Đang online: 10
Hôm nay: 115
Trong tuần: 1241
Trong tháng: 7700
Tổng truy cập: 659736

Một số biện pháp cải tạo đất bạc màu đơn giản

Thứ Năm 28/12/2023 16:06
29

Sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng phụ thuộc vào nền đất. Tuy nhiên đất trồng bị bạc màu, thoái hóa khiến cây trồng phát triển kém, bị nhiều sâu bệnh hại tấn công, năng suất chất lượng thấp, tốn nhiều chi phí chăm sóc. Do đó, cần phải cải tạo và chăm sóc một nền đất khỏe mạnh, tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Nguyên nhân khiến đất bạc màu

Đất trồng bị bạc màu xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản tác động khiến đất trồng bị bạc màu nghiêm trọng như:

  • Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
  • Chặt đốt rừng làm nương rẫy.
  • Trồng độc canh.
  • Xói mòn rửa trôi tầng đất mặt.
  • Nhiễm độc kim loại nặng từ rác thải của con người.

Che phủ đất

Che phủ đất là biện pháp canh tác cần áp dụng ngay để có thể khôi phục lại nền đất đã bị thoái hóa, bạc màu. Nếu đất trồng không được che phủ, dưới tác động của nắng, mưa và gió khiến đất trở nên khô cằn, nén chặt, chai cứng, rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển của các sinh vật trong đất.

Có 2 cách che phủ đất có thể áp dụng song song là che phủ đất bằng thảm thực vật xanh và che phủ bằng các vật liệu hữu cơ.

Che phủ bằng vật liệu hữu cơ:

Có thể tận dụng các nguồn vật chất hữu cơ sau khi thu hoạch mùa vụ như rơm rạ, cành lá khô, thân ngô, đậu hoặc cỏ khô, thân chuối, bèo lục bình,… để che phủ đất mặt. Những vật chất hữu cơ này sau khi được phân hủy sẽ giúp đất tơi xốp, giàu mùn, giàu dinh dưỡng.

Che phủ bằng thảm thực vật xanh:

Trồng các loại cây bụi thấp như đậu xanh, đậu đen, muồng vàng,… hay các loại cỏ dại như lạc dại, xuyến chi, cỏ vetiver,… để che phủ toàn bộ vườn, đặc biệt là các vườn trồng cây ăn trái, cây lâu năm.

Việc che phủ bằng các loại cây cỏ này sẽ giúp cải tạo lại nền đất nhờ bộ rễ của cây cỏ ăn sâu vào bên trong giúp phá đi các lớp đất chai cứng, đưa nước vào sâu bên trong và giữ lại. Nhờ được che phủ, độ ẩm, nhiệt độ đất được điều hòa ổn định. Các chất dinh dưỡng sẽ không bị rửa trôi theo dòng chảy, pH đất được cân bằng, các sinh vật đất hoạt động tích cực giúp cây trồng khỏe mạnh.

Đặc biệt các loại cây họ đậu giúp cố định đạm tự nhiên trong không khí, tăng cường nguồn đạm cho cây trồng. Khi cắt tỉa, nguồn sinh khối hữu cơ từ cây cỏ sẽ giúp đất tơi xốp, màu mỡ.

Bổ sung hữu cơ

Có thể bổ sung 2 nguồn hữu cơ cho đất để cải tạo là phân hữu cơ và các vật chất hữu cơ.

Các loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất cực tốt như phân chuồng (phân bò, trâu,…), phân ủ từ rác hữu cơ nhà bếp,…

Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…) xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..).

Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất trồng tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt. Cải thiện lại nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.

Bổ sung vi sinh vật có lợi

Vi sinh vật là một phần cực kỳ quan trọng của đất trồng. Các vi sinh vật trong đất đóng vai trò quan trọng trong chu trình đất, giúp phân hủy các chất hữu cơ, chuyển hóa dinh dưỡng, cố định ni tơ, cạnh tranh, đối kháng nấm bệnh để bảo vệ cây trồng.

Đất trồng bị bạc màu thoái hóa xuất phát từ việc canh tác chưa hợp lý của nhà vườn. Nhất là việc các vi sinh vật bị tiêu diệt bởi hóa chất diệt cỏ và các hoạt chất thuốc BVTV độc hại.

Do đó, để tái tạo lại nền đất đã bạc màu, cần ngưng sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV độc hại vào đất.

Cần bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi như Trichoderma, Bacillus,…

Các chủng vi sinh này sẽ đối kháng tiêu diệt sạch các tác nhân gây thối rễ như phytophthora, Fusarium và các chủng nấm gây bệnh khác. Đồng thời sẽ giúp phân hủy các chất hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất. Bên cạnh đó còn giúp kích thích hệ rễ phát triển, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Khi hệ vi sinh vật trong đất được tái tạo, phát triển trở lại thì đất trồng sẽ khỏe hơn, màu mỡ phì nhiêu hơn, cây trồng phát triển tốt hơn, cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Bên cạnh các biện pháp đó, cần thực hiện đồng thời một số biện pháp khác như hạn chế cày xới đất, tránh làm mất kết cấu đất, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất. Bón thêm vôi nếu đất có độ pH thấp (<5.5). Luân canh, xen canh các loại cây trồng hợp lý.

Đỗ Thị Lý