Đang online: 7
Hôm nay: 725
Trong tuần: 1049
Trong tháng: 7508
Tổng truy cập: 659544

PHÁT TRIỂN CÂY TRÔM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Hai 20/06/2016 16:26
371

        Ngày 13/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 2027/UBND-KTN về việc tập trung nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây trôm trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích cây trôm trên địa bàn huyện Tuy Phong đến năm 2020 đạt 1.000 ha, tăng độ che phủ của rừng, tạo môi trường sinh thái bền vững; nâng cao năng suất mủ trôm từ 800 kg/ha/năm lên 1.200 kg/ha/năm, đạt sản lượng 540 tấn/năm vào năm 2020.

        Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan chú trọng các giải pháp như quy hoạch phát triển vùng trồng cây trôm trên địa bàn Tuy Phong theo định hướng phát triển bền vững, vùng sản xuất tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở chế biến. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tổ chức công bố, công khai vùng trồng cây trôm đến người dân biết và thực hiện theo đúng quy hoạch. Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá các thực trạng về chính sách liên quan đến phát triển cây trôm như hỗ trợ giống, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân tập trung thâm canh, khai thác hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mủ trôm; tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống cây trôm để hạn chế việc kinh doanh giống không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc; theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trôm để có biện pháp phòng chống kịp thời, ban hành quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trôm; hướng dẫn, chuyển giao sản xuất mủ trôm theo hướng an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng. Tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị trong việc xử lý, chế biến và đóng gói sản phẩm mủ trôm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và chế biến; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các nông dân vùng sản xuất cây trôm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để phát triển cây trôm ổn định và lâu dài. Riêng về phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển thị trường mủ trôm, trông đó vừa chú trọng xuất khẩu vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh quảng bá mủ trôm, giới thiệu công cụ, lợi ích tốt cho sức khỏe khi dùng mủ trôm để phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu một số thị trường có tiềm năng triển vọng để xuất khẩu và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng như ngoài nước.

        Với những nhiệm vụ và giải pháp đề ra sẽ giúp cho người nông dân trực tiếp làm ra những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhà, tăng thu nhập cho bà con nông dân, bước đầu mang lại thành công, tạo được niềm tin cho người dân dần áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện theo đúng quy hoạch./.

NKD