Đang online: 4
Hôm nay: 580
Trong tuần: 904
Trong tháng: 7363
Tổng truy cập: 659399

Khuyến nông @: “Nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung”.

Thứ Ba 17/04/2018 11:03
44
Trong hai ngày 12-13/04/2018 tại Trung tâm Hội nghị và Nhà khách tỉnh Khánh hòa đã diễn ra diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung”. Đoàn Khuyến nông Bình Thuận gồm Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cán bộ kỹ thuật và bà con nuôi tôm Bình Thuận đã tham dự

Nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ những năm 2000 đến nay và phát triển nhanh chóng về số lượng lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận đã mang lại cho người nuôi nguồn thu nhập đáng kể và đóng góp một phần vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản. Tôm hùm nuôi chủ yếu gồm 4 loại: Tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ; trong đó tôm hùm bông có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, màu sắc tươi sáng và có giá trị kinh tế cao.

Năm 2017, số lồng nuôi là 83.852 lồng, cho tổng sản lượng 1.530 tấn, trong đó Phú yên chiếm 500 tấn, Khánh Hòa 984 tấn, còn lại là ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định và Quảng Ngãi. Tôm hùm được nuôi lồng với 2 dạng lồng nuôi gồm: Lồng hở và Lồng kín, được thiết kế dạng hình hộp chữ nhật bao bởi các khung sắt. Mật độ thả nuôi tùy kích cỡ tôm giống, trung bình từ 8-10 con/m2 đối với tôm giống có kích cỡ từ 100 g/con trở lên. Thức ăn cho tôm chủ yếu là cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai và các loại nhuyễn thể.

Hiện nay, tôm hùm vẫn chưa sản xuất được giống, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Ước tính mỗi năm khai thác được từ 7 đến 9 triệu con tôm giống, kích cỡ không đồng đều, do giống được đánh bắt bằng nhiều phương tiện khác nhau như: mành, bẫy chà, lặn. Đặc biệt để khai thác tôm hùm giống đã có hiện tượng sử dụng hình thức cấm như dùm thuốc gây mê… tác động xấu đến môi trường sinh thái và khi đưa vào nuôi tôm thường chết nhiều vào giai đoạn đầu thả nuôi, tỷ lệ sống thấp, tôm chậm lớn. Giá tôm hùm giống có sự biến động lớn, tôm hùm bông có giá cao nhất, khoảng 150-350 ngàn đồng/con tùy thời điểm, có lúc lên đến 450 ngàn/con cỡ 1g/con; tôm trắng có giá hiện nay khoảng 350 ngàn/con, giá thấp hơn là tôm hùm xanh, thấp nhất là tôm hùm tre và tôm hùm sỏi.

          Tại Bình Thuận, nuôi tôm hùm ở Vĩnh Tân, Tuy Phong và huyện đảo Phú Quý công nghệ và kỹ thuật nuôi còn thô sơ, áp dụng kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, vì thế dễ phát sinh dịch bệnh và năng suất, sản lượng thấp. Mặt khác, đa số bà con nuôi tự phát, nguồn giống đánh bắt kém chất lượng, hoạt động nuôi chưa gắn với tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu là thương lái thu gom nên bấp bênh về giá, không ổn định.


Hướng phát triển nuôi tôm hùm hiện tại cần đi đến bền vững, muốn vậy Hội nghị phân tích một số khía cạnh như sau: thứ nhất, phải đảm bảo vùng quy hoạch nuôi, tránh những nơi có sóng gió, nguồn nước bị nhiễm bẩn; thứ hai, về yếu tố quản lý việc khai thác giống và nuôi thương phẩm chưa được quản lý chặt chẽ; thứ ba, về nguồn giống tự nhiên do khai thác cạn kiệt nên ngày càng giảm, chất lượng giống thấp, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống, ương nuôi giống; thứ tư là công nghệ và kỹ thuật nuôi cần cải tiến, xóa bỏ cách làm truyền thống; thứ năm là kiểm soát dịch bệnh, thông qua kiểm soát mật độ và kích cỡ giống; thứ sáu là nguồn thức ăn hầu như chưa được sản xuất công nghiệp, người nuôi sử dụng đồ tươi sống dẫn tới dễ ô nhiễm môi trường vùng nuôi; thứ bảy là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, cần liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu, thu mua, tránh được mùa mất giá.

CB