Đang online: 9
Hôm nay: 541
Trong tuần: 865
Trong tháng: 7324
Tổng truy cập: 659360

TẬP HUẤN KỸ THUẬT CANH TÁC ĐIỀU THỜI KỲ KINH DOANH

Thứ Tư 31/08/2022 16:40
486

TẬP HUẤN KỸ THUẬT CANH TÁC ĐIỀU THỜI KỲ KINH DOANH

Trong 02 ngày (từ ngày 25 – 26/8/2022), tại huyện Hàm Tân. Trung tâm khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây điều Bình Dương và Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn, đào tạo ngoài mô hình cho 30 nông dân của 03 xã Tân Đức, Tân Thắng và Thắng Hải thuộc dự án khuyến nông Trung ương năm 2021-2023 “xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững”. Mục đích của lớp tập huấn là truyền đạt những kiến thức về kỹ thuật thâm canh vườn điều thời kỳ kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Trong những năm gần đây, các hoạt động để nâng cao chất lượng vườn điều tại huyện Hàm Tân nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung đã được các Cấp, các ngành quan tâm như: đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý sâu bệnh hại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ...

Mặc dù năng suất điều tại các vùng triển khai đã được cải thiện nhưng việc nhân rộng chưa được như mong muốn. Ngoài yếu tố các vườn điều già cỗi năng suất giảm, thì ảnh hưởng của thời tiết, mưa trái mùa bất thường vào giai đoạn cây ra hoa và đậu quả cũng làm năng suất điều các vùng của tỉnh giảm, cùng với đó là giá các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) tăng cao, trong khi giá mua hạt điều có xu hướng giảm và không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế  còn thấp, người trồng điều gặp nhiều khó khăn.

Tại lớp tập huấn bà con nông dân được cấp phát tài liệu, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ điều trong nước và trên thế giới; những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội để phát triển cây điều và ngành điều Việt Nam trong thời gian tới; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, lựa chọn cây giống; biện pháp bón phân đạt hiệu quả, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, xử lý chất kính thích sinh trưởng và ra hoa; biện pháp phát hiện và phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính (bọ xít muỗi, sâu đục chồi và bệnh thán thư,…) trên vườn điều; thu hoạch và sơ chế bảo quản.

Ngoài ra lớp tập huấn cũng giới thiệu về giá trị dinh dưỡng của quả điều giả, có thể sử dụng làm siro, rượu vang, nước ép sinh tố từ quả điều,… và nhân hạt điều sử dụng để làm rất nhiều loại bánh kẹo tốt cho sức khỏe (Bánh quy hạt điều; Kẹo cu đơ hạt điều, Bánh khoai lang tím hạt điều, Bánh Tart hạt điều; Caramen vị socola hạt điều; Bánh cake chuối hạt điều nho khô; Bánh Fruit cake, hạt điều rang muối, sữa hạt điều,…) cũng như sử dụng các phụ phế phẩm của cây điều để tăng hiệu quả kinh tế (vỏ hạt điều được tận dụng ép dầu để sử dụng trong công nghiệp, các xác bã còn lại sau khi ép dầu ủ làm phân bón cung cấp lại cho đất trồng).

Thông qua lớp tập huấn người dân có cơ hội được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất; cán bộ kỹ thuật tư vấn, giải đáp các vướng mắc trong quá trình sản xuất, trực tiếp hướng dẫn thực hành. Với kết quả thu được từ lớp tập huấn, hy vọng người dân sẽ áp dụng thực tế trên vườn nhà mình và hướng dẫn cho những người khác cùng thực hiện để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; phát triển cây điều bền vững tại địa phương.

    

Hướng dẫn nông dân thực hành và tham quan thực tế mô hình tại địa phương

Phạm Thị Hồng, Trần Thế Lâm