Đang online: 12
Hôm nay: 183
Trong tuần: 183
Trong tháng: 6642
Tổng truy cập: 658678

TÌNH HÌNH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP THÁNG 12 VÀ NĂM 2022 TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Sáu 30/12/2022 11:32
400

TÌNH HÌNH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP THÁNG 12 VÀ NĂM 2022 TỈNH BÌNH THUẬN


Sản xuất nông nghiệp năm 2022 thuận lợi về điều kiện thời tiết. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phươngTình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ và ảnh hưởng không đáng kể. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và thu nhập của người người dân; giá các loại vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao trong khi giá đầu ra còn thấp và không ổn định làm giảm thu nhập và khả năng tái tạo vốn sản xuất của người dân.

1. Cây hàng năm

- Vụ đông xuân: Diện tích gieo trồng đạt 51.029,6 ha, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lương thực đạt 42.464,9 ha, tăng 6,7%; năng suất ước đạt 67,87 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 288.191 tấn, tăng 5,48% (trong đó cây lúa diện tích đạt 39.456,5 ha, tăng 8%; năng suất đạt 66,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 263.773,9 tấn, tăng 7,6%).

- Vụ hè thu: Diện tích gieo trồng đạt 60.796 ha, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước (diện tích giảm chủ yếu ở cây lúa huyện Đức Linh và Tánh Linh, do một số khu vực thời tiết ít thuận lợi, chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận nên người dân giãn vụ). Diện tích cây lương thực đạt 45.323,2 ha, giảm 10,3%; năng suất đạt 59,8 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lương thực đạt 271.059,1 tấn, giảm 6,7% (trong đó cây lúa diện tích đạt 38.483,3 ha, giảm 9,3%; năng suất đạt 59,7 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng đạt 229.630 tấn, giảm 7,3%).

- Vụ mùa: Diện tích gieo trồng đạt 85.798 ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước (diện tích giảm chủ yếu ở cây lúa, giảm ở hầu hết các huyện trong tỉnh, đặc biệt giảm mạnh ở các huyện như Bắc Bình (giảm 700 ha), huyện Tánh Linh (giảm 437 ha), huyện Đức Linh (giảm 105 ha) do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm đầu ra thấp, người dân đã chủ động cắt giảm diện tích chuyển sang gieo trồng sớm cho vụ đông xuân năm sau; riêng huyện Tuy Phong (giảm 185 ha) do thời điểm xuống giống muộn hơn so với năm trước. Diện tích cây lương thực đạt 47.341,4 ha, giảm 3,6%; năng suất đạt 56,5 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 267.550 tấn, giảm 3,45% (trong đó cây lúa đạt 42.525,5 ha, giảm 3,6%; năng suất đạt 55,6 tạ/ha, tương đương so với vụ cùng kỳ năm trước; sản lượng236.550 tấn, giảm 3,5%).

- Ước cả năm 2022: Tổng diện tích gieo trồng đạt 197.623 ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (giảm chủ yếu ở các cây lương thực, cây mía và cây lang):

+ Nhóm cây lương thực: Diện tích ước đạt 135.129 ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 61,2 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng lương thực ước đạt 826.800 tấn, giảm 1,7% (trong đó cây lúa diện tích ước đạt 120.465 ha, giảm 2,5%; năng suất đạt 60,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 729.914 tấn, giảm 1,1%. Cây bắp đạt 14.664 ha, giảm 4,4%; năng suất đạt 66,1 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha, sản lượng đạt 96.886 tấn; giảm 6%).

+ Nhóm cây công nghiệp ngắn ngày: Diện tích cây đậu phộng ước đạt 6.187 ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 11.868,5 tấn, tăng 12,2%. Diện tích cây mè đạt 4.512,5 ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 2.783,4 tấn, tăng 12,8%.

+ Nhóm cây rau, đậu các loại: Diện tích gieo trồng ước đạt 20.207 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 129.735,5 tấn, tăng 1,7% (trong đó rau các loại diện tích đạt 10.248,6 ha, tăng 3%; sản lượng đạt 117.309,8 tấn, tăng 2,1%).

Nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, năm 2022 toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 5.198 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn (gồm cây bắp 1.238 ha, rau 1.256 ha, đậu các loại 1.002 ha, đậu phộng 1.234 ha, dưa hấu 164 ha, cây trồng khác 304 ha). Các địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp phát triển lúa thương phẩm chất lượng cao nhằm hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, phát triển tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

2. Cây lâu năm

Trong năm thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển cây lâu năm; người dân tập trung chăm sóc các loại cây lâu năm hiện có. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thanh long gặp nhiều khó khăn; giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao; chất lượng giá trị và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp; hiệu quả liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp chưa cao. Tổng diện tích trồng cây lâu năm sơ bộ đạt 109.154,2 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 67.758,4 ha, tăng 2,7%; cây ăn quả đạt 39.596,3 ha, giảm 9,4%; các loại cây lâu năm còn lại 1.799,6 ha, tăng 5,2%.

- Thanh long: Diện tích toàn tỉnh năm 2022 đạt 27.787,6 ha, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 217,4 tạ/ha, giảm 4,4 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 600.500 tấn, giảm 80.400,9 tấn; diện tích giảm ở hầu hết ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Do thị trường Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu, giá bán giảm sâu (có lúc 1.000 đến 2.000 đồng/kg) nhưng không có người thu mua, nên người trồng thanh long hạn chế đầu tư, chăm sóc; giá thấp kéo dài, trong khi chi phí lao động, phân bón, thuốc trừ sâu ngày càng tăng, nên người trồng thanh long bỏ vườn không chăm sóc ngày càng nhiều; năm nay số lượng hộ chong đèn giảm dần, do tâm lý sợ thua lỗ.

Tính đến thời điểm 15/12/2022, toàn tỉnh có 10.120,9 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (trong đó Hàm Thuận Nam 6.952,8 ha; Hàm Thuận Bắc 2.427,1 ha; Bắc Bình 419,6 ha; Phan Thiết 32,0 ha; Hàm Tân 97,2 ha; La Gi 121 ha; Tuy Phong 72 ha).

- Cây điều: Diện tích toàn tỉnh năm 2022 đạt 18.326,1 ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước;chủ yếu giảm do diện tích điều già cho năng suất thấp, không hiệu quả nên người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác; năng suất đạt 8 tạ/ha, tăng 0,23 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 14.300 tấn, tăng283,1 tấn. Năng suất điều tăng do trong những năm gần đây một số địa phương triển khai trồng điều ghép nên năng suất thu hoạch ngày được cải thiện hơn; tuy nhiên phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các giống điều truyền thống, năng suất thấp, nhất là các huyện phía bắc chủ yếu trồng trên đất cát bạc màu nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

- Cây tiêu: Diện tích toàn tỉnh năm 2022 đạt 1.028,2 ha, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 13,7 tạ/ha, tăng 0,08 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 1.410 tấn, giảm 114,1 tấn. Do giá tiêu thấp trong thời gian dài nên người trồng tiêu chặt bỏ một số diện tích già; hiện nay, giá tiêu tăng trở lại nhưng chưa cao, trong khi chi phí sản xuất tăng, thường xuyên xuất hiện nhiều sâu bệnh không thuốc đặc trị (chết nhanh chết chậm), không có lãi, nhiều rủi ro nên người trồng ngại đầu tư.

- Cao su: Diện tích toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 45.000 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước;năng suất đạt 15,5 tạ/ha, tăng 0,08 tạ/ha; sản lượng cao su sơ bộ đạt 65.400 tấn, tăng 1.486,7 tấn.Trong năm 2022 thị trường xuất khẩu cao su chưa có dấu hiệu khả quan, sản phẩm thu hoạch chủ yếu tiêu thụ trong nước, dự tính trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh sẽ còn phát triển nhưng không cao.

- Cà phê: Diện tích toàn tỉnh năm 2022 đạt 2.255,5 ha, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân giảm do chuyển diện tích cà phê già kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác (như sầu riêng,...); cây cà phê trồng tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh; năng suất đạt 17,2 tạ/ha, tăng 0,05 tạ/ha; sản lượng sơ bộ đạt 3.880 tấn, giảm 27 tấn so với cùng kỳ năm trước.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích tăng so với cùng kỳ năm trước.

3. Tình hình dịch bệnh:

Trong năm không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng; dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát,tiếp tục duy trì công tác phòng chống bệnh trên các loại cây trồng.

Cây lúa: Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 940 ha, giảm 78 ha so với cùng kỳ năm trước; bệnh bạc lá (cháy bìa lá) 470 ha, giảm 287 ha; sâu đục thân (bông bạc) 340 ha, tăng 16 ha; chuột gây hại 280 ha; sâu đục thân 271 ha.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu diện tích nhiễm 328 ha; bệnh thối rễ tóp cành 880 ha; bệnh nám vàng cành 771 ha, tăng 317 ha so với cùng kỳ năm trước; ốc sên gây hại 761 ha, giảm 115 ha.

Cây điều: Bệnh thán thư diện tích nhiễm 186 ha, tăng 24 ha so với cùng kỳ năm trước. Các loài sâu bệnh hại trên những cây trồng khác xuất hiện và gây hại với mật độ không đáng kể.

4. Tình hình thủy lợi phục vụ sản xuất:

Trong năm diện tích được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện đạt 114.043 ha, đạt 98% so với kế hoạch. Trong đó cây lúa, hoa màu 93.648 ha, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 485 ha so với cùng kỳ nămtrước. Cây thanh long, cây ăn quả đạt 19.984 ha, đạt 95% kế hoạch, giảm 1.071 ha so với cùng kỳ năm trước.

Đỗ Thị Lý (st) - Nguồn Cục Thống kê Bình Thuận