Đang online: 3
Hôm nay: 52
Trong tuần: 52
Trong tháng: 6511
Tổng truy cập: 658547

Thường trực Tỉnh Ủy: Kết luận về tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long và công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.

Thứ Tư 21/11/2018 09:13
104

Để cây thanh long của tỉnh nhà phát huy tốt lợi thế, phát triển có hiệu quả và bền vững, lâu dài, Thường trực Tỉnh ủy đã có Kết luận về tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long và công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Năm 2017 và 06 tháng đầu năm 2018, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh có một số thuận lợi. Thời gian mùa nắng kéo dài nên dịch bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long giảm. Các ngành, địa phương vận động thành lập mới một số hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ thanh long; có thêm một số mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, có hiệu quả, cần phổ biến nhân rộng. Giá thanh long từ năm 2017 đến nay tương đối ổn định và khá hơn trước nên thu nhập và hiệu quả sản xuất thanh long cũng khá hơn trước.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long đang đứng trước nhiều khó khăn, đáng lưu ý là:

- Công tác phòng trừ dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long còn nhiều khó khăn, nhiều nhà vườn chưa thực hiện đúng các biện pháp phòng trừ nên hiệu quả kém, do đó diện tích cây thanh long bị nhiễm bệnh và tái nhiễm bệnh tăng nhanh vào mùa mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập nhà vườn; việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở nhiều nhà vườn chưa bảo đảm thực chất, nhiều vườn thanh long đã “già” nhưng chưa tái cành, giống thanh long bắt đầu thoái hóa nên năng suất trái giảm hàng năm; vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng còn xảy ra phổ biến nên ảnh hưởng đến an toàn môi trường và an toàn thực phẩm trái thanh long.

- Thị trường tiêu thụ thanh long còn bấp bênh, sản lượng xuất khẩu chính ngạch ở các thị trường giảm mạnh, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc dưới hình thức biên mậu, trong khi đó việc liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ trong tỉnh vẫn còn yếu, rời rạc nên sức cạnh tranh kém, số cơ sở kinh doanh, xuất khẩu thanh long không còn nhiều và cũng không chịu hợp tác với nhau, việc tiêu thụ thanh long ở tỉnh ta chủ yếu phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, đáng chú ý là trong số đó có không ít trường hợp núp bóng dưới các hình thức để kinh doanh trái phép nhưng việc phát hiện xử lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khan, khó kiểm soát nên vừa gây bị động, thua thiệt trong cạnh tranh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với người trồng và doanh nghiệp kinh doanh thanh long trong tỉnh, vừa gây thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

- Công nghiệp chế biến thanh long còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, sản lượng đưa vào chế biến chưa đáng kể.

Có thể nói cây thanh long Bình Thuận đang mất dần lợi thế nổi trội, thu nhập từ cây thanh long giảm, một số nhà vườn chuyển sang cho thuê vườn chứ không trực tiếp canh tác, một số ít hộ trồng thanh long do hiệu quả kém, thậm chí có trường hợp bị lỗ nên bỏ chăm sóc hoặc chuyển sang trồng loại cây khác.

Trước thực trạng, tình hình như nói trên, để cây thanh long của tỉnh ta phát huy tốt lợi thế so sánh, phát triển có hiệu quả và bền vững, lâu dài, Thường trực Tỉnh ủy đưa ra một số giải pháp cốt lõi cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới:

- Đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, các đoàn thể và các địa phương có trồng thanh long phải thay đổi nhận thức trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, coi đây là dịp để cơ cấu lại ngành hàng thanh long, nhất là khi thị trường Trung Quốc áp dụng hàng rào kỹ thuật kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề an toàn thực phẩm.

- Nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thanh long phải thay đổi cách nghĩ, cách làm thích ứng với đòi hỏi của thị trường thì mới tồn tại và phát triển có hiệu quả được.

- Phải chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long, trước hết là đảm bảo an toàn thực phẩm, coi đây là yếu tố sống còn để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

-Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các đoàn thể và các địa phương có trồng thanh long tập trung tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, liên tục công tác phòng trừ dịch bệnh, chủ yếu bệnh đốm nâu theo đúng quy trình kỹ thuật mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn; khắc phục tình trạng lạm dụng quá mức phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, vừa kém hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm trái thanh long.

- Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap một cách thực chất, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất hữu cơ theo hướng công nghệ cao; thường xuyên sơ kết, đánh giá, phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất tốt, có hiệu quả kinh tế cao.

- Hướng dẫn nông dân cải tạo, tái canh vườn thanh long.

- Đồng thời nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa hiện nay để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây thanh long trong tỉnh.

- Tập trung chỉ đạo, vận động, tuyên truyền phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, coi đây là khâu then chốt, đặc biệt quan trọng để hỗ trợ giảm chi phí cả đầu vào và đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thanh long trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thanh long.

- Coi trọng đúng mức mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ thanh long theo hướng vừa coi trọng đúng mức thị trường trong nước, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển các kênh phân phối với các địa phương trong cả nước, nhất là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mà tỉnh ta đã ký kết hợp tác; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước bạn.

- Chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý nghiêm, đúng pháp luật tình trạng thương lái nước ngoài núp bóng kinh doanh thanh long trái pháp luật ở tỉnh ta kể cả xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp Việt Nam tạo điều kiện hoặc bao che cho thương lái nước ngoài kinh doanh thanh long trái phép. Đồng thời rà soát, có biện pháp kiểm soát thu thuế tiêu thụ sản phẩm thanh long, tránh thất thu.

- Thường trực cấp ủy và UBND cấp huyện có trồng thanh long, nhất là 2 huyện trọng điểm là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các đoàn thể, nhất là Hội nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để có kế hoạch chỉ đạo, triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các giải pháp nêu trên. Đồng thời phải chú ý tăng cường kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để khuyến khích kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ thanh long.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây thanh long theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tích cực tổ chức thực hiện thei chức năng, nhiệm vụ của mình và phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện Thông báo này cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

Thủy Tiên