Đang online: 10
Hôm nay: 757
Trong tuần: 1081
Trong tháng: 7540
Tổng truy cập: 659576

Tránh lạm dụng thuốc trừ cỏ trong vườn hồ tiêu

Thứ Sáu 08/09/2017 15:21
542

Ở Bình Thuận, diện tích trồng hồ tiêu khoảng 1.647 ha, tập trung tại hai huyện Đức Linh và Tánh Linh. Cây hồ tiêu là một trong số các cây trồng chủ lực của địa phương, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân ổn định cuộc sống. 

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hộ dân trồng hồ tiêu đều sử dụng thuốc trừ cỏ để phòng trừ cỏ dại trong vườn tiêu nhằm giảm công lao động, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt vào mùa mưa, điều kiện thời tiết thuận lợi cỏ dại sinh sôi phát triển nhanh, sau thời gian ngắn cỏ dại đã mọc xanh um trở lại và người dân lại tiếp tục phun thuốc trừ cỏ.

Trong khi đó, đối với cây hồ tiêu, tình hình dịch bệnh gây hại nghiêm trọng có thể làm chết cây hàng loạt là các đối tượng gây hại có nguồn gốc từ đất như tuyến trùng ký sinh gây hại rễ tiêu, nấm Phytophthora capsici, Fusarium, Pythium, Rhioctonia,… đã gây ra bệnh chết nhanh chết chậm hại cây hồ tiêu. Dịch bệnh này luôn là mối lo của các hộ dân trồng hồ tiêu, đặc biệt là sau mỗi mùa mưa, cây hồ tiêu biểu hiện triệu chứng bệnh và có thể chết cây hàng loạt trong thời gian ngắn.

Và việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong vườn hồ tiêu sẽ góp phần vào việc gia tăng các mối nguy hại từ đất. Vì hoạt chất trong các loại thuốc trừ cỏ rất độc hại, nhưng khi phun thuốc trừ cỏ chỉ một phần hấp thu vào cỏ dại tiêu diệt chúng, phần còn lại sẽ thấm vào đất. Do đó, thuốc trừ cỏ không chỉ tiêu diệt cỏ dại mà còn tiêu diệt cả các vi sinh vật có ích trong đất, gây mất cân bằng hệ sinh thái đất. Chính điều này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại trong đất có thể phát sinh phát triển mạnh, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu. Ngoài ra, thuốc trừ cỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng, đến sức khỏe cộng đồng khi có thể phát tán trong không khí, hòa tan trong nước.


Vườn hồ tiêu sau khi phun thuốc trừ cỏ

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của thuốc trừ cỏ, các hộ dân trồng hồ tiêu có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để hạn chế cỏ dại. Như dùng rơm rạ hoặc tận dụng các cành, lá từ cây trụ sống khi rong cành để che phủ bề mặt đất vừa giảm công thu gom, vừa giữ ẩm cho đất, vừa hạn chế cỏ mọc, vừa cung cấp thêm chất hữu cơ cho đất cũng như làm phong phú đa dạng thành phần vi sinh vật trong đất. Hoặc chọn trồng một số cây phủ đất (cây lạc dại), một số loại cây có thể trồng xen trong vườn hồ tiêu (các loại cây công nghiệp ngắn ngày, một số loại cây rau màu). Hoặc dùng máy cắt cỏ, vừa hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ dại vừa tận dụng xác bả thực vật. Với các biện pháp canh tác này giúp duy trì sự đa dạng hệ vi sinh vật trong đất, tránh những tác động tiêu cực đến vi sinh vật có ích.  

Trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh có một số hộ trồng hồ tiêu đã hạn chế hoặc không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn hồ tiêu cùng với áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, hợp lý đã hạn chế dịch bệnh gây hại cây hồ tiêu, vườn hồ tiêu sinh trưởng phát triển khỏe mạnh cho năng suất ổn định. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích các hộ dân trồng hồ tiêu tránh lạm dụng thuốc trừ cỏ trong vườn hồ tiêu./.

Ks. Đinh Đức Huy (Chi cục Trồng trọt và BVTV)