Đang online: 1
Hôm nay: 194
Trong tuần: 194
Trong tháng: 6653
Tổng truy cập: 658689

TOT Kỹ Thuật chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc

Thứ Ba 15/10/2019 06:51
300

Từ ngày 03-4/10/2019 tại trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật – Công đoàn Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp đào tạo tiểu giáo viên TOT (training Of Trainers) cho các cán bộ nông nghiệp ở cơ sở, cùng bà con chăn nuôi chủ chốt trong toàn tỉnh.


Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề chủ lực về chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc: Học viên nắm vững một  số cây thức ăn xanh, chế biến và bảo quản thức ăn xanh, biết được cách ủ, đặc biệt là ủ chua thức ăn xanh; việc tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi, biện pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc; một số công thức thức ăn sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để vỗ béo.

Lớp học với 32 học viên tham gia, được chia làm 4 nhóm, tổ chức thực hành ủ thức ăn xanh ngay tại chỗ. Trong đó, công thức ủ với các tỷ lệ: men, muối, cỏ, rỉ mật đường, v.v. được quán triệt thực hiện, giúp quá trình lên men nhanh, thức ăn ủ đạt chất lượng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bắc, giảng viên lớp tập huấn là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi đã giảng giải, phổ biến các tiến bộ mới trong chế biến, bảo quản thức ăn thời gian gần đây; đặc biệt, việc chế biến thức ăn cho gia súc tuy không khó nhưng phải đủ thành phần, đúng tỷ lệ, thực hiện đúng cách để đạt chất lượng và có hiệu quả kinh tế.

Khóa học được tổ chức tham quan, thực hành phương pháp ủ rơm cuộn bằng u rê tại xã Hàm Liêm – Hàm Thuận Bắc. Để nâng cao tỷ lệ tiêu hóa của các loại thức ăn thô khô như: rơm; bã mía; thân cây bắp, vỏ bắp sau thu hoạch, cần tiến hành xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau như xử lý bằng nước vôi, bằng urê, hoặc kết hợp cả hai biện pháp trên. Việc xử lý nhằm mục đích phá vỡ mối liên kết, giải phóng cellulose và hemincellulose trong tế bào thực vật của rơm, khi đó vi sinh vật trong dạ cỏ của trâu, bò mới dễ dàng tiêu hoá được 2 thành phần này để tạo ra đường glucose, galactose cung cấp năng lượng cho vi sinh vật và cho cả bản thân trâu, bò hoạt động và phát triển.

            Tiến sỹ Nguyễn Văn Bắc đánh giá cao sức tiếp thu, kỹ năng thực hành các biện pháp ủ cỏ, ủ rơm của các học viên tham gia tập huấn; sau đợt huấn luyện này, những học viên tham gia tập huấn sẽ là những “Tiểu giáo viên” để truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm chế biến thức ăn, giúp đàn gia súc của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng trong thời gian đến.

BBT