Đang online: 11
Hôm nay: 89
Trong tuần: 1215
Trong tháng: 7674
Tổng truy cập: 659710

Quy định và các yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu thanh long

Thứ Tư 29/12/2021 09:05
364

Quy định và các yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu thanh long

Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn Codex và TCVN đã có quy định đối với nhiều loại trái cây tươi và trái cây chế biến, tuy nhiên chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm thanh long đông lạnh. Vì vậy việc xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng quy trình công nghệ đối với thanh long đông lạnh đáp ứng theo yêu cầu thị trường quốc tế là hết sức cần thiết.

Thị trường Châu Âu (EU):

An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn đóng vai trò rất quan trọng tại Châu Âu. Luật pháp EU quy định các yêu cầu nghiêm ngặt đối với thực phẩm và quy trình sản xuất thực phẩm. Tại các nước khu vực Tây Bắc Châu Âu, yêu cầu của người mua thậm chí còn cao hơn các quy định chính thức của EU. Việc tuân thủ chặt chẽ dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) và các quy định về chống nhiễm khuẩn là tiền đề khi muốn thâm nhập thị trường EU. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng, hay các chứng nhận như GlobalGAP, BRC và IFS cũng cần được quan tâm. EU là thị  trường xuất khẩu rau quả lớn và yêu cầu chặt chẽ. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật rau quả nhập vào EU phải đạt năm tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động. Hiện nay, người tiêu dùng EU ngày càng chú trọng hơn về sức khoẻ, do vậy việc đảm bảo các yếu tố về chất lượng sẽ là nhân tố chính giúp doanh nghiệp thành công tại thị trường này. Ngoài ra, người tiêu dùng EU cũng chú ý hơn tới mặt hàng rau quả có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận hữu cơ hoặc thương mại công bằng (Fairtrade). Tuân thủ theo những quy định về chứng nhận sản phẩm hữu cơ hoặc chứng nhận Fairtrade là phương pháp để cung cấp các sản phẩm từ trái cây được sản xuất một cách có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Quả thanh long “Sạch” do HTX Thanh long sạch Hòa Lệ sản xuất

Quy định của thị trường Hoa Kỳ:

Tất cả các lô hàng thanh long từ Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải đạt các điều kiện về chuẩn kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ:

- Mã số vùng trồng

- Mã số cơ sở đóng gói

- Mã số nhà máy xử lý chiếu xạ

Sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường này phải tuân thủ Hiệp định SPS (hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác ở dưới mức cho phép, không có các loại sâu bệnh thuộc đối tượng dịch hại mà Hoa Kỳ quan tâm (đặc biệt là ruồi đục quả). Ngoài ra thanh long phải được chiếu xạ, khử trùng với liều lượng hấp thụ tối thiểu 400 gray. Những mặt hàng xuất khẩu như xoài, thanh long và vải, cũng như tôm, hàu tươi và thực phẩm đông lạnh được sử dụng kỹ thuật chiếu xạ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết về bộ tiêu chuẩn của luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA - The Food Safety Modernization Act) của Hoa Kỳ để giảm rủi ro. Bảy quy tắc chính để thực hiện FSMA. Theo quy định của FSMA, cứ hai năm một lần, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Quy định của thị trường Úc:

Các sản phẩm phải được xử lý theo quy định trong bảng danh sách các trái cây đông lạnh được phép nhập khẩu.. Để chứng minh các sản phẩm phù hợp với yêu cầu này thì các nhà nhập khẩu phải xuất trình các giấy tờ sau: Tờ khai của nhà sản xuất (Manufacturer's declaration), Tờ khai của nhà cung cấp (Supplier declaration), Giấy chứng nhận chính thức của Chính phủ (Official Government Certificate) hoặc Hóa đơn thương mại (Commercial invoice). Các bằng chứng chứng minh hàng hóa đã trải qua quá trình xử lý phù hợp. Hàng nhập khẩu phải được làm đông lạnh theo một quy trình phù hợp. Quy trình đông lạnh gồm các khâu chuẩn bị, đóng gói và bảo quản ở kho hàng. Các nhà nhập khẩu
cần phải nộp các tài liệu sau đây:

· Thông báo quy cách đông lạnh (Freezing declaration)

· Danh sách đóng gói (Packing list)

· Tờ khai của nhà cung cấp (Supplier declaration)

· Tờ khai của nhà xuất khẩu (Exporter declaration)

· Giấy chứng nhận xuất khẩu (Export certificate)

· Hóa đơn thương mại (Commercial invoice) hoặc Chứng thư người thụ
hưởng (Beneficiary certificate) và thông tin về:

· Nước xuất xứ

· Tên thực vật

· Thông tin về đóng gói

· Thông tin về xử lý

· Giấy cam kết về việc đông lạnh

· Giấy cam kết rằng hàng hóa được bảo quản liên tục ở nhiệt độ từ -18°C
trở xuống hoặc được bảo quản dưới nhiệt độ này trong khoảng thời gian liên tục kéo dài ít nhất là 7 ngày. Thời điểm bắt đầu được tính kể từ khi nhiệt độ đạt -18°C.

Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013, tờ khai sản xuất không được chấp nhập cho việc xác minh quá trình làm lạnh.

- Hàng hóa phải được chuẩn bị ở quy mô thương mại và đóng gói sạch sẽ, sử
dụng bao bì mới.

- Hàng hóa phải đảm bảo sạch sẽ và không lẫn các hạt, dầu, xác động vật,
mảnh thực vật và các vật liệu được xếp loại có rủi ro an toàn sinh học trước khi tới Úc.

- Hàng hóa khi tới Úc phải ở dạng đông lạnh.

- Hàng hóa đáp ứng được các điều kiện trên có thể được thông quan mà
không cần phải qua kiểm tra. Hàng hóa có thể bị kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá tình  trạng đông lạnh của hàng hóa hoặc kiểm tra các điểm chưa được thể hiện trên hóa đơn.

- Khi các yêu cầu an toàn sinh học đã được đáp ứng, nhà nhập khẩu chịu
trách nhiệm đảm bảo hàng nhập khẩu tuân thủ quy định theo Luật Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu 1992, kể cả Bộ Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc - New Zealand.

Yêu cầu đối với thực phẩm chiếu xạ:

Các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và New Zealand, thường yêu cầu sử dụng phương pháp chiếu xạ để đảm bảo an toàn cho sản phẩm nhập khẩu. Tại Việt Nam, thông tư 76/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 03 tháng 11 năm 2011, không quy định áp dụng kỹ thuật chiếu xạ đối với sản phẩm dịch quả đông lạnh nói chung. Theo tiêu chuẩn quốc tế Codex, thực phẩm chiếu xạ phải sử dụng biểu tượng quốc tế về thực phẩm chiếu xạ như sau:

Thực phẩm có thành phần được chiếu xạ phải được ghi rõ trong diễn giải thành phần; thực phẩm từ nguyên liệu chiếu xạ, trên nhãn sản phẩm phải có dấu hiệu để nhận biết sản phẩm đã được xử lý chiếu xạ. Sản phẩm bán lẻ trên bao bì phải có logo và dòng chữ “Treated with Radiation” hay “Treated by Irradiation”, “Irradiated” và có thể thêm diễn giải về loại chiếu xạ sử dụng, mục đích chiếu xạ, ví dụ như “Treated with gamma radiation to extend shelf life” - “Xử lý với tia gamma để kéo dài thời hạn sử dụng” hay “This treatment does not induce radioactivity" - “Việc xử lý này không gây ra hoạt độ bức xạ”. Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành các quy định và tiêu chuẩn về chiếu xạ thực phẩm như danh mục thực phẩm được phép chiếu xạ và giới hạn liều hấp thụ. Quyết định số 3616/2004/QĐ-BYT, gồm 7 loại và liều hấp thụ tương ứng từ mức thấp nhất là 0,1 kGy cho đến cao nhất là 7 kGy, song song đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm thực phẩm liên quan gồm TCVN, CODEX STAN, CAC/RCP, ISO, EN.

Công Bá – Duy Lâm