Đang online: 4
Hôm nay: 126
Trong tuần: 1252
Trong tháng: 7711
Tổng truy cập: 659747

HỘI THẢO MÔ HÌNH MĂNG TÂY XANH

Thứ Hai 20/08/2018 16:43
91

“Rau này hơn cả cây thanh long” là đánh giá từ một hộ dân tham dự Hội thảo “Sản xuất Măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm nước theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” diễn ra tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.


Mô hình sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận (Trung tâm) dày công triển khai, thực hiện nhằm định hướng cho bà con về một đối tượng cây trồng mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hình điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết hiện tại. Từ nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, Trung tâm phối hợp cùng phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Nam và chính quyền địa phương các xã Tiến Lợi, Tiến Thành, Tân Thuận, Hàm Minh triển khai xây dựng 0,75 ha cho 07 hộ tham gia từ tháng 12/2017, mô hình được hỗ trợ 100% về giống, 30% về vật tư phân bón và 50% về hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm nước.

Sau 6 tháng, măng bắt đầu cho thu hoạch; bước đầu năng suất ước đạt 1.350 kg/sào, cho thu nhập 67.500.000 đồng/sào, lợi nhuận gần 19.000.000 đồng/sào. Đây là năng suất ước bình quân theo Báo cáo tại Hội thảo, trên thực tế cây măng tây là đối tượng cây trồng lâu năm (10-12 năm), nếu chăm sóc và thu hoạch đúng cách sẽ cho năng suất đều đặn trong thời gian dài. Hiện tại, năng suất của măng ở độ 3 năm tuổi từ 15 – 20 kg/sào/lần hái trên chân ruộng tốt, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập gần 1.000.000 đồng/sào/lần hái.

Cây măng tây không phải quá xa lạ với bà con, tuy nhiên việc trồng thâm canh và có đầu tư bài bản, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc thì tại Bình Thuận chưa có. Chính vậy, những gặt hái đầu tiên của mô hình là niềm phấn khởi, động viên, kích thích bà con hăng say đầu tư sản xuất; không những tạo việc làm, cải thiện thu nhập hàng ngày mà măng tây được đánh giá là đối tượng sản xuất thân thiện môi trường do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thích hợp và phát triển tốt khi sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ.

Nếu 1 sào đất mà mỗi ngày cho thu hoạch gần cả triệu đồng đều đặn, thì quả thực nhận xét của nông dân tham gia Hội thảo mô hình măng tây không sai. Đầu tư chi phí ban đầu không quá cao (khoảng 40 triệu/sào), hiện tại măng thu hoạch bước đầu của bà con không đủ cung cấp; được biết, trên địa bàn Phan Thiết có Hợp tác xã Nấm Phúc Thịnh đang liên kết, tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá bình quân 50.000 đồng/1kg không phân loại (Loại 1 trên thị trường có giá từ 80 - 100.000 đồng; Loại 2 từ 50 – 70.000 đồng; Loại 3 từ 30 – 50.000 đồng); công ty TNHH Linh Đan từ Ninh Thuận cũng đang đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn.

Có thể nói măng tây xanh bước đầu đã mở ra hướng đi mới trong cơ cấu chuyển đổi giống cây trồng, cho hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường; tuy vậy, việc tổ chức sản xuất măng tây phải gắn với nông hộ có sự đầu tư, có tiềm lực vốn nhất định, vì qua đối chứng cho thấy mô hình trồng trong nhà lưới, có hệ thống tưới phun tiết kiệm cho hiệu quả ổn định hơn; Măng tây là cây trồng lâu năm, nên việc thâm canh phải hợp lý, không khai thác rộ và thiếu cân đối dẫn đến cây suy kiệt, năng suất giảm; bên cạnh đó hướng đến các biện pháp trồng thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với việc thu mua, bao tiêu từ doanh nghiệp sẽ cho hiệu quả cao nhất.