Đang online: 9
Hôm nay: 506
Trong tuần: 830
Trong tháng: 7289
Tổng truy cập: 659325

HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ

Thứ Sáu 31/12/2021 18:16
887

HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ

 

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Xác định chuyển đổi số nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan, là trách nhiệm trong chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho dân, là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, làm tăng năng suất, hiệu quả các chương trình khuyến nông. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tích cực triển khai các chương trình khuyến nông ứng dụng công nghệ số. Trong đó một số chương trình bước đầu phát huy hiệu quả.

 

Nhật ký điện tử: Nhật ký sản xuất là một trong những yếu tố cần thiết để đáp ứng sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP, organic,…). Hiện nay tại Bình Thuận nông dân đã và đang triển khai truy xuất nguồn gốc thông qua nhật ký trên các thiết bị điện tử, thay thế phương pháp truy xuất ghi chép sổ sách truyền thống nhằm rút ngắn thời gian ghi chép, truy xuất và đảm bảo độ lưu trữ lâu dài, hạn chế tình trạng thất lạc thông tin. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty CP công nghệ Xelex triển khai phần mềm nhật ký điện tử đến các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất tại 03 huyện trồng thanh long trọng điểm:  Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Phần mềm bao gồm 12 biểu mẫu viết trên máy tính bảng đã giúp bà con rút ngắn thời gian, thuận tiện trong việc viết nhật ký, đáp ứng đầy đủ các thông tin cần truy xuất. Tiếp tục phát triển nhật ký điện tử trong những lĩnh vục khác, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông đã đăng ký triển khai mô hình ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trong khai thác, bảo quản hải sản trên tàu khai thác hải sản xa bờ.

Tập huấn cho nông dân ghi nhật ký điện tử

Cấp mã tem QR code: Cùng với việc áp dụng các quy trình sản xuất thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP), đăng ký mã số vùng trồng thì việc đáp ứng truy xuất ngồn gốc sản phẩm thông qua dán tem QR code đã giúp các HTX tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng và mở rộng xuất khẩu thanh long sang các thị trường khó tính như Châu Âu với giá tốt hơn, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ được 730.000 tem cho 4 HTX sản xuất thanh long (HTX thanh long Bắc Bình, HTX thanh long Bắc Bình Thuận, HTX thanh long Ruột đỏ Chí Công và HTX Thuận Tiến).

 

Các phần mềm quản trị vườn trồng: Một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chính xác đã áp dụng các phần mềm quản trị vườn trồng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Thương mại điện tử: Nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019-2025”, được sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) triển khai thí điểm nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử như: Đào tạo tập huấn, giúp các hợp tác xã thanh long Bình Thuận làm quen và tiếp cận hướng kinh doanh mới trên môi trường trực tuyến; giúp các HTX sản xuất nông nghiệp xây dựng, đăng ký những tên miền internet để xác lập việc quản lý, sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã giúp người sản xuất kết nối trực tiếp, đưa nông sản lên sàn giao dịch, chuyển trực tiếp tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian.

Kiểm tra máy cho tôm ăn tự động có gắn cảm biến

Chuyển đổi công nghệ số, tự động hóa nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng được quan tâm. Trong các trang trại nuôi tôm, người dân đã ứng dụng công nghệ xử lý nước tuần hoàn, công nghệ nuôi bán biofloc, công nghệ tự động hóa cho tôm ăn bằng máy có cảm biến được Trung tâm chuyển giao đang ứng dụng rộng rải. Toàn tỉnh có trên 50 máy cho tôm ăn tự động. Các mô hình đã giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi số cũng được ứng dụng mạnh mẽ với việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm; hệ thống định vị toàn cầu (GPS), điện thoại vệ tinh và số tàu có chiều dài trên 15m gắn thiết bị giám sát hành trình đạt 1.830 tàu/1898 tàu thuộc diện bắt buộc gắn thiết bị (đạt 96,4%) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ thuận lợi.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong ứng dụng công nghệ số, song quá trình triển khai chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của người dân còn hạn chế; đầu tư cho nông nghiệp thông minh và công nghệ cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn người dân không đủ điều kiện để đầu tư.

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản thực phẩm đang trở thành xu thế tất yếu. Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, ngư dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại./.

BBT

(Phạm Kim Thành)