Đang online: 7
Hôm nay: 787
Trong tuần: 1111
Trong tháng: 7570
Tổng truy cập: 659606

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: tư vấn cách nuôi cua đông
cho toi hỏi ky thuật nuôi cua đồng cho hợp với khi hậu địa phương và thúc ăn cho cua.
ở binh thuận có ai nuôi chua a, cho xin ĐC để tham quan a.

Chào anh Hải!

          Ở Bình Thuận chưa có mô hình nuôi cua đồng, một vài hộ có ao đã thu gom cua ngoài tự nhiên thả nuôi nhưng chưa đánh giá được hiệu quả vì cua thất thoát, tỷ lệ sống thấp,…

Khu vực xã Hàm Chính cua đồng ngoài tự nhiên rất nhiều, do đó khí hậu sẽ phù hợp cho việc thuần dưỡng và nuôi cua đồng thương phẩm. Cua đồng là động vật ăn tạp thiên về động vật như trai, ốc, hến, cá tạp,… nhưng do khả năng bắt mồi kém nên cua thường ăn các loại thực vật như mùn bã hữu cơ, rong, bèo,… Trong quá trình nuôi có thể cho cua ăn cá tạp, ốc, khoai lang, khoai mì, cám công nghiệp,…

          * Kỹ thuật nuôi cua đồng

1. Đặc điểm sinh học cua đồng

Cua thường bắt cặp sinh sản vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Từ tháng 6 - 10 thường xuyên bắt gặp cua cái ôm con hoặc ôm trứng. Vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) rất ít khi bắt gặp cua cái ôm trứng, ôm con vì vào mùa này cua sẽ di chuyển từ đồng ruộng xuống kênh rạch, ao hồ.

Cua đồng tăng trưởng nhờ lột xác, trong giai đoạn lột xác cua có thể tái sinh lại những phần phụ bộ đã mất như: Chân, càng. Khi phụ bộ của cua bị tổn thương hoặc bị thiếu thì thường có khuynh hướng lột xác sớm hơn.

Cua đồng là động vật ăn tạp, rất thích ăn động vật nhưng do khả năng bắt mồi kém nên cua thường ăn xác chết động vật và thực vật. Khi thiếu thức ăn cua đồng có thể ăn thịt lẫn nhau.

Mùa vụ nuôi cua có thể quanh năm nhưng phổ biến nhất vào khoảng tháng 6 - 10 dương lịch. Lúc này nguồn giống phong phú điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho nuôi cua. Những tháng mùa khô cũng có thể nuôi cua nhưng sự biến động lớn về nhiệt độ, môi trường nước ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cua.

2. Chuẩn bị ao, bể nuôi

Nguồn nước: Chủ động được nguồn nước cấp và thoát; nước không bị nhiễm phèn, pH từ 6,5 - 8 và nhiệt độ từ 27 - 30oC.

* Ao nuôi: Diện tích ao: 300 - 1.000m2, độ sâu 0,8 - 1,2 m và bờ ao phải cao hơn đỉnh lũ ít nhất 0,5m. Xung quanh bờ phải rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước,... để cua không bò đi. Ao có cống cấp và thoát riêng biệt để thuận tiện cho việc thay nước.

- Trong ao nên chất chà làm nơi trú ẩn cho cua lúc cua lột xác tránh bị hao hụt, có thể thả thêm bèo, rau muống, rau dừa nước, … để che phủ ao vào những ngày nắng gắt. Độ che phủ khoảng 1/3 diện tích mặt ao.

- Trước khi nuôi 1 - 2 tuần, tiến hành chuẩn bị ao nuôi. Tát cạn nước để diệt địch hại của cua, bón vôi 7 - 10kg/100m2 và phơi ruộng 3 - 5 ngày. Sau đó lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để hạn chế cá tạp vào ăn cua khi thả giống. 

- Tiến hành gây màu nước cho ao bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả, lượng phân bón như sau:

+ Phân hóa học: Đạm, lân thì tỷ lệ N/P = 2/1 với lượng 0,2 - 0,3kg/100m2.

+ Phân chuồng: Phân hữu cơ hoai mục hay phân trùn quế ta có thể dùng từ 30kg - 50kg/100m2. Trong thời gian nuôi có thể bón bổ sung 7 ngày/lần, mỗi lần 10 - 15kg/100m2.

* Bể nuôi: Bể xi măng có kích thước lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc điều kiện nuôi, bể thường có kích thước rộng hơn 50m2, chiều cao 1 m. Đáy bể cần phải thiết kế có độ dốc chênh lệch, làm hệ thống cấp thoát nước bằng ống nhựa có khóa van ở phần trũng. Trên bể có lưới che chắn tránh ánh nắng rọi vào.

- Cần phải tẩy rửa sạch các chất xi măng có trong bể bằng việc dùng thân cây chuối chặt nhỏ cho vào bể ngâm 1 tuần và chà rửa bể cho sạch lớp xi măng. Sau đó khử trùng bể bằng Chlorine hoặc thuốc tím trước khi thả cua giống.

- Trong bể bố trí giá thể: Chà cây, dây ni lông, thả rau muống, lục bình,… để tạo chỗ trú ẩn cho cua. Mực nước trong bể khoảng 5 - 10cm.

3. Chọn và thả giống

Nên chọn cua giống đều cỡ, khoẻ mạnh còn đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng.

Hiện nay, cua giống nuôi chủ yếu là nguồn giống tự nhiên và do khai thác đánh bắt bằng nhiều hình thức khác nhau nên con giống thường hao hụt nhiều. Để giảm tỷ lệ hao hụt nên đặt mua cua khai thác tại địa phương để hạn chế cua bị sốc do quá trình vận chuyển và thay đổi môi trường sống.

Phương pháp vận chuyển cua sử dụng bao bằng lưới cước và cho cua đầy bao rồi buộc chặt để cua không cử động được tránh tình trạng chúng cắn lẫn nhau làm hao hụt nhiều.

Mật độ thả: Nuôi ao: 10 - 15 con/m2 và nuôi bể: 20 - 30 con/m2

Thả cua vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và thả ở nhiều vị trí để hạn chế cua tập trung 1 chỗ tranh giành thức ăn và nơi trú ẩn.

4. Thức ăn và chăm sóc

- Cua đồng là loài ăn tạp thiên về động vật nên thức ăn cho cua khá đa dạng như cá tạp, ốc, rau, khoai lang, khoai mì,... Nên bổ sung thêm thức ăn công nghiệp giàu dinh dưỡng cho cua khoảng 7 - 10ngày/lần trong suốt quá trình nuôi để giúp cua lớn nhanh.

Giai đoạn cua còn nhỏ 1- 2 tháng nên cho cua ăn thức ăn chế biến (30% cá tạp và 70% cám gạo) sẽ đảm bảo đủ dinh dưỡng để cua tăng trưởng tốt. Từ tháng 3 trở đi có thể cho cua ăn cá tạp, khoai,...

Lượng thức ăn cho cua hàng ngày khoảng 5 - 8% so với trọng lượng cơ thể. Mỗi ngày cho ăn hai lần, buổi sáng sớm 1/3 và buổi chiều 2/3 lượng thức ăn vì cua có đặc tính kiếm ăn vào ban đêm.

Thức ăn được cho vào sàng ăn đặt cố định trong ao, bể nuôi giúp kiểm soát khả năng ăn mồi của cua để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Cua sẽ ăn thịt lẫn nhau nếu thiếu thức ăn, nhất là cua mới lột vỏ. Nên bố trí nhiều sàng ăn để đảm bảo đầy đủ thức ăn cho cua.

Thường xuyên thay nước để giữ môi trường trong sạch, đồng thời kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/3 - 2/3  lượng nước trong ao, bể nuôi.

Ban đêm nên treo đèn trong khu vực nuôi vừa giữ an ninh, vừa dẫn dụ côn trùng làm thức ăn thêm cho cua.

Thường xuyên kiểm tra rào chắn xung quanh ao để xử lý kịp thời tránh thất thoát do cua bò ra ngoài.

5. Thu hoạch cua đồng

Khi cua đạt kích thước thương phẩm được giá cao có thể tiến hành thu hoạch.

- Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp… tát cạn, bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.

- Cua nhỏ không đạt cỡ thương phẩm để lại nuôi tiếp.

* Lưu ý:

- Cua phát triển nhờ lột xác, trong thời gian lột vỏ, cua lột rất dễ bị tấn công bởi cua cứng. Nên bố trí nhiều giá thể như: Chà, cành cây khô, rau muống, bèo,… ở nhiều vị trí trong ao, bể nuôi làm nơi trú ẩn cho cua nhằm giảm nguy cơ bị tấn công và ăn thịt đồng loại trong thời gian ngắn để vỏ của chúng được làm cứng.

- Xung quanh ao cần làm đăng chắn, rào lưới xung quanh bờ không cho cua bò ra ngoài.

 

Anh có thể đến Trung tâm Khuyến nông để được hỗ trợ thêm về kỹ thuật nuôi hoặc liên hệ số điện thoại 0252.3839468 hoặc 079.4455149 (gặp Huệ).