Đang online: 13
Hôm nay: 489
Trong tuần: 813
Trong tháng: 7272
Tổng truy cập: 659308

Những vấn đề cần lưu ý ao nuôi tôm trong và sau những cơn mưa lớn

Thứ Năm 09/02/2017 14:33
8

Thời gian qua, với sự biến động của thời tiết, người nuôi tôm trong cả nước nói chung và trong tỉnh Bình Thuận nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý ao nuôi tôm của mình. Nhằm giúp bà con có thêm nhiều kiến thức trong việc phòng tránh sự thay đổi môi trường ao nuôi và có những giải pháp thích hợp để phòng bệnh tôm nuôi. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư khuyến cáo bà con các vấn đề trong và sau những cơn mưa lớn như sau:

1. Chất lượng nước trong ao tôm sẽ biến động khi có mưa lớn:

• Nhiệt độ nước, oxy hòa tan, pH, độ kiềm và độ mặn giảm.

• Thực vật phù du tàn.

• Vật chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao.

• Gió mạnh khuấy động bùn đáy.

• Hydrogen sulfide (H2S) được phóng thích.

• Vi khuẩn gây bệnh thay thế vi khuẩn có lợi.

• Tiếng ồn do va đập của hạt mưa trên bề mặt ao làm tôm bị stress.

• Tôm lột xác vì pH thấp và thực vật phù du biến động.

2. Hậu quả:

• Tôm chết do có sự thay đổi chất lượng nước, stress và các tác nhân gây bệnh.

• Tôm giảm ăn.

• Tôm di chuyển xuống đáy ao, nơi có nhiệt độ ấm hơn nhưng vì có bùn nên tôm sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn.

• Tôm tránh tiếng ồn do mưa gây ra bằng cách trốn xuống đáy ao.

• Các điều kiện ở đáy ao bị xấu đi vì bùn bị khuấy lên.

• Cạnh tranh oxy và môi trường sống làm gia tăng mức độ stress của tôm.

• Tôm bị mềm vỏ do khoáng chất giảm thấp.

• Khi nhiệt độ giảm 1°C, tiêu thụ thức ăn của tôm thường giảm 5 - 10%. Giảm xuống 3°C có thể giảm 30% lượng ăn.

• Tôm dễ bị nhiễm bệnh và ăn lẫn nhau. Trong suốt thời kỳ có mưa lớn, ở miền Nam Thái lan tỷ lệ tôm chết có thể từ 2 - 3% lên đến 50%.

• Khi nhiệt độ tăng lên lại, một lượng lớn vi khuẩn sẽ bùng phát do có quá nhiều vật chất hữu cơ để chúng sử dụng. Điều này cũng sẽ làm tiêu hao nhiều oxy trong khi oxy trong ao đã thấp.

3. Xử lý:

• Bật tất cả các thiết bị sục khí/quạt nước khi trời mưa.

• Tạo hàm lượng oxy (DO) cao hơn bình thường 20%.

• Rút nước tầng mặt để nước mưa chảy ra.

• Kiểm tra pH nước ao trong suốt cơn mưa. Nếu thấp thì rải vôi trên bờ ao.

• Ngừng cho ăn trong cơn mưa.

• Thêm vitamin C, muối biển và kali vào thức ăn sau cơn mưa. Ở Malaysia, người nuôi tôm sú cho 5g muối/kg thức ăn, 03kg kali/ao 0,5 ha.

Những dấu hiệu để nhận biết sắp có tôm chết là rất ít, trừ khi người nuôi theo dõi tình hình một cách cẩn thận. Tập tính ăn thịt đồng loại cũng làm cho người nuôi khó khăn trong việc nhận biết có tôm chết. Tôm có thể bị cong thân, giảm ăn. Những thay đổi về màu nước, độ pH thấp hơn, giảm ăn và tốc độ tăng trưởng thấp hơn cho thấy hiện tượng tảo tàn đang xảy ra, ngay cả khi nước vẫn còn màu xanh. Nước đục, bọt trên mặt ao, có nhiều bong bóng và tảo kết thành từng cục cũng cho biết có hiện tượng tảo tàn.

Người nuôi tôm có xu hướng cho ăn quá nhiều trong thời kỳ mưa vì khay ăn có thể cho thấy thức ăn đang được tiêu thụ nhiều hơn. Trong thời gian mưa, tôm lớn hơn có cơ hội để ăn hết tất cả những thức ăn trong khay. Điều này dẫn đến nhận định sai lầm về sức ăn của tôm trong ao và người nuôi nghĩ rằng họ cần phải tăng lượng thức ăn trong khi cần phải làm ngược mới đúng. Tôm lớn hơn có xu hướng ăn nhiều hơn và nhanh hơn vì mùi hấp dẫn mạnh của thức ăn trong khay. Tuy nhiên,  khi thức ăn được rải ra trong ao sẽ không còn mùi mạnh và có thể không hấp dẫn đối với tôm. Điều này dẫn đến sự tích tụ của các chất hữu cơ dư thừa trong ao.

Trương Hoàng Văn Khoa