Đang online: 4
Hôm nay: 36
Trong tuần: 1162
Trong tháng: 7621
Tổng truy cập: 659657

Trạm Thực nghiệm Thanh long Hàm Minh: Kỳ vọng từ sản phẩm phân trùn quế.

Thứ Năm 13/04/2023 09:57
443

Chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Lê Phong Hải – Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn giải pháp Công nghệ Biotech khẳng định ít có sản phẩm phân bón nào thích hợp với mọi loại cây trồng, nhiều chất dinh dưỡng không khó sản xuất mà giá cả hợp lý như phân trùn quế, đơn giản vì phân trùn quế 100% là hữu cơ và có tác dụng cải thiện tình trạng đất bị thoái hóa, thiếu chất dinh dưỡng hay bạc màu. Ngay từ xa xưa, con giun đất đã gắn liền với sản xuất nông nghiệp của cha ông ta, cuốc đất lên, ở đâu xuất hiện giun quế (trùn quế) thì đất ở đó hẳn tơi xốp và đủ ẩm độ cho cây trồng phát triển.

Bỏ vườn vì không có chi phí tái đầu tư sản xuất

Cây thanh long vẫn luôn được xác định là đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh; báo cáo từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy diện tích sản xuất thanh long trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022 giảm mạnh qua các năm, trong đó năm 2022 vừa qua diện tích giảm khoảng 4.945 ha so với cuối năm 2021. Ngoài nguyên nhân thị trường giá không ổn định do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thì vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao khiến người dân không còn đủ nguồn lực để duy trì sản xuất, dẫn đến việc chuyển đổi cây trồng hoặc phá bỏ để chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngoài thanh long, lúa, điều, cao su hay các loại cây ngắn ngày khác cũng điêu đứng khi giá phân bón quá cao, trong khi các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp nói không với “nợ”.

Mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thế giới và cả trong nước đều tăng nhưng giá nông sản lại không tăng theo biên độ giá phân bón, thậm chí có nơi giá nông sản còn xuống thấp do gặp khó khăn về xuất khẩu. Chính vì thế, trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có mức lợi nhuận cao thì bà con nông dân lại đối diện với nhiều khó khăn, không được các công ty hỗ trợ trả chậm, nhiều nơi trên địa bản tỉnh tình trạng bỏ ruộng gia tăng, người nông dân kiệt quệ.

Trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp để cân bằng, phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân như: Vận hành giá phân bón theo cơ chế thị trường; hỗ trợ bằng chính sách… nhưng thực tế là hiện giá phân bón trong nước của Việt Nam tương đương với mặt bằng chung giá phân bón trên thị trường thế giới; nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón khan hiếm, có giá cao, chiến tranh làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy và tăng phi mã, vì vậy hoạt động sản xuất chưa được thúc đẩy nhiều, bài toán giá cả phân bón vẫn chưa có lời giải đích đáng.

Giải pháp liên kết sản xuất phân hữu cơ trùn quế chất lượng cao

Trước thực trạng đất trồng ngày càng suy thoái do sử dụng quá nhiều phân hoá học, khai thác cạn kiệt làm đất chai, khô cứng. Làm thế nào để cải tạo đất tơi xốp, tăng dinh dưỡng và sản xuất bền vững? làm sao thúc đẩy tái sản xuất hiệu quả cho bà con luôn là trăn trở của đội ngũ cán bộ kỹ thuật khuyến nông.

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) và Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh về thực hiện phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; với việc khai thác tối đa công năng của các Trạm Thực nghiệm, nhất là Trạm Thực nghiệm tại xã Hàm Minh; tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, từ đó ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi trùn quế vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa chủ động được nguồn phân bón chất lượng cao, vừa tiết kiệm được chi phí, đồng thời phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ và chiến lược phát triển nông nghiệp dài hạn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng chuyên gia TS. Lê Phong Hải thuộc tập đoàn Vạn Thương Sài Gòn tổ chức sản xuất thực nghiệm phân trùn quế tại Trạm Thực nghiệm Thanh long Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 

Đội ngũ kỹ thuật khuyến nông phối hợp sản xuất thực nghiệm phân trùn quế tại Trạm Thực nghiệm Thanh long Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam

 

Phân trùn quế đang được sản xuất thử nghiệm tại Trạm Thực nghiệm Thanh long Hàm Minh tối ưu hoá do ứng dụng khoa học kỹ thuật trong suốt qui trình, từ khâu nguyên liệu đầu vào, tới khâu nhân sinh khối, ủ và tạo ẩm bằng hệ thống công nghệ tưới phun sương chất lượng cao. Với việc bổ sung các vi sinh vật hữu ích, “công thức” sản xuất phân được Tiến sỹ Hải trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật và hoàn thiện dần cho ra những mẻ phân hữu cơ chất lượng.

Nhiều triển vọng.

Với mục tiêu tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ, thúc đẩy qui trình sản xuất theo hướng tuần hoàn, phân trùn quế được xem là giải pháp phân bón hữu cơ, đem lại hiệu quả cao trong nông nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường. Phân trùn quế không chỉ là loại phân bón hữu cơ hữu hiệu cho nhiều loại cây trồng mà còn có tác dụng cải thiện tính trạng đất bị thoái hóa, thiếu chất dinh dưỡng hay bạc màu. Phân trùn quế có tính hoạt tính cao, nhiều chất dinh dưỡng do vậy phân trùn quế thích hợp với mọi loại cây trồng.

Ngoài việc tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cho cây, tăng khả năng miễn dịch do có khả năng ức chế và loại trừ các độc tố, nấm hại và vi khuẩn có hại trong đất, thì việc bổ sung thêm các vi sinh vật sẽ tạo “hệ vi sinh” trong phân, tốt cho cây trồng, làm cho đất tơi xốp và giữ ẩm, điều hòa sinh trưởng một cách tự nhiên dưới tác dụng của Acid Humid.

 

TS. Lê Phong Hải (phải) và Lãnh đạo TT. Khuyến nông kiểm tra mô hình

 

Ông Nguyễn Đức Trí – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông cho biết “Cần ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó sản xuất phân trùn quế cũng vậy, công thức, rồi công nghệ sản xuất thế nào rất quan trọng, chính vậy đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi đang ngày đêm phối hợp cùng Tiến sỹ Lê Phong Hải – Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn giải pháp Công nghệ Biotech để cho ra những mẻ phân đạt chất lượng, đặc biệt là hạch toán kinh tế sản xuất hợp lý để có giá cả tốt nhất, đồng thời giảm bớt công sức, chi phí sản xuất cho người nông dân cũng như bảo vệ môi trường”./.

Quỳnh Trâm - CB