quan thực tế mô hình do anh Trần Ngọc Phụng trực tiếp thực hiện. Mô hình có qui mô 0,4 ha, sử dụng giống lúa MT10 trong vụ hè thu 2017. Lần đầu tiên tận mắt thấy được kết quả từ 4 sào của ruộng mô hình, không ít bà con ngạc nhiên và thích thú. Tại 4 mảnh ruộng bố trí theo 4 công thức, lần lượt là 8 kg/sào, 10 kg/sào, 12 kg/sào, 16 kg/sào (đối chứng), ruộng nào cũng xanh tốt, đặc biệt tại ruộng thử nghiệm mật độ 12 kg/sào, bằng cảm quan cho thấy năng suất cao hơn hẳn.

Ruộng gieo mật độ 8 kg/sào

Ruộng gieo mật độ 10 kg/sào

Ruộng gieo mật độ 12 kg/sào

Ruộng ngoài mô hình

          Chia sẻ tại buổi hội thảo, anh Trần Ngọc Phụng cho biết, khi thực hiện mô hình, anh đã giấu gia đình vì sợ không chấp thuận khi cho rằng gieo mật độ như trong mô hình đưa ra quá thưa, không cho năng suất. Vì vậy, anh âm thầm tiến hành thực hiện và chỉ sau 1 tháng, anh mới cho vợ mình hay. Còn chú Võ Đầy – là người đăng ký đầu tiên thực hiện mô hình, nhưng vì chưa đồng thuận trong gia đình, chú phải từ bỏ. Mặc dù vậy, chú vẫn theo sát quá trình thực hiện của ruộng anh Phụng và khẳng định, mô hình có ba ưu điểm mà chú tâm đắc nhất, đó là: không có bệnh khô vằn, không bị bệnh đốm lá, cây lúa quang hợp tốt cho năng suất cao.

          Cô Nguyễn Thị Sáu – tổ viên HTX Hòa Thành – cho biết, lúc đầu không tin có ruộng gieo thưa như trong mô hình, nhưng sau khi tham quan thì rất ngạc nhiên, và cô cho rằng mật độ gieo 12 kg/sào là đạt nhất. Đây cũng là đánh giá chung của đại biểu và bà con trong buổi hội thảo. Cụ thể, qua năng suất thống kê, với mật độ gieo 8 kg/sào cho năng suất 68 tạ/ha, 10 kg  tương ứng 67,3 tạ/ha, 12 kg tương ứng 69,3 tạ/ha và 16 kg/sào tương ứng 61,7 tạ/ha. Như vậy, có thể khẳng định với giống lúa MT10 gieo sạ vụ Hè Thu ở mật độ 12 kg/sào là đạt năng suất cao nhất.

Cô Nguyễn Thị Sáu tham gia phát biểu tại Hội thảo

Đối với điều tiết nước (có đặt ống nhựa theo dõi) thì thực hiện được 4 lần ướt theo chu kỳ và 3 lần để khô. Việc rút nước đã giúp rễ phát triển tốt hơn và cây cứng chắc, hạn chế sâu bệnh (đặc biệt là rầy nâu) xuất hiện và gây hại so với ruộng giữ nước liên tục trước đây. Ước tính, nếu áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước và gieo thưa (mật độ 12 kg/sào) trên diện rộng, với diện tích canh tác lúa 80 ha, sản xuất 3 vụ, thì mỗi năm HTX Hòa Thành tiết kiệm được 1 triệu m3 nước và khoảng 19,2 – 31,2 tấn giống lúa (tương đương 211, 2 – 343,2 triệu đồng).

          Thực hiện mô hình không khó, tuy nhiên để đạt kết quả cao, theo anh Phụng chia sẻ: khâu làm đất rất quan trọng, ruộng phải bằng phẳng, chú ý bón lót và theo dõi cho nước vào – ra theo từng giai đoạn mà trong qui trình kỹ thuật đã hướng dẫn.

          Kết luận tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm KNKN Bình Thuận nhấn mạnh, đây là dự án nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ, vì vậy qua mô hình này, phụ nữ cần tuyên truyền, vận động các chị em khác, đồng thuận đồng lòng trong gia đình để áp dụng trong quá trình sản xuất lúa, vì thực tế mô hình đem lại nhiều lợi ích cho bà con, đó là: bảo vệ sức khỏe người sản xuất; giảm đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tác động xấu đến môi trường, sản phẩm làm ra an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

MS