Đang online: 3
Hôm nay: 146
Trong tuần: 146
Trong tháng: 6605
Tổng truy cập: 658641

Chuyển đổi sản xuất hiệu quả từ cây trồng cạn vụ Đông Xuân 2019-2020

Thứ Hai 10/08/2020 09:26
862

Bình Thuận là tỉnh có kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, song thường xuyên bị đe dọa bởi hạn hán, đặc biệt trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã gây ra nắng hạn nghiêm trọng dẫn đến gánh nặng về nước trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hạn nông nghiệp cũng có thể xảy ra mà không nhất thiết phải cùng lúc với hạn khí tượng và hạn thủy văn. Do đó, việc đánh giá và dự báo hạn nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, là cơ sở để các nhà quản lý điều hành, bố trí mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý.

Năm nay, do nắng hạn kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa cạn kiệt, Bình Thuận phải cắt giảm hơn 20.000ha lúa và các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020.

Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất vụ Đông xuân 2019-2020, các địa phương đã chuyển đổi sang cây trồng khác trên đất trồng lúa với diện tích 4.820 ha; trong đó, 2.554 ha chuyển sang trồng bắp, 736 ha trồng rau các loại, 609 ha trồng đậu các loại, 486 ha trồng đậu phộng, 267 ha trồng dưa hấu, … Diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh (2.500 ha), Đức Linh (1.782 ha) và Hàm Thuận Bắc (328 ha), Hàm Tân (111 ha) và Thị xã La Gi (99 ha).

Trong đó, các địa phương chủ yếu chuyển đổi cây trồng sang bắp 2.308 ha, rau 1.266 ha, đậu các loại 919 ha, đậu phộng 621 ha, mè, dưa hấu 172 ha và cây trồng khác 198 ha. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế sâu bệnh hại cây lúa cho các vụ sau.

Trước thực trạng đó, trong những năm qua, Trung tâm đã chuyển giao nhiều mô hình cây trồng nhằm ứng phó với tình hình nắng hạn như hiện nay trên đất lúa; đặc biệt là vụ đông xuân thường thiếu nước vào cuối vụ; tùy thuộc vào thực trạng sản xuất và nguồn kinh phí khuyến nông hằng năm được cấp mà diện tích chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây trồng khác dao động từ 30-50 ha.

Trong đó, việc xây dựng mô hình Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả đã phát huy tác dụng thiết thực đối với sản xuất trên địa bàn tỉnh. Từ những hiệu ứng tích cực đó, vụ đông xuân 2019-2010, đơn vị tiếp tục duy trì và nhân rộng những mô hình có hiệu quả cao, đáng chú ý là mô hình trồng và thâm canh ớt cao sản kết hợp tưới nước tiết kiệm tại xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc và xã Đồng Kho, Tánh Linh; mô hình sản xuất đậu bắp Nhật (35ha/26hộ) tại xã Đồng Kho, Tánh Linh. Mô hình được đơn vị xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân trồng đậu bắp với Công ty TNHH XNK Nông sản Hoàng Gia, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) để bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Kết quả, mô hình rất thành công, cây đậu bắp cho năng suất bình quân 97 tạ/ha, doanh thu 82 triệu/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi 33 triệu đ/ha. Trong khi đó năng suất lúa bình quân vụ ĐX tại điểm xây dựng mô hình khoảng 75 tạ/ha, doanh thu 37,5 triệu/ha (giá 5.000 đ/kg) và nông dân chỉ lợi nhuận hơn 16 triệu đ/ha.

Hay mô hình trồng và thâm canh ớt cao sản kết hợp tưới nước tiết kiệm) được triển khai tại xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) và xã Đồng Kho (Tánh Linh), với tổng diện tích 7,3 ha gồm 29 hộ tham gia. Mô hình này cũng liên kết Công ty TNHH XNK Nông sản Hoàng Gia, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trong đó tại điểm mô hình xã Hồng Liêm, cây ớt cho năng suất bình quân 395 tạ/ha, doanh thu 395 triệu/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lợi nhuận 49 triệu/ha

Trong khi đó năng suất lúa bình quân tại điểm xây dựng mô hình khoảng 50 tạ/ha, doanh thu 32,5 triệu/ha (giá 6.500 đ/kg) và nông dân chỉ lợi nhuận khoảng11 triệu đ/ha.

Còn năng suất bình quân của cây ớt ở điểm xã Đồng Kho đạt 249 tạ/ha, doanh thu 324 triệu/ha, nông dân lợi nhuận 52 triệu/ha. trong khi trồng lúa chỉ cho lợi nhuận khoảng16,5 triệu/ha. “Mô hình trồng ớt này ngoài hiệu quả kinh tế hơn nhiều so cây lúa, còn giúp nông dân tiết kiệm trên 80% lượng nước tưới và trên 70% công tưới do áp dụng tưới tiết nước nhỏ giọt”.

Qua mô hình khuyến nông, vụ đông xuân 2019-2020 tại xã Bắc Ruộng nông dân đã tự chuyển đổi 250 ha đất lúa vụ đông xuân sang trồng bắp lai, đậu phộng và đậu các loại cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,5 so với trồng lúa cùng vụ.

Như vậy, thông qua hiệu quả từ mô hình khuyến nông đã phát huy tích cực cho bà con, giúp hàng ngàn hecta đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn có hiệu quả cao hơn và tiết kiệm lượng lớn nguồn nước tưới và công lao đông. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý, khi liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, bà con cần gieo trồng tập trung để tiêu thụ sản phẩm đồng loạt, sẽ giảm chi phí vận chuyển và tăng thêm được lợi nhuận.

Hồ Công Bình