Đang online: 7
Hôm nay: 82
Trong tuần: 1208
Trong tháng: 7667
Tổng truy cập: 659703

BIỆN PHÁP TỔNG HỢP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TRÊN ĐẤT PHÈN

Thứ Sáu 31/12/2021 17:16
455

BIỆN PHÁP TỔNG HỢP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TRÊN ĐẤT PHÈN

Bình Thuận vốn là vùng đất có địa hình đồng bằng xen kẽ đồi núi thấp, chính vậy việc canh tác nông nghiệp nói chung và riêng cây lúa tại những vùng có thể chuyên canh cây lúa thuộc đất bán sơn địa, đất vùng gần đồi núi rất dễ bị nhiễm phèn (phèn nhôm, phèn sắt). Ban Biên tập xin chuyển đến quý độc giả một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất phèn qua chuyên gia PGS. TS. Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng VP Khuyến nông Nam bộ.

Để canh tác lúa trên đất phèn có hiệu quả cần áp dụng biện pháp tổng hợp sau:

1./ Biện pháp thủy lợi: (Phương châm thủy lợi là hàng đầu). Cần thiết kế kênh mương thủy lợi nội đồng cho thật tốt. Nguyên tắc cơ bản nhất là phải có nước ngọt thì mới tiến hành trồng lúa trên đất phèn được.  

Để có thể xả phèn tốt thì hệ thống kênh mương như sau: Một mương xả phèn với độ sâu 1-1,2m, rộng 1,5-2,0m và nối với kênh nguồn. Mương này còn có tác dụng giúp cho việc vận chuyển phân, giống, sản phẩm sau thu hoạch rất thuận lợi. Trong mỗi ruộng nên làm những mương giáp vòng quanh ruộng để xả phèn, bề rộng và sâu chỉ cần 50-70cm. 

Thiết kế kênh tiêu, thoát phèn khoảng cách 30m, chạy dọc song song với lô ruộng – nếu lô ruộng rộng hơn 30m, thì nhất thiết sau khi gieo sạ xong, phải mở mương tạm (chiều ngang 20-30cm, sâu: 20-30cm) gọi là mương xương cá nối với mương giáp vòng để việc thoát phèn thuận lợi hơn

Tốt nhất, lần lồng đất sau cùng, gắn một trục lăn có các gờ (để móc các mương tạm) là rất hay.

Nguyên tắc quản lý nước trên đất phèn trồng lúa:

Đặc điểm của đất phèn:

Đất phèn có độ phì tiềm tàng cao do có chứa nhiều chất hữu cơ (C=5-10%), giàu đạm tổng số (N=0,2-0,5%) nhưng chất hữu cơ đa số là mùn thô, cây khó sử dụng và lại thiếu đạm dễ tiêu, cây thường đói đạm. Do đó trong quá trình canh tác lúa cần phải quan tâm đến các biện pháp tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật để phân giải các chất khó tiêu thành dễ tiêu để cung cấp cho cây trồng (để khô lớp đất mặt, hoặc bón lân, vôi)

Hơn nữa, đất phèn chứa nhiều độc chất: sunphát sắt, sunphát nhôm do trong điều kiện oxyt hóa, bị xì phèn. Trong việc canh tác lại phải quan tâm đến việc ém phèn (một nguyên tắc thành công rất cơ bản trên đất phèn: chủ yếu là ém phèn kế đến mới là rửa phèn) vì phèn nằm ở tầng sinh phèn pyrite (FeS2) nếu có điều kiện oxyt hóa sẽ dậy phèn (xì phèn), sản sinh liên tục các độc chất, hình thành nên tầng phèn màu vàng trấu còn gọi là Jarosite [KFe3(SO4)2(OH)6] và trồi lên cả tầng mặt gây chết cây.  

Nguyên tắc quản lý nước trên đất phèn trồng lúa:

Từ các phần đã trình bày ở trên, việc quản lý nước trên đất phèn trồng lúa đòi hỏi kỹ thuật “ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt” gọi tắt là “đáy ướt, mặt khô”. Chính vì vậy, trong trường hợp trồng lúa trên đất phèn cứ ém hoài một lớp nước trên mặt cũng không có lợi, làm tăng quá trình khử, tăng Fe2+ và H2S cây dễ bị tiêm, lụi, hệ thống rễ phát triển kém, có nhiều rễ đen hoặc rễ bị thối, cây dễ nhiễm bệnh. Trong trường hợp “đáy khô, mặt khô”, đất nứt nẻ sẽ bị hiện tượng xì phèn, cây sẽ bị ngộ độc nhôm, sắt và chết.

Lợi dụng nguồn nước thiên nhiên tối đa, khi  nước lũ về nên cày ngâm  lũ, xả phèn là rất tốt. Lợi dụng nước triều lên, lấy nước vô và triều rút tháo nước ra đễ xả phèn. Trên đất phèn chỉ nên để ruộng khô đến giới hạn cho phép (nứt chân chim) lúc đó lớp mặt khô nhưng lớp dưới còn ẩm, giải quyết được 2 nhiệm vụ: tăng cường sự khoáng hóa các chất hữu cơ trên lớp mặt nhưng vẫn đảm bảo ém phèn tầng sâu, giảm độc chất của quá trình khử H2S, Fe2+, giúp tăng các chất dễ tiêu, tăng độ phì thực tế cho đất.

2./ Biện pháp chọn giống: “ Phương châm Đất nào cây ấy” Cần chọn giống chống chịu phèn, đẻ nhánh khỏe, có phẩm chất tốt (dễ bán), có thời gian sinh trưởng  phù hợp với cơ cấu giống trong vùng, tránh ló đầu, ló đuôi sẽ bị chim chuột ăn hết, nên sử dụng giống thích nghi tốt với vùng sinh thái (đã trồng rồi, thử nghiệm rồi, cho kết quả tốt), nên dùng giống xác nhận để gieo trồng.

Các giống lúa chịu phèn gồm có: 

Ngắn ngày: AS996, VNĐ95-20, OM6976,  OM7262, OM5629, OM2517, OM5451, OM4218, OM4900, GKG1, OM7347, ĐTM126, Nàng Hoa 9, HR182, BTE-1, MTL560, OM3536,  , OM2395, IR50404,

Trung và dài ngày: Một Bụi Đỏ, ST5, IR42 (NN4B), OM723-7, OM1348, OM1352, Tép hành đột biến , OM57-6.  

3./ Biện pháp hóa học:

Cần lưu ý là trong các biện pháp cải tạo đất phèn (hay còn gọi quản lý đất phèn có hiệu quả) biện pháp sử dụng nước để ém phèn tầng sâu và dùng nước ngọt để rửa phèn tầng mặt là có hiệu quả hơn cả. Kế đến mới là biện pháp chọn giống và bón phân.

Do vậy trước khi bón phân hãy nghĩ đến việc xả phèn (tháo nước cũ, đưa nước mới vào) sẽ làm tăng hiệu quả của phân bón đáng kể.

Trên đất phèn nên bón vôi trước khi trồng 15-20 ngày (300-500kg/ha)

Tăng cường bón lân: ưu tiên là lân nung chảy Văn Điển (có hiệu quả cao trên đất phèn), vụ Hè Thu cần tăng lượng lân 20-30% so với vụ Đông Xuân.

Nên lót: 200-400 kg lân Văn Điển (tùy độ phèn của đất) – bón bổ sung đợt 1 (7-10NSS) và đợt 2 (18-22NSS) bằng các dạng lân dễ tiêu như DAP, Lân Super, Đầu Trâu 46P+ (liều lượng bổ sung này tùy theo sinh trưởng thực tế của ruộng lúa)

  Lưu ý Không bón thừa N

 Có thể tăng cường bón Silic + phân hữu cơ sẽ làm giảm tác hại của ngộ độc phèn.

Lưu ý: Dù vụ nào đi nữa (Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông) trên đất phèn nặng hay trung bình thì phân lân (P) vẫn được coi là thành phần quan trọng nhất, quyết định cây lúa sống hay chết ngay từ đầu. Khi bón lân, một phần lân dễ tiêu được cung cấp ngay cho cây, một phần lớn lân bị kết hợp (cố định) bởi Al và Fe để thành phốt phát nhôm và phốt phát sắt khó tan cây không hấp thu được, đó là nguyên do phải bón lân cao hơn trên đất phèn (so với đất phù sa, đất xám). 

 Công thức phân bón cho lúa trên đất phèn ở ĐBSCL như sau: 60-100N/60-80P2O5/30K2O

Ghi chú:

Bón N: Đất thuộc, vùng 3 vụ, canh tác vụ ĐX  năng suất cao bón mức 80-100N

Đất mới còn nhiều hữu cơ, vùng 2 vụ, canh tác vụ mưa bón mức 60-80N

Bón lân: phèn trung bình, phèn nhẹ, canh tác Đông Xuân bón mức 60-70P2O5

        Phèn nặng, canh tác vụ Hè Thu bón mức 70-80 P2O5.

          Bón kali: mức bón khuyến cáo là 30K2O, tập trung bón đón đòng

4./ Biện pháp canh tác:

     - Thời vụ: Vụ ĐX trồng sớm sẽ bị ít phèn và chất lượng nước ở đầu vụ tốt hơn, ít hao phân. Sạ càng trễ, tác hại do phèn sẽ nhiều hơn. Có thể áp dụng các biện pháp: bơm nước ra để sạ sớm hay sạ ngầm (vùng đất phèn nặng)

Vụ Hè Thu cần có biện pháp né khủng hoảng phèn (lúc giao thời giữa mùa khô và mùa mưa sẽ bị xì phèn). Khuyến cáo cần lưu ý các thời vụ sau:

+ Vùng chủ động nước: Sạ trong tháng 4 dương lịch: trong kênh mương, phải có đủ nước để bón phân đợt 1 và đợt 2 xong trước khi bị ảnh hưởng xì phèn hay bị nước mặn xâm nhập.

          + Vùng không chủ động nước: đợi mưa nhiều, xả phèn 1-2 đợt, có đủ nước ngọt trong kênh mương mới tiến hành gieo sạ, sạ từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6 (lưu ý sử dụng giống ngắn ngày, có đê bao hay ít nhất phải có đê bao lửng để tránh lũ chụp vào cuối vụ)

- Cày ải phơi đất vào cuối vụ ĐX để cắt đứt mao quản phèn

Vùng phèn không cày quá sâu (không đụng đến tầng phèn), chỉ nên cày ở mức độ 15-20cm. Không bừa kỷ (bừa nhuyễn sẽ bị quến chất phèn vào trong đất, không xả phèn được)

- Nên dùng nước xả phèn ra 2-3 lần trước khi trồng là rất tốt.

- Có thể sử dụng chế phẩm Trichoderma để xử lý rơm rạ mau hoai mục để tránh ngộ độc hữu cơ.

 

HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP XỬ LÝ NGỘ ĐỘC PHÈN

“ 5 bước xử lý ngộ độc phèn”

Bước 1: Thay nước mới để xả đáng kể lượng phèn trong ruộng ra, nếu ruộng gò ( bị xì phèn) thì cố gắng ém nước lên gò cho đủ ( phân lân chuẩn bị sẵn). có thể bón vôi từ 300 – 500kg/ha trước lúc bón phân lân sẽ tăng hiệu quả phân lân.

Bước 2: Bón lân nung chảy ( Văn Điển hoặc Ninh Bình) hay super lân từ 200 – 400kg/ha ( tùy tình trạng ngộ độc nhẹ hay nặng)

Bước 3: Xịt phân bón lá ( có chứa dinh dưỡng NPK có chứa lân nhiều như 15 – 30 – 15, hydrophos, Humate, Comcat,…).

Bước 4: Chờ đợi từ 5 – 7 ngày cho đến khi nhổ lên thấy ra rễ trắng là cứu lúa đã thành công.

Bước 5: Bón phân chăm sóc tiếp tục theo quy trình ( Urê, DAP, Kali,…) cho cây lúa phục hồi.

Lưu ý: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn ngưng ngay bón đạm ( urê), nếu bón vào làm lúa chết nhanh.

 

Đỗ Lý & CB