Đang online: 15
Hôm nay: 28
Trong tuần: 1154
Trong tháng: 7613
Tổng truy cập: 659649

BẠN ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯ DÂN KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ

Thứ Năm 28/12/2023 16:26
33

Đối với ngư dân hoạt động khai thác hải sản xa bờ việc gặp phải tình trạng thiếu thốn nước ngọt phục vụ ăn uống và sinh hoạt thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển của ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi tàu phải mang theo một lượng nước ngọt nhất định từ đất liền để phục vụ cho lao động trên tàu. Việc này đã chiếm một diện tích cũng như không gian đáng kể vốn đã chật hẹp trên tàu.

Bình Thuận hiện có gần 2.000 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động khai thác hải sản xa bờ, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động biển.

Những năm gần đây, mặc dù, giá cả của nhiều vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào của sản xuất biến động không ngừng, thời tiết khắc nghiệt đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khai thác trên biển nhưng ngư dân Bình Thuận khắc phục khó khăn, vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, hiện nay đối các ngư dân khi hoạt động đánh bắt cá xa bờ thì việc dự trữ nguồn nước ngọt luôn bị thiếu hụt. Bởi mỗi chuyến vươn khơi, ngoài nước ngọt sinh hoạt, mỗi tàu đều phải “kham” thêm rất nhiều vật tư, lương thực, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Do vậy, để tiết kiệm diện tích chứa và giảm tải trọng tàu, hầu hết các chủ tàu đều phải hạn chế lượng nước ngọt mang theo. Với số lượng nước ngọt có thể mang theo cho mỗi chuyến biển ít, không chủ động được nguồn nước ngọt nên mỗi khi hết nước, ngư dân phải bỏ ngư trường đi vào các đảo để tiếp nước. Việc này vừa giảm năng suất đánh bắt, lại vừa hao tốn nhiên liệu.

Thực trạng thiếu nước ngọt của ngư dân đánh bắt xa bờ đang rất nghiêm trọng, việc thiếu đi nước ngọt trong sinh hoạt gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của họ. Chính vì thế cần có một giải pháp hợp lý nhất để ngư dân không còn lo ngại về nguồn nước ngọt sinh hoạt trên tàu là  thiết thực.

Để giải quyết “bài toán” nước ngọt khi vươn khơi thì việc trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt là giải pháp tối ưu, giúp ngư dân chủ động hơn về nguồn nước ngọt và nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản.

Máy lọc nước biển thành nước ngọt là thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại, được thiết kế nhỏ gọn, không tốn nhiều diện tích vốn đã hạn chế trên tàu cá. Máy lọc nước biển sử dụng công nghệ màng lọc RO chuyên dụng cho nước biển đẩy nước qua màng RO có kích thước lỗ siêu nhỏ tạo thành nước ngọt, phần nước không thấm qua màng sẽ cuốn theo các tạp chất thải ra biển. Ngoài ra, máy bơm áp lực cao được thiết kế chuyên dụng có thể chịu được sự ăn mòn của nước biển. Với công nghệ này, chất lượng nước sau lọc được loại bỏ toàn bộ tạp chất, tạo thành nước ngọt đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch tinh khiết của Bộ Y tế và có thể sử dụng uống trực tiếp ngay tại vòi.

Khi lắp đặt máy lọc nước biển cho tàu khai thác hải sản xa bờ thì một chuyến ra khơi đánh bắt giúp ngư dân hoàn toàn có khả năng tự chủ động nguồn nước ngọt dồi dào, không bị thiếu hụt nước, từ đó thời gian bám biển sản xuất của ngư dân được kéo dài hơn, có thể lên đến 3 - 5 tháng. Không những thế, còn giúp các ngư dân tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong việc phải ghé các đảo hoặc về đất liền để lấy nước ngọt. Đồng thời, từ việc rút các công đoạn bù nước ngọt cho đánh bắt và sinh hoạt, còn giúp ngư dân tiết kiệm phí tổn cho chuyến đi.

Việc trang bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ, tạo động lực cho ngư dân chủ động vươn khơi, bám biển khai thác vừa ổn định đời sống, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Xuân Hoàng