Đang online: 2
Hôm nay: 9
Trong tuần: 9
Trong tháng: 6468
Tổng truy cập: 658504

BÌNH THUẬN TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ Năm 16/03/2017 08:19
217

Nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào tỉnh ta, gây lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; ngày 06 tháng 03 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 780 về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nội dung cụ thể như sau:


1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm có hiệu quả nhất; không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm và tổ chức lực lượng thường trực, chuẩn bị bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống khi có dịch xảy ra.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nắm chắc tình hình chăn nuôi gia cầm tại địa phương; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y.

- Tiếp tục giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo bệnh cho chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, trưởng thôn để theo dõi sát diễn biến dịch cúm gia cầm tại địa phương tới từng hộ chăn nuôi để phản ảnh, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Xử lý tiêu hủy ngay gia cầm mắc bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Thú y khi phát hiện gia cầm mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan ra diện rộng.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp Chi cục Thú y tăng cường công tác thanh kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm; tổ chức thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch cúm A (H7N9) và A (H5N1) để có thông tin kịp thời cho người dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của các loại cúm gia cầm, cách phòng ngừa cúm gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch gia súc, gia cầm năm 2017 và Kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm năm 2017; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 13 tháng 03 năm 2017.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan: Quản lý thị trường, Công an tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia cầm; tiếp tục chỉ đạo các Trạm Thú y tăng cường giám sát phòng, chống các dịch bệnh tại các địa phương và thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm nhập tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thú y vùng VI triển khai các hoạt động giám sát lưu hành, sự biến đổi của virus cúm trên gia cầm của tỉnh ta; từ đó có sự nhận định về nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm để tham mưu, đề xuất các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh một cách hiệu quả.

- Củng cố hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời gia cầm mắc bệnh, không để dịch lan rộng; thường xuyên báo cáo kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Định kỳ sáng thứ 6 hàng tuần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo nhanh tình hình phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi.

3. Công an tỉnh: Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, Đội Cảnh sát giao thông phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra giám sát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm để kiểm tra việc nhập gia cầm và các sản phẩm gia cầm của các tỉnh khác nhập vào tỉnh ta.

4. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh sản phẩm gia cầm. Nếu phát hiện sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y thì cương quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời nguồn kinh phí cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; hướng dẫn chế độ chi tiêu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tiêu hủy gia cầm theo đúng yêu cầu về quy định vệ sinh môi trường trong trường hợp phát hiện có dịch phải tiêu hủy gia súc, gia cầm. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường tại các chợ, tụ điểm buôn bán gia cầm; cơ sở giết mổ gia cầm và các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung.

7. Sở Y tế:

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1, H1N1, H7N9) và các chủng virus cúm lây sang người để tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung này báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20 tháng 03 năm 2017.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ địa bàn xảy ra dịch cúm gia cầm nhằm phát hiện, khống chế việc lây lan dịch bệnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân phòng, chống bệnh tại cộng đồng.

- Chỉ đạo Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra thường xuyên nguồn gốc thịt gia cầm tại các nhà hàng, khách sạn, resort, bếp ăn tập thể, trường học…

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sang tổ chức việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh đúng nhằm hạn chế tử vong. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A (H5N1, H1N1, H7N9) và các chủng virus từ gia cầm lây sang người.

8. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các bến xe, bến tàu, đầu mối giao thông.

Ngoài ra còn đề nghị các cơ quan như Sở Thông tin – Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Bình Thuận, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

QT