Đang online: 9
Hôm nay: 216
Trong tuần: 216
Trong tháng: 6675
Tổng truy cập: 658711

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Cách ủ phân từ cây lục bình, rơm, rác
Kính gửi: Quý Trung Tâm

Gân đây nghe nhiều người nói về ủ phân từ rác và phế phẩm bỏ đi trồng cây rất tốt. Mong Quý trung tâm tư vấn giúp cách ủ phân từ cây lục bình, rác...để phân đạt chất lượng, hiệu quả. xin hỏi loại phân này có phù hợp để bón cho cây trồng lâu năm được trồng trên vùng đất cát ở Bình Thạnh huyện Tuy Phong hay không.
Cảm ơn Quý Trung Tâm rất nhiều!!!!

Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !

Điều bạn hỏi và rất đúng trong giai đoạn hiện nay, từ lâu trong sản xuất người ta có thể ủ rác thải từ cây trồng hoặc chất thải chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng theo kinh nghiệm truyền thống, ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ đã sản xuất ra nhiều chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đề phân giải các chất khó tan trong phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra phân bón cho cây trồng.

          1. Sản xuất phân rác từ phế phụ phẩm trồng trọt theo truyền thống

Thân lá cây trồng được băm, chặt thành đoạn ngắn 20-30 cm, có thể ngâm nước vôi loãng 2-3 ngày trước khi ủ, được xếp thành lớp dày 30 cm, rắc một lớp vôi lên trên và tiếp tục tạo thành đống 1,0 – 1,5 m. Có thể thay vôi bột bằng phân lên men (phân bắc, phân chuồng, phân hóa học như đạm, lân) với tỷ lệ 20%. Dùng bùn ao, sông, hồ trát kín và ủ khoảng 20 ngày, sau đó đảo lại. Phân rác có thể dùng bón lót sau 45-60 ngày ủ và có thể dung bón thúc, nếu ủ đến lúc phân hoai mục.

2- Sản xuất phân rác từ phế phụ phẩm trồng trọt theo công nghệ mới ngày nay

Trong thực tế thị trường hiện nay có nhiều chế phẩm để xử lý, trong khuôn khổ bài viết có hạn, giới thiệu với bạn mộ số chế phẩm thông dụng hiện nay:

2.1 Sử dụng chế phẩm Bio ADB xử lý cành thanh long

TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH

2.1.1 CHẾ PHẨM VÀ LIỀU LƯỢNG SỬ DỤNG:

          Sử dụng chế phẩm BIO-ADB và phụ gia, lượng 200g chế phẩm + 1 lít phụ gia cho 1 tấn cành.

   2.1.2. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:

          Bước 1: Cắt tỉa cành bệnh, cành già

          Cắt khoảng 20-30% tổng số cành trên cây, có thể cắt thành nhiều đợt

          Bước 2: Cách tạo đống ủ:

          - Cho 1 tấn cành tạo thành đống ủ có diện tích rộng 1m, dài 2m và cao 1,2m; đống ủ có thể tạo ở bất cứ vị trí nào thuận tiện nhất giữa vườn thanh long.

          - Rắc 1 lớp vôi bột lên bề mặt đất để hạn chế phát tán bào tử trong những ngày đầu.

          - Thu gom cành bệnh dùng máy cắt cỏ cắt cành dài khoảng 10 – 20cm

          - Xếp thành lớp, mỗi lớp dày khoảng 30cm.

          Bước 3: Phối trộn nguyên liệu và xử lý chế phẩm

          - Hòa chế phẩm và phụ gia vào 32 lít nước.

          - Rắc 1 lớp mỏng vôi bột lên mỗi lớp cành sau khi đã cắt ngắn.

          - Sử dụng 8 lít dung dịch BIO-ADB đã pha phun vào mỗi lớp cành bệnh.

          - Tiến hành tuần tự như vậy với khoảng 4 lớp, sau đó dùng bạt hoặc nilon che phủ lên bề mặt đống ủ.

          Bước 4: Kiểm tra đống ủ và sử dụng làm phân bón.

          Sau khi ủ 35 – 45 ngày, khi nhiệt độ của đống ủ hạ xuống ở nhiệt độ bình thường, cành bệnh đã phân giải thành phân, đống ủ khô, không còn mùi hôi thì kết thúc ủ, lúc này có thể sử dụng cho cây trồng theo chế độ bón phân hữu cơ.

2.2 Sử dụng chế phẩm Compost Maker- Bio 02 xử lý phế phẩm cây trồng ( còn gọi là nguyên liệu hữu cơ)

Chế phẩm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là Tiến bộ khoa học kỹ thuật và cho phép áp dụng trong sản xuất theo quyết định số 2421/QĐ/BNN-KHCN ngày 17/8/2004.

2.2.1-Thành phần

Vi sinh vật phân giải xenlulo (Streptomyces owasiensis); phân giải phosphat khó tan, phân giải protein (Burholderia vietnamiensis); lên men, khử mùi hôi (Saccharomyces cerevisiae). Mật độ vi sinh vật hữu ích mỗi loại đạt > 108 CFU/g.

2.2.2 Công dụng

Chuyển hóa nguyên liệu giàu hợp chất carbon (than bùn, phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, thân lá cây, vỏ cà phê, vỏ ca cao, phế thải chăn nuôi, bã thải sắn, bã thải dong riềng…) làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh.

* Cách dùng

Liều lượng: 2 kg chế phẩm vi sinh vật cho 1 tấn nguyên liệu hữu cơ.

Chuẩn bị nguyên liệu: 1 tấn nguyên liệu hữu cơ; 2 kg chế phẩm Compost Maker, 2 kg phân đạm u rê (hoặc amoni sulfat); 1 kg kali clorua, 5 kg phân super lân, 5 – 7 kg rỉ đường; 10 kg cám gạo (hoặc cám ngô); 7 – 10 kg vôi bột hòa tan trong 50 lít nước (nước vôi trong).

- Bước 1: Lấy nước vôi trong phun đều lên nguyên liệu hữu cơ, đánh đống ủ trong thời gian 1- 2 ngày để nguyên liệu hữu cơ mềm ra.

- Bước 2: Trộn nguyên liệu hữu cơ với super lân, cám gạo (nếu có) và chế phẩm Compost Maker. Sau đó hòa rỉ đường, đạm u rê, kali và 40 – 50 lít nước sạch. Phun trộn đều lên đống nguyên liệu (có thể bổ sung thêm nước để đạt độ ẩm 50 – 60%.

- Bước 3: Ủ nguyên liệu sau khi phối trộn thành đống (chiều cao đống ủ 80 – 100 cm); sử dụng vật liệu đơn giản để che đậy đống ủ. Tiến hành đảo trộn đống ủ sau 10 ngày và 20 ngày (sử dụng nước bổ sung thêm vào nếu đống ủ bị khô). Thời gian ủ tùy thuộc vào loại nguyên liệu hữu cơ (than bùn: 30 ngày, rơm: 30 ngày, phân lợn: 25 ngày, phân gà: 30 – 35 ngày, vỏ cà phê: 60 ngày…).

Lưu ý: không nén quá chặt đống ủ. Độ ẩm của đống ủ tốt nhất từ 50-60% (khi bóp nguyên liệu thấy có vết rỉ nước qua kẽ tay). Sau khi kết thúc quá trình ủ, sản phẩm sau khi ủ được dỡ ra và đảo trộn, đánh đống lại và để nguyên với mục đích ổn định chất lượng trước khi đem ra sử dụng.

Các sản phẩm sau khi ủ thành công đều trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, kể cả bón được cho cây trồng lâu năm trên vùng đất cát ở Bình Thạnh huyện Tuy Phong của bạn và cải tạo cho đất cát vốn nghèo dinh dưỡng và kết câu đất đất kém ngày càng tốt dần lên nếu bạn được bón phân hữu cơ thường xuyên.

                                                                                      Chúc bạn thành công !

                                                                                                    Hồ Công Bình