Đang online: 8
Hôm nay: 322
Trong tuần: 322
Trong tháng: 6781
Tổng truy cập: 658817

NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY HEO CON THEO MẸ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

Chủ Nhật 14/08/2016 09:10
495

        Heo con từ khi mới sinh đến khi cai sữa phải trải qua 3 giai đoạn :

Bú mẹ -- Tập ăn – Cai sữa

        Trong các giai đoạn trên- Tiêu chảy là biểu hiện phổ biến điển hình nhất của heo con, đôi khi tiêu chảy ra sữa “phân sống”…Heo có năng suất thịt càng cao thì khả năng mắc chứng tiêu chảy càng lớn. Trên 80% nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cho heo con là do heo mẹ và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng của chính con người tạo ra, nhưng chúng ta lại thường ngộ nhận rằng : Heo con đã bị “bệnh tiêu chảy”.

        Nhưng không hẳn vì heo con tiêu chảy ở 3 giai đoạn trên là phản ứng tự nhiên rất tốt của heo con khi có vật lạ xâm nhập vào cơ thể, tiêu chảy là do cơ thể của nó không đủ điều kiện để hấp thu. Vì vậy phải bình tĩnh xem xét đừng vội can thiệp bằng thuốc kháng sinh mà phải tìm các nguyên nhân chính xác chúng ta sẽ dể dàng tìm ra các phương pháp điều trị thích hợp.

        Các nguyên nhân và biện pháp phòng trị:

1. Do bản thân heo con là sinh vật còn non :

        Heo con từ khi mới sinh, còn bú mẹ, chưa biết ăn thức ăn, khả năng tiêu hóa kém dịch vị từ miệng đến ruột chưa hoàn thiện ( từ 2 tuần trở đi mới hoàn thiện dần khả năng tiêu hóa ) các men tiêu hóa: Amilase,pepsin..hoạt động yếu, chỉ có khả năng hấp thu sữa mẹ.

        Sức đề kháng của heo con dựa vào cơ thể mẹ từ khi còn là bào thai và một phần các chất đề kháng được nhận qua sữa mẹ hàng ngày. Chính vì cơ thể heo con còn phụ thuộc như vậy nên rất dễ bị tiêu chảy khi ăn phải “vật lạ” bất kỳ loại gì ngoài sữa mẹ - kể cả nước uống không tốt cũng gây ra tiêu chảy :

            - Sữa mẹ không tốt, lạ

            - Nước uống không quen, phèn, mặn,…

            - Thức ăn tập ăn có quá nhiều chất khó tiêu hóa.

        Biện pháp điều trị :

  - Cho heo con bú ngay sữa đầu Colostrum của heo mẹ,để tận dụng hết kháng thể  &  Globuline từ sữa mẹ giúp cho heo con có sức đề kháng bệnh và tiêu hóa tốt

  - Đổi vú cho con yếu bú nhiều hơn

  - Khi tập ăn: phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho heo con, không cho ăn nhiều cá, đậu khi mới tập ăn

  - Nước uống sạch, cho uống tự do.

2.Heo mẹ bị thiếu Vitamine A lúc mang thai:

        Vitamine A có tác dụng bảo vệ các phần niêm mạc của cơ thể như: mũi,tai,mắt, thành ruột…Nếu heo mẹ bị thiếu Vitamine A,niêm mạc ruột của heo con bị yếu không có khả năng chống đỡ với các vi khuẩn thường xuyên tấn công là Ecoli,Salmonella, khả năng tiêu hóa thức ăn kém- rất dể gây bệnh tiêu chảy.

        Heo tiêu chảy ở trường hợp này thường bị biến chứng đau mắt và co giật.

        Biện pháp phòng trị:

            - Tiêm Vitamine A,D,E cho nái mang thai. Liều 50.000 UI/tháng

            - Cho heo mẹ ăn thức ăn có đầy đủ Vitamine.

3. Heo mẹ bị bệnh thương hàn mãn tính:

        Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella gây ra bệnh mãn tính ở heo mẹ; khi mang thai bệnh sẽ truyền qua bào thai-làm heo con bị nhiễm bệnh; đường ruột của cả bầy heo con đều yếu, thường xuyên phân lỏng, loét ruột, xoang bụng thường tích nước vàng do ruột hấp thu thức ăn kém.

        Biện pháp phòng trị:

            * Nếu chuồng bị nhiễm salmonella ở các lứa trước phải tẩy thật kỹ: bằng các loại thuốc sát trùng; để trống chuồng 01 đến 02 tháng.

            * Tập cho heo nái hậu bị quen với môi trường: như thức ăn, nước uống.Trong gia đình nếu heo quen ăn nấu chín rất dể bị E.Coli và Salmonella tấn công khi nguồn nước uống bị phèn, lợ không tốt.

            * Loại thải heo nái bị bệnh thương hàn mãn tính.

            * Tiêm ngừa bệnh thương hàn cho heo nái.

4. Heo mẹ bị viêm vú, viêm tử cung, sót nhau: (MMA)

        Là bệnh của heo nái xảy ra khi điều kiện vệ sinh và chuẩn bị đẻ kém, nếu nái đẻ bị viêm nhiễm nhiều lứa heo (từ trên 2 lứa) như vậy thì nên loại bỏ nái.Do bị viêm nhiễm nên sữa của heo nái có nhiễm độc tố và vi khuẩn gây viêm làm rối loạn tiêu hóa cho heo con gây tiêu chảy.

        Biện pháp phòng trị:

            - Chuẩn bị thật tốt chuồng nái đẻ, chuồng úm, vệ sinh, giữ ấm cho heo con.

            - Thực hiện đúng quy trình thức ăn cho heo nái trước khi sanh (01 tuần trước khi sanh nên hạn chế thức ăn dần cho đến ngày sanh sau đó tăng dần cho đến ngày thứ 5 sau khi sanh cho ăn tự do theo chế độ nuôi con)

5.Heo mẹ có quá nhiều sữa:

        Nái đẻ ít con,tốt sữa lượng sữa quá nhiều,heo con bú quá no không kềm chế, gặp điều kiện chuồng ẩm ướt, lạnh về đêm, ảnh hưởng đến tiêu hóa gây sình bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

        Biện pháp phòng trị:

            - Ghép thêm heo con vào bầy theo số lượng vú thừa  

            - Cho heo con bú theo giờ : cho bú từ 10-12 lần /ngày, mỗi lần cách nhau 2 giờ,heo con mới bú xong phải cho ngũ ấm, không để lạnh lúc ban đêm

            - Nếu heo bú nhiều đầy hơi cho uống : Carboguanidin; Guanidan

6. Heo mẹ bị bệnh sốt sữa :

        Trường hợp này vú mẹ bị căng đỏ nhưng không tiết sữa do heo mẹ bị bệnh như: viêm gan, viêm ruột, sưng phổi… hoặc heo mẹ bị rối loạn dinh dưỡng thức ăn do có quá nhiều chất đạm, dư chất béo, mất cân đối lượng Canxi và Phospho trong thức ăn…

        Trường hợp này heo con bị đói sẽ đi kiếm ăn, tranh ăn, ăn thức ăn của mẹ, uống nước bẩn trong chuồng sẽ bị tiêu chảy. Hoặc do sữa mẹ có độc tố vi khuẩn do bị viêm nhiễm cũng gây tiêu chảy cho heo con.

Biện pháp phòng trị:

            - Kiểm tra vú heo mẹ có sữa hay không.

            - Kiểm tra thức ăn về các yếu tố: chất béo, muối,Ca và P.

            - Cách ly, điều trị heo mẹ và dùng thức ăn cho heo con hoặc dùng sữa bột cho heo con- nếu heo mẹ mất sữa hoàn toàn.

7. Heo mẹ ăn các loại thức ăn lạ chưa quen dùng trước và sau khi sanh :

        Thay đổi thức ăn cho heo nái không đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng của nái đẻ gây đột ngột, ảnh hưởng đến chất lượng sữa, làm các thành phần dinh dưỡng trong sữa thay đổi, hệ thông tiêu hóa của heo con giảm khả năng hấp thu (men tiêu hóa và hệ thống vi sinh vật trong ruột của mỗi sinh vật non thường “quen” với một loại thức ăn thường ngày ). Vì vậy cho dù chất lượng sữa có tốt hơn cũng gây khó tiêu và làm cho heo con bị tiêu chảy.

        Biện pháp phòng trị :

            - Khi thay đổi, bổ sung thức ăn đạm, béo như cá, khô dầu phải đưa từ từ rồi tăng dần lên.

            - Thức ăn không bị mốc, ôi thiu, heo sẽ bình phục nhanh sau 1 -2 lần tiêu chảy.

            - Cho heo con uống nhiều nước có chất chát như vỏ măng cụt, đọt lá ổi…hoặc uống thuốc Cosinine.

8. Cai sữa đột ngột, heo con ăn thức ăn tập ăn sớm và nhiều:

        Muốn heo con tách mẹ sớm lúc 30 ngày, phải tập cho heo con ăn lúc 7-10 ngày tuổi. Khi tập ăn, giảm số lần bú sữa mẹ và phải tập từ từ

        Trong thức ăn tập ăn- heo phải tiếp xúc với nhiều chủng Ecoli và Salmonella. Vì vậy để phòng heo không bị tiêu chảy phải trộn thêm kháng sinh vào thức ăn với liều phòng.

9. Heo con bị thiếu chất Fe (sắt):

        Heo con bú sữa mẹ đầy đủ, heo mẹ không bị bệnh tật, nhưng heo con chậm lớn lông cứng, không hồng hào, rất dể bị tiêu chảy do cơ thể yếu. Ngoài các nguyên nhân trên, chất sắt cũng góp phần quan trọng giúp cho sự phát triển cơ thể heo.

        Chất Fe là thành phần của Hemoglobin,Myoglogbin và các chất khác trong máu, tế bào. Sữa mẹ chỉ đủ cung cấp chất sắt cho heo con trong 5 ngày đầu ( mỗi ngày heo con cần 7-11mg Fe ). Vì vậy heo con phải được tiêm bổ sung Fe theo lịch sau:

          Ngày tuổi

Lượng Fe tiêm

3 -5

Fedextran 1cc/con

10-12

Fedextran 1cc/con

18-20

Fedextran 1cc/con

10. Rún heo con bị nhiễm trùng:

        Do chuồng ẩm ướt, thức ăn và phân làm bẩn chuồng, heo con nằm không ổn định chỗ, làm cuống rốn bị dính bẩn gây nhiễm trùng. Heo con bú ít, khi bị nhiễm trùng nặng heo sốt, ăn không tiêu và gây tiêu chảy.

Biện pháp phòng trị:

            - Sát trùng cuống rốn bằng cồn iod.

            - Chuồng heo đẻ phải giữ khô ráo, sạch sẽ,không để heo con bị ướt, lạnh và thức ăn dính vào bụng và ổ nằm của heo con.

        Nếu heo con bị viêm nặng phải điều trị bằng một trong các loại kháng sinh sau:

            + Penicilline + Dihydrostreptomycin + Dexa

            + Ampicilline + Colistine

            + Sulfadiazine + Trimethoprim

        Trên đây là 10 nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây tiêu chảy ở heo con. Do đó khi khi heo con bị tiêu chảy nên tìm nguyên nhân, phát hiện sớm để kịp thời điều trị thì bệnh mới khỏi nhanh.

Lê Ngọc Minh – Phó Giám đốc Trung tâm