Đang online: 5
Hôm nay: 14
Trong tuần: 14
Trong tháng: 6473
Tổng truy cập: 658509

ỨNG DỤNG THIÊN ĐỊCH TRONG PHÒNG TRỪ CÔN TRÙNG HẠI THANH LONG TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Ba 14/11/2017 07:52
2009

Một trong những nguyên lý cơ bản của phòng trừ dịch hại tổng hợp là sử dụng tối đa các tác nhân gây chết tự nhiên của dịch hại để hạn chế sự phát triển của dịch hại. Thiên địch là một nhóm tác nhân gây chết tự nhiên rất quan trọng của dịch hại. Sử dụng thiên địch như một tác nhân sinh học kiểm soát sâu hại thanh long, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, nâng cao chất lượng thanh long cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Thành phần côn trùng gây hại trên thanh long tại tỉnh Bình Thuận gồm có kiến riện, kiến hôi, sên nhớt, bọ trĩ, bọ cánh cứng, bọ xít, ruồi đục quả, rầy mềm. Ngoài ra, thanh long còn bị hại bởi một số côn trùng khác như sâu lông, rệp sáp, sâu ăn tạp.

Bọ rùa



Ong chân dài

Một số kết quả điều tra tại tỉnh Bình Thuận cho thấy các loài thiên địch xuất hiện trên vườn thanh long là bọ xít mắt to Geocoris sp., bọ rùa cam nhỏ Micraspis discolor, ruồi ăn rệp Ischiodon scutellaris, ruồi  xanh chân dài Chrysosoma sp., bọ cánh cụt Paedarus fuscipes, bọ đuôi kìm Euborellisa sp., chuồn chuồn kim Agriocnemis sp.; ngoài ra còn có một số loài chưa được định danh như là ong đùi to, ong vàng, ong tò vò, mòng ăn sâu.

Trong điều kiện chuyên canh sản xuất thanh long hiện nay, việc bảo vệ, duy trì, phát triển quần thể thiên địch tự nhiên được coi là hướng chính của biện pháp sinh học chống dịch hại. Sử dụng  thiên địch trong phòng chống dịch hại thanh long theo 2 hướng sau:

Thứ nhất, bảo vệ, duy trì và phát triển quần thể thiên địch có sẵn trong tự nhiên.

Dựa vào các giải pháp mang tính sinh thái làm tăng tỷ lệ chết tự nhiên của dịch hại do thiên địch gây ra. Muốn vậy, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

          - Để các loài dịch hại tồn tại ở mật độ thấp có thể chấp nhận được

          - Xác định ngưỡng hữu hiệu của thiên địch

          - Áp dụng hợp lý các biện pháp canh tác

          - Bảo đảm tính đa dạng thực vật trong vườn thanh long

          - Sử dụng hợp lý thuốc hóa học bảo vệ thực vật

          Thứ hai, bổ sung thiên địch vào sinh quần vườn thanh long

          Trong thực tế dịch hại thường xuất hiện và gia tăng số lượng trước thiên địch. Để khắc phục sự chậm trễ hay thiếu hụt của thiên địch, có thể áp dụng  việc bổ sung thiên địch đối với  cây ăn quả có múi ở nước ta để tiến hành trên thanh long theo cách “Nhân nuôi và thả thiên địch để trừ dịch hại bản xứ”.

          Có thể nhân nuôi ong mắt đỏ Trichogramma để trừ các loài côn trùng cánh vảy hại cây ăn quả có múi. Nhân nuôi bọ mắt vàng Chrysopa, bọ rùa đen nhỏ Stethorus, bọ rùa 6 vệt đen Chilomenes sexmaculatus, bọ rùa hồng Chilocurus, bọ rùa nhỏ 2 chấm vàng Scymnus, bọ cánh cứng ngắn Oligota, nhện nhỏ Amblyseius… để phòng chống các loài nhện nhỏ hại, bọ cánh tơ, rệp muội, rệp sáp hại cây ăn quả có múi.

          Sản xuất chế phẩm sinh học từ vi khuẩn B. thuringiensis để trừ sâu hại bộ cánh vảy, chế phẩm nấm côn trùng (B. bassiana, M.anisopliae) để trừ câu cấu xanh, nấm đối kháng Trichoderma để trừ các nấm gây bệnh hại cây ăn quả có múi tồn tại trong đất.

Tóm lại, từ những nghiên cứu trên cho thấy ứng dụng to lớn của các biện pháp sinh học ứng dụng thiên địch trong phòng trừ sâu hại. Trong đó nhóm bắt mồi và nhóm ký sinh giữ vai trò quan trọng.

Trong thời gian tới, cần phổ biến đến nông dân về biện pháp IPM trên cây thanh long nhằm hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Phổ biến tuyên truyền ứng dụng thiên địch trong phòng trừ côn trùng gây hại thanh long đến người dân, nhằm nâng cao khả năng quản lý dịch hại trong nông nghiệp. Đồng thời, cần có những nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng nhóm thiên địch để quản lý dịch hại tổng hợp trong quá trình canh tác cây thanh long.

 

                                             Nguyễn Thị Phương Vinh

(Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận)