Đang online: 8
Hôm nay: 468
Trong tuần: 792
Trong tháng: 7251
Tổng truy cập: 659287

CHĂM SÓC CÂY BƯỞI CHO VƯỜN CỦA BẠN

Thứ Sáu 31/12/2021 17:39
1080

CHĂM SÓC CÂY BƯỞI CHO VƯỜN CỦA BẠN

Khi dịp tết nguyên đán 2022 đã cận kề, cũng là khi nhu cầu về quả bưởi tăng cao, thị trường bưởi được sự báo “sốt” nhất dịp cuối năm; tuy vậy, để khai thác quả bưởi trúng vụ và đúng kỹ thuật nhằm giữ sức cho cây bưởi thì không phải người dân trồng bưởi nào cũng thực hiện tốt. Ban biên tập xin gửi đến Quý bà con một số kinh nghiệm trồng bưởi cho năng suất, chất lượng.

1. Đất trồng: Tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6 m và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt,  pH nước từ 5,5 - 7, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m.                                                  

2. Giống bưởi: Da xanh; Năm roi; Lông Cổ Cò; Đường Da Láng.

3.Tiêu chuẩn cây giống tốt: Cây được ghép ghép mắt.

+Gốc ghép: Giống bưởi làm gốc ghép Lông Cổ Cò. Cây gieo từ hạt sạch bệnh. Thân thẳng và cổ rễ thẳng, đường kính gốc ghép từ 0,8 – 1,2 cm.

+Cành ghép: Thẳng, vững chắc, thân phải tròn, không mang các vết thương cơ giới nghiêm trọng sâu đến phần lõi gỗ.

+Vị trí ghép: cách mặt bầu ươm 20 - 30 cm. Mối ghép đã hàn gắn, liền sẹo tốt.

+Nên có 2 tầng lá. Khi trồng tất cả lá đều già và thuần thục là tốt nhất. Lá: Xanh tốt, có kích thước, hình dạng đặc trưng của giống, số lá hiện diện đầy đủ. Bộ rễ phát triển tốt có nhiều rễ tơ. Cây giống đồng đều, khỏe mạnh ³ 95%.

+Sâu bệnh: Không có triệu chứng của các bệnh: loét, ghẻ, chảy mủ và các loại sâu hại: thán thư, nhện, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, rệp sáp.

4. Khoảng cách trồng: 6 x 6 m; hoặc 7 x 7 m (đất xấu trồng dày, đất tốt trồng thưa)

5. Đào mương lên liếp: Giữa 2 hàng bưởi cần có mương rộng 0,5m; sâu khoảng 0,3-0,4m. Giữa 2 mương là líp trồng cây. Mương này nối với mương chính ở cuối vườn để thoát nước tốt trong mùa mưa. Ngoài giúp thoát nước, mương còn giúp để ngăn chặn chảy tràn bề mặt làm lây lan bệnh và tuyến trùng trong vườn; giúp tạo khô hạn xử lý ra hoa nghịch vụ.

6. Trồng cây chắn gió: Nếu vườn có diện tích lớn thì nên chia thành từng lô nhỏ (3-5ha) và chọn cây có độ cao hợp lý, chắc gỗ, khó đổ ngã để trồng quanh vườn và đường phân lô làm cây chắn gió. Có thể chọn tràm để làm cây chắn gió cho vườn bưởi. Cây chắn gió nên trồng trước khi trồng bưởi khoảng 1-3 năm.

7. Tưới nước:

-Đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/ tuần trong thời gian vắng mưa và mùa khô. Lượng nước tưới 120-150 lít/ cây/ lần. Trước khi ra hoa, cây cần thời gian khô hạn khoảng 30 ngày để thuần thục phân hóa mầm hoa.

-Khi mưa nhiều gây ngập úng thì cần phá bờ bồn để thoát nước cho cây, tránh làm đọng nước trong gốc cây.

8. Làm cỏ, tủ gốc:

-Nên cắt cỏ toàn vườn hàng tháng trong mùa mưa, trong bồn nên làm cỏ bằng tay hàng tháng, đặc biệt là trước mỗi đợt bón phân.

-Hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, không được sử dụng thuốc diệt cỏ dạng lưu dẫn trong bồn cây.         

-Sử dụng rơm, vỏ bắp sau khi tuốt bằng máy, trấu mục hoặc cỏ khô phủ kín bồn cây một lớp dầy 10-20 cm, cách gốc 10-20 cm. Gốc bưởi khô ráo sẽ làm giảm cơ hội cho nấm bệnh tấn công vào gốc.

9. Thời vụ trồng chuẩn bị hố trồng và cách trồng

-Trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 6-7 dương lịch. Sau khi phóng cọc, đào hố có kích thước 1m x 1m, sâu 0,7m.  Cho vào hố 10-20 kg phân hữu cơ hoai, 1 kg phân super lân, 0,5 kg vôi và 200g phân DAP; trộn đều với đất mặt cho 2/3 hỗn hợp vào hố.

-Dùng dao cắt dọc hai bên bầu nilon, bóc bầu nilon sao cho bầu đất sau khi bóc vẫn còn nguyên vẹn, không bị vỡ bầu đất. Đặt bầu cây giống có hướng mắt ghép hướng về đầu gió để tránh bị tách cành ghép; mặt bầu cao hơn mặt đất 10cm, cào hỗn hợp phân và đất vào cho ngập bầu cây giống. Cắm cọc cột dây để tránh đổ ngã và tưới nước. Rải 1 muỗng Basudin 10H vào gốc cây bưởi để chống mối.

-Trong thời kỳ KTCB nên trồng hoa màu để tránh đất bị xói mòn, tăng thu nhập: Đậu phộng là giải pháp tốt nhất.

10. Phân bón

Lượng phân tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại đất, thành phần dinh dưỡng trong đất, giống cây, tuổi cây, mật độ, năng suất vụ trước. Sau đây là công thức tham khảo:

Bảng 1: Liều lượng bón phân cho cây bưởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

Phân bón

 

Năm

Liều lượng (g/cây/năm)

Phân đạm

Urê

Phân lân

Super lân

Phân kali

KCl

1

2

3

110-200

220-330

330-540

120-240

300-420

480-600

30-60

80-150

160-230

 

Bảng 2: Bảng khuyến cáo bón phân dựa vào năng suất thu hoạch

của vụ quả trước (kg quả /cây)

Phân bón

Năng suất

Thu hoạch vụ trước

Liều lượng (g/cây/năm)

 

Phân đạm

Urê

Phân lân

Super lân

Phân kali

KCl

20kg/cây/năm

650

910

380

40kg/cây/năm

1080

1520

630

60kg/cây/năm

1300

1820

700

90kg/cây/năm

1740

2420

1000

120kg/cây/năm

2170

3030

1250

150kg/cây/năm

2600

3640

1500

-Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 1-3 năm tuổi), phân bón được chia làm 4-6 đợt. Sau khi trồng nên dùng phân Urê hoặc phân DAP với liều lượng 40gr hòa cho tan trong 10 lít nước để tưới cho một gốc bưởi (2tháng/lần), có thể sử dụng phân tôm, phân cá ủ để tưới cho cây bưởi. Khi cây trên 1 năm tuổi cần bón phân gốc để giúp cho cây phát triển mạnh.

-Thời kỳ kinh doanh trên cây bưởi có thể chia làm bốn lần như sau:

            1/ Sau thu hoạch bón: 25% đạm  + 25% lân + 5-20 kg hữu cơ/gốc/năm.

2/ Bốn tuần trước khi  cây ra hoa bón:  25% đạm + 50% lân + 30% kali.

3/ Sau khi quả đậu và giai đoạn quả phát triển bón: 50% đạm + 25% lân + 50% kali.

4/ Một tháng trước thu hoạch bón : 20% kali.

            Giai đoạn quả phát triển, lượng phân nên cung cấp làm nhiều lần và tùy theo mức độ đậu quả và sự phát triển của quả. Hằng năm nên bón bổ sung từ 0,5-1kg phân Ca(NO3 )2 để cải thiện phẩm chất và thời gian tồn trữ sau thu hoạch của quả. 

Hiện nay trên thị trường đã có bán các loại phân bón vô cơ chuyên dùng cho cây ăn quả rất thuận lợi cho nhà vườn sử dụng. Nên dùng phân bón có TE để cung cấp đầy đủ vi lượng cho cây. Tùy tuổi cây, tình trạng sinh trưởng, lượng quả đã thu hoạch của năm trước mà liều lượng phân bón gia giảm.

11. Xử lý ra hoa

          -Bưởi ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để bưởi ra hoa đồng loạt. Để thu hoạch vào Tết âm lịch (nhằm bán giá cao) thì nên tạo khô hạn vào khoảng tháng 4-5. DL với thời gian tạo khô hạn khoảng 30-45 ngày, sau đó tưới trở lại để cây ra hoa vào khoảng đầu tháng 6 DL.

-Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc... rồi bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây. 

            -Đến giữa tháng 4DL thì ngưng tưới khoảng 30 ngày. Khi ngưng tưới có thể dùng các loại phân bón lá như: MKP(0- 52- 34); Growmore 6-30-30 phun lên cây để giúp lá non mau thành thục. Kết hợp tuốt lá trên cành chân chim (hay còn gọi cành nhánh nhện).

-Sau đó tưới mỗi ngày một lần. Kết hợp phun F94; Growmore 10-60-10 để kích thích ra hoa. 7-15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, thời gian này ngày tưới ngày nghỉ. 10-15 ngày sau khi cây trổ hoa sẽ rụng cánh hoa (đậu quả).

12. Neo trái: Đến thời điểm thu hoạch mà giá bưởi hạ thì có thể neo quả được trên cây từ 15-30 ngày nữa để chờ giá xuất bán, bằng cách phun lên cây các loại phân bón lá như: Retain, ProGiff...Tuy nhiên, Không nên neo trái quá lâu trên cây sẽ ảnh hưởng khả năng ra hoa ở vụ sau và tuổi thọ của cây bưởi bị giảm.   

13. Tạo tán:

-Sau khi trồng cần phun Atonik (2 tuần/ lần) cho cây đâm tược non. Khi chồi non dài 30cm thì bấm ngọn cho cây tạo tiếp chồi non thứ cấp.

 -Đến khi cây cho được cành cấp 4 thì ngưng bấm ngọn và để cây phát triển cành một cách tự nhiên.

14. Tỉa cành: Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những loại cành đã mang quả ở vụ trước (thường rất ngắn khoảng 10- 15 cm); cành bị sâu bệnh, cành  yếu, cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời gian cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Bấm ngọn khoảng 30% cành để tạo cành chân chim nhằm tạo quả cho vụ sau.

15. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella): Phun thuốc khi cây bắt đầu nhú chồi và sau đó 7 ngày: Vibamec 1.8EC; Saliphos 35 EC; Shezol 205EC; Confidor; dầu khoáng DC-Tron Plus; SK End spray.

Rầy chổng cánh (Diaphorina citri): Điều khiển cây ra đọt tập trung. Dùng bẫy màu vàng để phát hiện rầy trong vườn, trồng cây chắn gió để hạn chế rầy từ nơi  khác xâm nhập vào, chú ý vào các đợt ra đọt non của cây, sử dụng các loại thuốc như: Butyl 10WP 25g/ 8lít, Bascide 50EC, Actara 25 WG 1g/8 lít, Applaud 10WP 10-15g/ 8 lít.

Rầy mềm (Toxoptera citricidus): Rầy mềm thường trong giai đoạn ra đọt non của cây nên chú ý phòng trị trong giai đoạn nầy bằng các loại thuốc như: Lancer 75 WP 15- 20g/8lít, Butyl 10 WP 25g/ 8lít,  Actara 25 WG 1g/ 8 lít, Applaud 10WP 10-15g/ 8 lít, Trebon 10-20ml/ 8lít, Basa 50ND 20ml/8lít.

Sâu hồng đục vỏ quả (Citripestis sagittiferella Moore): Phòng trị bằng cách vệ sinh vườn, tiêu hủy quả bị nhiễm sâu. Dùng thuốc Alpha-Cypermethrin và Deltamethrin có pha dầu khoáng DC Tron Plus hoặc từng loại riêng lẻ để phun xịt; luân phiên dùng 2 loại nầy để sâu, bướm không kháng thuốc. Dùng Long não để xua đuổi.

Nhóm Nhện: Phát hiện sớm khi vừa đậu trái và phun các loại thuốc trừ nhện cho đến khi trái lớn như: Comite 73 EC 5-10ml/8lít, Sulox 80 WP 50g/8lít,  Kumulus 80DF 10-20g/8lít, Pegasus 500DD 10 ml/ 8 lít, Ortus 10-15 ml/ 8 lít, Dầu  DC-Tron plus 50ml/ 8 lít, Comite ...

Bù lạch: Khi hoa vừa rụng cánh và khi thấy có triệu chứng đầu tiên trên trái, tiến hành phun các loại thuốc như: Vectimec, Fenbis 25 EC 30-35cc/8lít, Malate 73 EC 25-30cc/8lít, Regent, Trebon, Confidor, ... theo khuyến cáo.

Nhóm rệp sáp: Khi phát hiện dùng thuốc có hoạt chất Dimethoate như: (Fenbis  25 EC; Fentox 25 EC ; Cyfitox 300 EC); Thuốc có hoạt chất Imidacloprid (Saimida 100 SL; Imiprid 10WP; Conphai 15WP); Thuốc có hoạt chất Cypermerin (Serpal supper; Sairifos 585EC); Dầu khoáng SK End Pray; Thuốc có hoạt chất Chlorpyriphos  (Pyrifdaaic 250EC; Cocyfos 550EC).

Bệnh Tristeza: Trồng giống sạch bệnh và tích cực phòng trừ các loại rầy mềm bằng các loại thuốc trừ sâu đã khuyến cáo vào các đợt ra đọt non, lá non để tránh lan truyền mầm bệnh.

Bệnh vàng lá Greening (do vi khuẩn Liberobacter asiaticus): Loại bỏ cây đã nhiễm bệnh để tiêu hủy mầm bệnh, tránh chiết, tháp và lấy mắt trên các cây nghi ngờ có mầm bệnh; Khử trùng sau mỗi lần sử dụng các dụng cụ cắt tỉa; Trồng giống sạch bệnh và nên cách ly với vùng nhiễm bệnh, vườn trồng phải có cây chắn gió để hạn chế rầy chổng cánh di chuyển từ nơi khác tới; Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non.

Bệnh loét (do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri): Nên chọn cây sạch bệnh để trồng, tỉa bỏ các cành lá bị bệnh  mang đi nơi khác và  đốt  để diệt mầm bệnh, tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Dùng các loại thuốc có gốc đồng phun vào giai đoạn lá non như:  Avalon 8WP; Copperzine; Kasuran 47WP; Kasumin 2L; Isacop 65.2WG; Cocide; COC-85.

Bệnh ghẻ (do nấm Elsinoe fawcetii ): Phun các loại thuốc phòng ngừa bệnh như: Carbenzim 500 FL, Thio-M 500 SC,  Benomyl, Copperzine, COC-85  trước khi ra lá mới, lúc hoa vừa rụng cánh, sau đậu trái.

Bệnh thối gốc chảy nhựa (do nấm Phytophthora spp.): Khi trong vườn có cây bị bệnh, ta dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị nhiễm và dùng thuốc Ridomyl pha với liều lượng 20 g/ lít nước, bôi thuốc lên chỗ đã cạo. Trong giai đoạn cây cho trái cần phun thuốc ngừa để tránh bệnh xâm nhiễm (Ridomyl, Matalaxyl, Aliette, Agrifos 400).

Bệnh thối rễ do nấm (Fusarium solani, Phythopthora palmivoraPythium helicoides): Phòng trị bằng cách đầu mùa mưa nên bón vôi bột 1-2kg/ cây; thoát úng cho cây trong mùa mưa. Những cây có triệu chứng bệnh thì tưới gốc gồm một trong các loại Ridomil; Matalaxyl; Anvil.

Thối rễ do tuyến trùng (Pratylenchus spp.; Tylenchulus semipenetrans): Phòng trừ bằng cách bón phân đạm vừa phải; Tăng cường kali và phân chuồng hoai; Thoát nước tốt. Có thể dùng các loại thuốc Vifu-super; Tervigo; Vifuran; Map Logic; Agpycap; NoKaph.

Duy Lâm & Đỗ Lý