Đang online: 6
Hôm nay: 212
Trong tuần: 212
Trong tháng: 6671
Tổng truy cập: 658707

Ổn định hoạt động nuôi cá lồng bè tại Vĩnh Tân

Thứ Hai 20/08/2018 16:21
134

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển chưa bao giờ hết gian nan bởi tính khắc nghiệt và độ rủi ro quá cao… biển cả bao la, dòng nước lưu chuyển liên tục, bấp bênh trên từng con sóng đêm ngày, chịu mọi biến động về thời tiết, thiên tai, v.v. đó là chưa kể người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, có “tay nghề” mới dám bám biển, bám bè.


Chia sẻ cùng bà con nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân với những thiệt hại, tổn thất nặng nề vừa qua; chính bà con nuôi cá bè tại huyện đảo Phú Quý, điểm nuôi trên biển lớn nhất của Bình Thuận cũng chịu xót xa khi hàng tấn cá nuôi trong lồng bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng (10/2017) mà nguyên nhân cũng do thời tiết diễn biến xấu, bà con chưa chủ động ứng phó; Thế nhưng, trong rủi ro gian khó lại ló cái hay khi bà con vùng nuôi Phú Quý đã rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đối phó, xử lý trong những tình huống biến động môi trường, ý thức nuôi trồng, cách thức quản lý, trình độ kỹ thuật lại được nâng cao.

Với sự hỗ trợ của Cấp quản lý Ngành, trong tháng 6, tháng 7/2018 các cán bộ kỹ thuật đã sát cánh cùng bà con nuôi cá bè tại Vĩnh Tân; tận tình giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật và “trực chiến” tại bè. Anh Võ Ngọc Hải, cán bộ phòng Chuyển giao Kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Riêng trong tháng 7/2018 đã thực hiện lấy mẫu 3 lần để phân tích, đánh giá, bao gồm các mẫu về vật nuôi, nước, và thức ăn cho vật nuôi”; Việc kiểm tra các mẫu (đánh giá nguy cơ) sẽ cho kết quả đánh giá khách quan, qua đó có phương pháp kiểm soát toàn diện độ rủi ro (kiểm soát mối nguy).

Trong thời gian được hỗ trợ về kỹ thuật tận tình, các hộ nuôi tại đây đã có cơ hội trao đổi trực tiếp, được giải đáp thắc mắc, chỉ dẫn để quản lý các yếu tố đầu vào, đầu ra nhằm hạn chế tối đa sự rủi ro. Đối với cá nuôi lồng, yếu tố về con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng là tối cần thiết; song song đó, việc nâng cao sức khỏe vật nuôi qua quản lý thức ăn – cho ăn thức ăn đảm bảo, và chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên bè sẽ phòng chống tốt bệnh hại. Bệnh chỉ xảy ra khi sức khỏe vật nuôi quá yếu, môi trường xấu – có hại cho vật nuôi nhưng lại là điểm bùng phát mầm bệnh, xâm nhập, tấn công vào vật nuôi; chính vậy, phòng bệnh hơn trị bệnh, nếu chăm sóc sức khỏe vật nuôi tốt, thực hiện quản lý, kiểm soát bè nuôi chắc chắn hạn chế được độ rủi ro.

Theo thống kê về góc độ chuyên môn, cá nuôi trong lồng bè trên biển thường gặp các bệnh do vi khuẩn là chính, đặc biệt là nhóm vi khuẩn Vibrio tấn công khi vật nuôi có sức đề kháng yếu, bị giữ lâu trong môi trường nước bất lợi; việc tắm nước ngọt định kỳ mỗi tuần, tránh để cá xây xát, phát hiện và tách những cá thể có dấu hiệu bệnh lý, cá thể bị phân đàn giúp ngăn chặn bệnh về ký sinh trùng, vi khuẩn rất hữu hiệu. Riêng các bệnh về virus, ghi nhận cho thấy Iridovirus gây bệnh “cá ngủ” làm tỷ lệ chết cấp tính lên tới 90 – 100%, việc phòng bệnh khi bổ sung vitamin C, chất khoáng, men tiêu hóa đường ruột vào thức ăn cho cá, kết hợp kiểm soát môi trường là phương án tối ưu đối phó chủng này.

Hiện tại, các biện pháp đối phó với diễn biến môi trường nước bất lợi là bà con phải trực bè 24/24, định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường; khi quan sát thấy cá nuôi có biểu hiện bất thường lập tức test nhanh các chỉ tiêu về ô xy, nhiệt độ, khí độc, nếu thấy bất lợi phải có biện pháp ứng biến nhanh, đồng thời di chuyển bè ra khu vực khác, có dòng chảy và điều kiện môi trường nước thuận lợi hơn cho vật nuôi.

Theo ghi nhận từ các hộ ông Ngô Hoàng, hộ anh Phong thì hoạt động nuôi dần ổn định trở lại sau sự cố; tuy vậy, với những biến động về thời tiết mùa vụ (Tháng 4 tới hết tháng 8 hàng năm), việc thả giống hàng loạt vào thời điểm này không được cơ quan chuyên ngành khuyến cáo. Bà con nên nuôi thưa, và đa dạng đối tượng, thả giống gối đầu để có thu hoạch quanh năm, vừa có đầu ra thường xuyên lại quyết định được giá cả; bên cạnh đó, bà con vùng nuôi cần bám sát chỉ thị của Cấp quản lý, hướng dẫn kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn.

CB