Đang online: 9
Hôm nay: 189
Trong tuần: 1441
Trong tháng: 6332
Tổng truy cập: 658368

Mê mẩn với 'nàng hậu' TBR39

Thứ Sáu 30/12/2022 00:00
171

Mê mẩn với 'nàng hậu' TBR39

Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022, nông dân ĐBSCL càng biết đến giống lúa TBR39 và mở rộng sản xuất trong vụ đông xuân 2022-2023.

Nhiều vụ lúa qua, giống lúa TBR39 được triển khai trồng thử nghiệm ở nhiều vùng đất khác nhau ở ĐBSCL, nhất là vùng đất phèn mặn hay canh tác theo mô hình lúa – tôm đều thích nghi tốt và cho năng suất cao. Trong vụ lúa hè thu 2022, nhiều nông dân ở vùng Bán đảo Cà Mau hay Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất (Kiên Giang) lại bất ngờ với "nàng hoa hậu” mới trình làng, đó là giống lúa TBR39 do Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Đồng Tháp sản xuất và đã được nhiều nông dân mê mẩn bởi nhiều đặc tính vượt trội so với các giống lúa khác.

Sau khi giống TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed được vinh doanh là giống lúa cho ra sản phẩm gạo ngon, đạt giải Nhất trong cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022, nhiều nông dân càng biết đến giống lúa TBR39 và triển khai rộng ra sản xuất trong vụ đông xuân 2022 - 2023 tại các tỉnh/thành phía Nam.

Giống TBR39 có thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, cây đẻ nhánh khỏe, chống chịu bệnh đạo ôn và cháy bì lá tốt. Năng suất bình quân đạt từ 5 - 5,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng từ 10 - 20% qua các vụ. Đối với vùng đất tốt, nông dân canh tác giỏi, năng suất có thể lên từ 6,5 - 7,5 tấn/ha. Ngoài ra TBR39 còn cho ra tỷ lệ gạo nguyên đạt từ 45 – 55%, chiều dài hạt gạo 7,7 – 7,8mm, hàm lượng amylose 16-17%, hạt gạo đẹp, thon dài. Đặc biệt, giống lúa TBR39 phát triển khá tốt trên nền đất phèn, mặn và phù hợp ở vùng lúa - tôm.

Giống TBR39 có thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, cây đẻ nhánh khỏe, chống chịu bệnh đạo ôn, cháy bì lá tốt.

Nhờ sinh trưởng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, nông dân canh tác TBR39 có thể giảm đáng kể chi phí phân bón, thuốc BVTV so với các giống khác. Lúa TBR39 luôn bán được với giá nhỉnh hơn từ vài trăm đồng tới cả ngàn đồng/kg so với các lúa khác và được thương lái thu mua rất nhanh lẹ.

Anh Trần Thanh Long ở xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) lần đầu tiên biết đến giống TBR39 và thực hiện canh tác 5 công theo mô hình lúa – tôm vừa thu hoạch xong cho năng suất gần 1 tấn/công (công 1.300m2), đây là năng suất cao và đạt kỷ lục đối với bản thân anh so với các giống lúa trước đây anh từng canh tác.

Anh Long phấn khởi chia sẻ: "Trồng giống TBR39 sướng nhất ở khâu lúa ít sâu bệnh, nhẹ tiền phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân/thuốc hữu cơ sinh học mà lúa cứng cây, ít đổ ngã. Khi đến ngày thu hoạch, máy cắt vào đồng rất thuận lợi. Sau khi thu hoạch, lúa bán cho thương lái tại ruộng với giá từ 8.400 - 8.500 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận mang lại trên 6 triệu đồng/công".

 

TBR39 thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, đặc biệt thích hợp với vùng lúa - tôm, vùng lúa cấy 2 vụ/năm.

Anh Long cho biết, vì canh tác vụ mùa trên nền đất nuôi tôm, một năm chỉ canh tác được một vụ lúa nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, nông dân tiến hành cải tạo đất để lấy nước mặn vào nuôi tôm. "Sang năm sau vào đầu mùa mưa, nông dân thu hoạch tôm rồi mới tiếp tục triển khai trồng lúa. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng trồng giống TBR39 và giới thiệu cho nhiều người biết đến giống lúa TBR39 để đưa vào sản xuất trong năm tới", anh Long hồ hởi.

Còn anh Lê Văn Đời ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau) có ruộng canh tác 3ha lúa cho biết: “Trước giờ tôi trồng qua rất nhiều giống lúa khác nhau tên thị trường, nhưng đặc biệt thời gian gần đây tôi được ăn thử cơm của giống lúa TBR39. Phải nói chất lượng gạo cũng phải thuộc loại gạo ngon ở Việt Nam. Cơm ăn vào có độ rất dẻo, thơm, để nguội ăn vẫn ngon. Giống này có giá lúa cao, đạt hơn 7.800 đồng/kg, cao hơn các giống lúa lương thực khác ở vùng này rất nhiều”.

Hộ anh Trần Thanh Long ở xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) lần đầu tiên trồng giống TBR39 theo mô hình lúa – tôm vừa thu hoạch xong lúa cho năng suất gần 1 tấn/công (công 1.300m2).

Theo đánh giá của nông dân, giống lúa TBR39 sản xuất trong vụ hè thu 2022, mặc dù gặp bất lợi, mưa nhiều nhưng lúa ít bị đổ ngã, ít bị nảy mầm trên bông. Chiều dài bông trên 30cm, trung bình số hạt lúa đạt hơn 200 hạt/bông. Điều đó đã phần nào đã chứng minh được sức hút của nàng “hoa hậu” mới này tại ĐBSCL.

Có thể nói, giống TBR39 cho lợi nhuận khá cao so với các giống đang sản xuất tại ĐBSCL. Với những ưu điểm vượt trội đó, giống lúa thuần TBR39 trong tương lai gần sẽ chiếm cơ cấu chính tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh có diện tích lúa - tôm như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... Đây sẽ là các tỉnh có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển trồng lúa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed được vinh doanh là giống lúa cho ra sản phẩm gạo ngon đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 

Ông Phạm Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của Tập đoàn ThaiBinh Seed, kiêm Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Đồng Tháp cho biết: TBR39 thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, đặc biệt thích hợp với vùng lúa - tôm, vùng lúa cấy 2 vụ/năm. Giống sản xuất được các thời vụ trong năm. Lượng giống sử dụng cho lúa cấy từ 50 - 60kg/ha, lúa gieo sạ 80 - 90kg/ha.

Để phát triển rộng giống lúa TBR39 ở nhiều vùng đất khác nhau, trong nhiều vụ lúa vừa qua, Công ty đã triển khai sản xuất thử giống TBR39 ở các vùng ven biển bị nhiễm mặn như An Biên (Kiên Giang), Gò Công Đông (Tiền Giang), U Minh Hạ (Cà Mau) và đều mang lại kết quả tốt. Lúa ở giai đoạn đẻ nhánh cây nở bụi mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cứng cây và ít đổ ngã…

Thủy Tiên (Sưu tầm)