Đang online: 11
Hôm nay: 17
Trong tuần: 1143
Trong tháng: 7602
Tổng truy cập: 659638

Bình Thuận: 56 sản phẩm đạt xếp hạng sao OCOP

Thứ Năm 18/02/2021 08:07
539

Bình Thuận: 56 sản phẩm đạt xếp hạng sao OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Xác định mục tiêu

Ngày 17/6/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019 đến 2020 định hướng đến năm 2030 với 03 mục tiêu chính:

1. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

2. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn.

3. Góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững. Đồng thời, trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3100/KH UBND, ngày 21/8/2019 để triển khai Đề án này.

Kết quả thực hiện

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trao Chứng nhận sản phẩm đạt sao OCOP

 

Về công tác tuyên truyền:  Sở Nông nghiệp đã xây dựng tài liệu, tổ chức 9 lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP ở các cấp và các chủ thể với 558 học viên tham dự (3 lớp tuyên truyền OCOP cấp xã, huyện tỉnh và 6 lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tập huấn xây dựng triển khai kế hoạch kinh doanh cho học viên là các HTX, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu về chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận trên các phương tiện thông tin. Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đưa tin về chương trình.

Về tổ chức thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp đơn vị tư vấn hỗ trợ cho 51 chủ thể với 82 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trong năm 2020 với đa dạng sản phẩm: rau củ quả tươi, thịt trứng sữa, chế biến thủy hải sản..... với những nội dung hỗ trợ như: quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, câu chuyện sản phẩm... đáp ứng theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 sửa đổi, bổ sung.

          Kết quả: Qua 03 vòng chấm điểm (01 vòng cấp huyện và 02 vòng cấp tỉnh) có 56 sản phẩm/ 38 chủ thể đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, trong đó có 30 sản phẩm 3 sao và 26 sản phẩm 4 sao. (được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 về việc công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2020).

          Ngày 18/01/2021 được sự cho phép của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức công bố, trao giấy công nhận sản phẩm được xếp hạng sao OCOP cấp tỉnh năm 2020 cho 38 chủ thể, với 56 sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

UBND tỉnh cấp chứng nhận thanh long ruột trắng đạt “Chuẩn 4 sao”

 

          Mục tiêu giai đoạn 2021 đến 2025

Có thể nói, việc phát triển Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội; thứ nhất, giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới; thứ hai, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân sản xuất theo kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn; thứ ba, góp phần giảm việc di dân từ nông thôn ra đô thị; thứ tư, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế nông thôn; năm là, OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Trong giai đoạn 2021 đến 2025, mục tiêu của tỉnh hướng đến nâng cao giá trị, doanh thu cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 đến 4 sao năm 2020; nâng cấp 56 sản phẩm đã đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh năm 2020, đồng thời phát triển 100 sản phẩm tham gia OCOP được công nhận 3-4 sao; phát triển từ 3-5 sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận 5 sao cấp quốc gia; bên cạnh đó, củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng các chuỗi giá trị; các chuỗi gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng./.

ThS. Phạm Công Bá