Đang online: 4
Hôm nay: 34
Trong tuần: 34
Trong tháng: 6493
Tổng truy cập: 658529

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT DIỆT CHUỘT

Thứ Sáu 04/11/2016 09:08
59

           1. Đặc tính:

          Chuột là một trong những loại sinh vật có khả năng gây hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Việc phòng trừ chuột đang là một vấn đề khó khăn đối với người dân vì do tập tính họat động của chúng chủ yếu vào ban đêm và là loài động vật có tính đa nghi cao, chúng có các giác quan như thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác rất phát triển nên khó diệt trừ. Mặt khác, chúng còn có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn, nên bán kính họat động gây hại lớn, khả năng gây thiệt hại cao trên diện tích rộng.

             Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phát triển, nguồn thức ăn dồi dào nhưng việc săn bắt thiên địch của chuột như mèo, trăn, rắn, chim cú của con người lại gia tăng, quần thể chuột ngày càng có điều kiện thuận lợi tăng nhanh số lượng cá thể. Một năm, một con chuột cái có thể đẻ được từ 4 – 5 lứa, mỗi lứa đẻ từ 8 – 12 con, do đó nếu chúng ta không có biện pháp tập trung ngăn ngừa, quản lý diệt trừ chuột hiệu quả và thường xuyên thì thiệt hại của chúng gây ra đối với sản xuất nông nghiệp là rất lớn.

             2. Một số biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác

Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống,… làm mất nơi cư trú của chuột. Ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang,… thường xuyên bị chuột gây hại nặng, cần tiến hành quây rào nilon xung quanh, kết hợp đặt rọ bắt chuột.

Tùy theo mỗi cánh đồng thường xuyên bị chuột cắn phá có thể áp dụng bẫy cây trồng và bẫy hàng rào để diệt chuột.

Biện pháp cơ giới

Đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn, soi đèn, săn đuổi,… chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, các công trình thủy lợi.

Dùng các loại bẫy cặp (bẫy bán nguyệt), bẫy lồng sập, bẫy dính, sử dụng các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,… đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng.

Biện pháp sinh học

Dùng bả diệt chuột sinh học BCS hoặc Biorat đặt nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, kho tàng. Cách sử dụng: Dùng 100 – 200 gam cho một sào Bắc bộ (từ 3 – 5 kg/ha), cứ 5 – 6m đặt 1 mô bả, mỗi mô bả khoảng 5 – 10gam. Nơi nhiều chuột số mô bả và lượng bả tăng lên.

Đẩy mạnh phong trào nuôi mèo trong các hộ gia đình, bảo vệ các thiên địch như trăn, rắn, chim cú,…

Biện pháp hóa học

Chỉ sử dụng bả thuốc hóa học ở những nơi xa khu dân cư, nơi chuột đang phá hại mạnh. Sử dụng một số loại thuốc diệt chuột hóa học trong danh mục được phép sử dụng trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT để làm bả như: Rat-K 2%D, Cat 0.25WP, Ranpart 2%D, Zinphos 20%, Fokeba 20%... ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường như Rat-K 2%D, Cat 0.25WP, Ranpart 2%D.

* Kỹ thuật sử dụng một số loại thuốc hóa học diệt chuột

+ Thuốc Rat-K 2% dùng một gói 10gr thuốc trộn đều với 500gr (mộng mạ, gạo, cơm nguội, cua nhỏ, tép, cá con). Chia bả thành 10 phần, mỗi phần đặt ở nơi chuột thường đi lại và không bị ngập nước.

+ Thuốc Rampart 2%D dùng 1 kg thuốc trộn với 25 – 30kg mồi là thóc ủ mầm hoặc thóc luộc để ráo.

+ Thuốc Storm khỏang cách 10 – 50m đặt 1 viên tùy mật độ của chuột trên đường chuột đi cách 7 ngày kiểm tra bả/lần, mỗi đợt diệt đặt 2 – 3 lần bả.

+ Thuốc Cat 0.25WP gói 10 g trộn với 500g mộng mạ hoặc tôm, cua, cá rồi đánh bả với lượng 25g/bả.

+ Thuốc Fokeba 20% và Zinphos 20% trộn với mộng mạ hoặc tôm, cua, cá theo tỷ lệ: 1 kg thuốc trộn với 50 kg mộng mạ. Thuốc Fokeba 20% và Zinphos 20% chỉ dùng 1 lần/vụ trước khi dùng thuốc phải đánh nhử bằng mồi không thuốc. Khi sử dụng loại thuốc này làm bả thì phải có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật khuyến nông hoặc bảo vệ thực vật.

3. Một số lưu ý:

Để phòng trừ chuột có hiệu quả phải sử dụng tổng hợp các biện pháp trên.

Khác với dịch hại khác, việc tổ chức diệt chuột cần phải đồng loạt trong cả khu vực lớn, vì chuột là loại động vật di chuyển nhiều, nếu chỉ diệt ở diện tích nhỏ thì sau một thời gian ngắn chuột ở khu vực xung quanh lại di chuyển tới sinh sôi nảy nở và tiếp tục gây hại.

Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang và găng tay.

Không đặt bả gần nguồn nước sinh hoạt, trong chuồng trại chăn nuôi.

Tổ chức thu gom chôn xác chuột chết, thu gom xử lý bao bì thuốc đúng qui định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong trường hợp bị ngộ độc do tiếp xúc với thuốc (ăn, uống thực phẩm có dính thuốc…) phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và mang theo nhãn thuốc.

Trên đây là một số đặc tính và biện pháp phòng trừ chuột, đề nghị các tổ chức, đơn vị, địa phương hướng dẫn bà con nông dân áp dụng để phòng, trừ chuột.

Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận