Đang online: 12
Hôm nay: 618
Trong tuần: 942
Trong tháng: 7401
Tổng truy cập: 659437

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY BẮP LAI

Thứ Hai 18/07/2016 16:39
1226

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY BẮP LAI

(ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-SNN ngày 13 tháng 06 năm 2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận)

 

1. Đất trồng:

 Đất trồng bắp phải cao ráo và thoát nước tốt, chủ động tưới trong vụ Đông Xuân. Đất trồng bắp lai cần được dọn sạch tàn dư thực vật và cỏ dại của vụ trước. Nên lên liếp và bón thêm vôi, lân đối với những chân đất thấp, đất phèn.

2. Giống:

 Chọn các giống bắp lai F1 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (dưới 100 ngày) có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt.

3. Kỹ thuật canh tác:

3.1. Thời vụ:

 - Vụ Hè Thu gieo tháng 4 – 5 dương lịch.

 - Vụ Thu Đông gieo tháng 8 – 9 dương lịch.

 - Vụ Đông Xuân tháng 11, chậm nhất ngày 20/12 kết thúc.

3.2. Làm đất:

 Vụ Hè Thu cần được cày, bừa cho tơi xốp và thoáng khí nhằm tạo điều kiện cho hạt nảy mầm và cây con sinh trưởng phát triển nhanh. Vụ Thu Đông có thể áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất.

 Phân lô, rạch hàng, làm mương tưới – tiêu nước. Phân lô tùy theo địa hình và diện tích nhằm dễ chăm sóc và đi lại, rạch hàng trước khi gieo, nên chọn hướng Đông – Tây.

 Vụ Hè Thu và Thu Đông trồng thưa, vụ Đông Xuân trồng dày hơn.

3.3. Gieo hạt: Lượng hạt giống cho 1ha: 16 – 18kg/ha.

 + Vụ Hè Thu và Thu Đông trồng mật độ: 66.000 – 71.000 cây/ha

 - Khoảng cách giữa các hàng                   : 50 - 60cm

 - Khoảng cách giữa các hốc                     : 25 – 30cm/1 cây

 + Vụ Đông Xuân trồng mật độ                : 80.000 – 90.000 cây/ha

 - Khoảng cách trồng  50 x 25cm/1 cây (80.000 cây/ha) hoặc khoảng cách

50 x 22cm/1 cây (90.000 cây/ha).

3.4. Trồng dặm và tỉa cây:

 Trồng dặm bằng cách làm bầu đất hoặc ngâm ủ cho hạt nứt mầm và dặm sớm sau 6 – 8 ngày sau gieo. Việc tỉa định cây khi sau khi mọc 10 – 12 ngày.

 

3.5. Phân bón (cho 1ha):

 + Phân chuồng: 8 – 10 tấn hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh.

 + Vôi bột: 300 – 500kg

 + Phân vô cơ: 180 – 210kg N + 80kg P2O5 + 80 – 100kg K2O/ha. Tương đương: Urê: 320 – 450kg; Super lân: 500kg (hoặc 150 – 200kg DAP); Kali (KCl): 130 – 170kg; Hoặc bón từ 600 – 900kg phân hỗn hợp NPK 16-16-8-13S

3.6. Cách bón phân:

 + Bón lót: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, hoặc DAP. Nếu sử dụng phân NPK thì bón 200kg/ha trước khi gieo hạt (trộn đều với đất trong rãnh). Tránh tình trạng khi gieo, hạt tiếp xúc với phân làm hư thối hạt giống.

 - Bón lót phân chuồng, phân lân hoặc DAP rất cần thiết.

 + Bón thúc: Chia làm 3 lần

 - Lần 1: Giai đoạn 3 – 4 lá (10 – 12 ngày sau gieo – NSG) bón 1/3 Urê hoặc 200 – 300kg NPK 16-16-8, kết hợp với làm cỏ phá váng.

 - Lần 2: Giai đoạn 8 – 10 lá (24 – 26 NSG) bón 1/3 Urê + 1/2 Kali kết hợp làm cỏ, vun gốc.

 - Lần 3: Giai đoạn trước trổ cờ (45 – 50 NSG) bón 1/3 Urê + 1/2 Kali còn lại.

3.7. Làm cỏ:

 - 2 ngày sau khi gieo hạt, lúc đất còn ẩm, tiến hành phun thuốc diệt cỏ Dual với liều lượng 1 – 1,2lít/ha. Phun đều trên mặt ruộng.

 - Sau khi bắp mọc đều được 2 – 3 lá, tiến hành xới xáo mỏng (phá váng), kết hợp với biện pháp trừ cỏ dại, bón phân thúc lần 1 và vun gốc nhẹ cho bắp.

 - Khi tiến hành bón thúc đợt 2, kết hợp xới xáo diệt cỏ và vun gốc cao, vừa để lấp phân vừa giúp cây chống ngã đổ và tạo thành rãnh thoát nước đến cuối vụ.

3.8. Tưới – tiêu nước:

 - Nếu đất không đủ ẩm cần phải tưới nước, có thể tưới theo hàng, tưới rãnh hoặc tưới phun mưa. Những giai đoạn cây bắp cần tưới nước:

 + Giai đoạn 3 – 4 lá: cây lấy chất dinh dưỡng từ hạt giống sang lấy chất dinh dưỡng từ đất.

 + Giai đoạn 6 – 9 lá: giai đoạn cây tạo lập các cơ quan sinh thực (bông cờ, chồi bắp).

 + Giai đoạn trước và sau khi ra hoa 7 ngày: giai đoạn xác định số hạt, kích thước hạt.

 - Cây bắp rất sợ úng, vì vậy không để ruộng bắp bị ngập úng.

3.9. Luân canh, xen canh:

 Cây bắp có thể trồng luân canh, xen canh với các loại họ đậu như: đậu tương, đậu xanh và đậu phộng. Trồng 2 hàng bắp xen với 6 – 8 hàng đậu.

 

4. Phòng trừ sâu bệnh:

a/ Sâu hại:

 - Xử lý đất bằng Vibasu để trừ sâu xám, côn trùng gây hại hạt và cây con.

 - Phòng trừ sâu đục thân bằng cách rắc Vibasu 10H lên loa kèn (lá nhọn) vào các giai đoạn sau khi gieo 20, 30 và 40 ngày.

 - Đối với sâu đục bắp, sâu phá hại trên râu. Dùng thuốc Basudin 50N, Regent 800WG, Tango 800WG … phun khi thấy sâu xuất hiện (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì).

b/ Bệnh hại:

 Phòng trừ các bệnh khô vằn, cháy lá và thối gốc bằng các loại thuốc Validacin 3EC, Anvil 5SC ở giai đoạn sau gieo từ 20 – 45 ngày.

 Chú ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

5. Thu hoạch và bảo quản:

 Thu hoạch khi trái trên ruộng đã chín hoàn toàn (vỏ bi từ vàng chuyển sang khô). Ủ trái thành từng đống lớn 2 – 3 ngày, dùng máy đánh tách hạt. Phơi hoặc sấy đến khi ẩm độ hạt còn 14 – 15%. Nếu bảo quản để lâu cần tồn trữ trong lu, bao kín hoặc kho kín có xử lý thuốc trừ mọt.

 Không lấy hạt bắp lai đã thu hoạch vụ trước để làm giống trồng cho vụ sau.


Hoặc có thể tải file Quy trình Kỹ thuật canh tác cây Bắp lai tại đây