Đang online: 2
Hôm nay: 223
Trong tuần: 223
Trong tháng: 6682
Tổng truy cập: 658718

Ninh Thuận: Người nông dân trẻ với kinh nghiệm trồng bưởi da xanh

Thứ Tư 26/12/2018 08:54
60
Xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận từ lâu được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến là một địa chỉ của du lịch sinh thái miệt vườn với nhiều đặc sản trái cây phong phú như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… Trái cây nơi đây có hương vị đặc trưng của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trong đó bưởi da xanh được ưa chuộng bởi vị ngọt thanh, giòn, nước vừa phải. Loại quả này cho giá trị kinh tế cao, nhưng để có những trái bưởi đạt chất lượng, mẫu mã đẹp cần có những kiến thức và kinh nghiệm mà bà con cần học hỏi.

Đến tham quan vườn bưởi da xanh của gia đình anh Nguyễn Thanh Châu ở thôn Lâm Phú vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi bị cuốn hút bởi những quả bưởi đang thời kỳ thu hoạch. Vườn bưởi hơn 8 sào được anh Châu lắp đặt hệ thống tưới phun. Những quả bưởi được bao trái cẩn thận để không bị sâu bệnh xâm nhập và cho mẫu mã đẹp.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Châu cho biết, vườn bưởi nhà anh trồng được hơn 7 năm. Anh đã thu hoạch bán, đến giờ chỉ còn khoảng 10 phần trăm trái trên cây. Được biết mùa bưởi năm nay anh thu gần 10 lần, có lần đạt hơn 80 triệu đồng. Giá bán tại vườn là 45.000 đồng/kg và được nhiều thương lái đặt mua do mẫu mã đẹp, đạt chất lượng về sự đồng đều.

Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng và chăm sóc, anh Châu nói rất khiêm tốn là anh vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm thôi. Theo anh, ở giai đoạn sau thu hoạch, cây bưởi da xanh cần được chăm sóc và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cây có thể tiếp tục cho năng suất và chất lượng cao trong mùa vụ tiếp theo. Anh Châu chia sẻ các bước kỹ thuật mà anh áp dụng như sau:

Tỉa cành nhánh, trái non cuối vụ để cây ra trái mới, giúp cây ra hoa tập trung, tán lá phân bố hợp lý. Anh cũng lưu ý cần cắt bỏ những cành cây già cỗi trong vụ trước, những nhánh không có khả năng ra trái, nhánh bị sâu bệnh tấn công phá hoại, cành nhánh đan xen che khuất lẫn nhau, tạo thông thoáng. Cành mang trái phải phân bố đều trên các tán cây.

Về vệ sinh vườn, anh Châu nhấn mạnh những trái rụng, cành nhánh cắt tỉa, cành nhánh sâu bệnh tự gãy phải được gom lại tiêu hủy. Đặc biệt là trái rụng mang mầm bệnh nên dọn sạch sẽ, chôn bỏ, làm sạch cỏ quanh gốc. Sau đó, bón phân, xốc gốc theo hình tán lá cho rễ phát triển, phân bón hiệu quả, vi sinh vật trong đất phát triển tốt.

Về bón phân: tùy vào tán cây và tuổi của cây mà gia giảm lượng phân bón cho phù hợp. Vôi bột có tác dụng sát trùng, cải tạo đất, cung cấp dinh gưỡng cho cây, hàng năm bón vôi bột 1 lần sau khi thu hoạch với hàm lượng 3 – 4 kg/cây; Sau bón vôi 15 ngày, bón tiếp phân hữu cơ, bón 1-2 lần/năm. Lượng phân hữu cơ được đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, chất lượng trái tăng lên. Phân hóa học có nhiều đạm sẽ kích thích cây ra hoa: gồm DAP + Ure với tỉ lệ: 5:5, liều lượng từ 1 – 2kg, kích thích cây ra cành, lá; Sau 1 đợt đọt, cần quan sát tán lá xem đủ điều kiện xử lý ra hoa không, nếu không đủ điều kiện nên xử lý thêm 1 đợt đọt nữa. Phân bón nên ưu tiên đạm.

Được biết xã Lâm Sơn đã được UBND tỉnh chỉ dẫn về địa lý và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Trái cây Ninh Sơn”. Thời gian tới anh Châu và một số hộ trồng cây ăn quả ở xã Lâm Sơn sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn về cách trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng đến thị trường xuất khẩu./.

    Thủy Tiên (ST)