Đang online: 14
Hôm nay: 22
Trong tuần: 1148
Trong tháng: 7607
Tổng truy cập: 659643

Cần hiểu biết đúng về thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Sáu 30/12/2022 11:39
359

Cần hiểu biết đúng về thuốc bảo vệ thực vật

Có thể nói, tại Bình Thuận đối tượng cây trồng sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV nhất vẫn là thanh long với hơn 30.000 ha; việc sử dụng thuốc BVTV như cơ quan chức năng khuyến cáo, ngoài ra bà con cần hiểu đúng về phân loại, phương thức hoạt động…

Phân loại thuốc BVTV và phương thức hoạt động

Thuốc BVTV được chia theo mục đích sử dụng. Có ba nhóm chính bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm mốc và một số loại khác như thuốc diệt nhuyễn thể, thuốc điều hòa sinh trưởng, thuốc diệt các loài gặm nhấm.

Thuốc trừ cỏ: Sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt cỏ dại và các loài cây không mong muốn. Thuốc BVTV hoạt động như là một chất ức chế trong quá trình tổng hợp amino acid, là những khối xây dựng cho thực vật sinh trưởng và phát triển. Một loại nữa là ức chế việc phân chia tế bào. Chúng phản ứng với tubulin, một loại protein cần thiết trong việc hình thành bộ khung tế bào trong các tế bào nhân thực và hình thành các vi ống. Thuốc BVTV cũng được sử dụng để ngăn chặn quá trình quang hợp trong cây bởi tạo ra các gốc tự do, làm tắc nghẽn sự vận chuyển các electron.

Thuốc trừ sâu: Là một loại chất được sử dụng để chốn côn trùng. Chúng bao gồm các thuốc diệt trứng và thuốc diệt ấu trùng để diệt trứng và ấu trùng của côn trùng. Các loại thuốc trừ sâu được sử dụng trong nông nghiệp, y tế, công nghiệp và gia đình. Việc sử dụng thuốc trừ sâu được cho là một trong các yếu tố chính dẫn tới sự gia tăng sản lượng nông nghiệp hiện nay. Gần như tất cả các loại thuốc trừ sâu đều có nguy cơ làm thay đổi lớn các hệ sinh thái; nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại với con người; và các loại khác tích tụ lại trong chuỗi thức ăn. 

Thuốc trừ sâu có thể được phân thành hai nhóm chính: thuốc trừ sâu ngấm từ rễ - có dư lượng và hiệu quả lâu dài, và thuốc trừ sâu tiếp xúc - không có dư lượng.

Ngoài ra có thể phân loại thuốc trừ sâu thành ba loại như sau: 1. Thuốc trừ sâu tự nhiên, chẳng hạn như chiết xuất nicotine, pyrethrum và neem được tạo ra bởi thực vật như là sự bảo vệ giúp chống lại sâu hại. 2. Thuốc trừ sâu vô cơ, chính là kim loại và 3. Thuốc trừ sâu hữu cơ, là các hợp chất hoá học hữu cơ, chủ yếu hoạt động khi tiếp xúc.

Có thể phân loại thuốc trừ sâu dựa trên phương thức hoạt động của chúng. Phương thức hoạt động mô tả cách thức thuốc trừ sâu vô hiệu hoá sâu hại, phương thức hoạt động cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định xem một loại thuốc trừ sâu có gây độc hại hay không tới các loài không liên quan chẳng hạn như cá, chim, hay động vật có vú.

Thuốc trừ sâu có thể là thuốc chống hoặc không chống côn trùng. Các côn trùng thông thường như kiến không thể phát hiện ra các loại thuốc diệt không có tính chống và dễ dàng bò qua chúng. Khi chúng trở về tổ, chúng mang theo thuốc diệt trên người và truyền qua cho các con khác và cả con đầu đàn. Biện pháp này lâu hơn các biện pháp khác nhưng lại loại bỏ hoàn toàn cả đàn.

Thuốc trừ sâu khác với thuốc chống côn trùng - các loại thuốc chỉ xua đuổi côn trùng chứ không diệt chúng.

Thuốc trừ nấm: Mục tiêu chính của thuốc diệt nấm là nhóm sulfurhydryl (-SH), là nhóm hoạt động của nhiều enzyme. Việc ức chế cũng có thể xảy ra bởi sự hình thành phức chất của hóa chất hoạt hóa với các enzyme chứa kim loại. Hơn nữa, chúng có thể ức chế sự tổng hợp ergosterol trong nấm mốc.

Ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với môi trường

Việc sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng trong ngành nông nghiệp đã làm cho môi trường nước, không khí và đất ngày càng ô nhiễm. Mặc dù một lượng lớn thuốc BVTV được sử dụng, khoảng 1% thuốc BVTV có thể ảnh hưởng đến mục tiêu, còn lại phát tán vào môi trường. Một vài thuốc BVTV gốc clo như dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT), hexachlorohexane (HCH), endosulfan rất ổn định trong môi trường. Chúng có thể tồn tại trong môi trường từ vài tháng đến vài năm. Các hợp chất này có thể tích tụ sinh học và đạt đến ngưỡng độc hại của chúng. Thật vậy, sử dụng liên tục thuốc trừ sâu sẽ làm mất sự đa dạng sinh học và hệ thống sinh thái.

Ảnh hưởng của thuốc BVTV lên sức khỏe con người

Con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV thông qua hoạt động nghề nghiệp, nông nghiệp, công việc nhà hoặc không trực tiếp thông qua thực phẩm. Da, miệng, mắt, thở là bốn con đường phổ biến mà thuốc BVTV có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Sự phơi nhiễm liên tục với thuốc trừ sâu đã dẫn đến với nhiều loại bệnh khác nhau trên con người bao gồm khả năng gây ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, khả năng sinh sản, trao đổi chất và phát triển của con người.

Tiếp xúc với da: Tiếp xúc với da là con đường hiệu quả và phổ biến khi con người tiếp xúc với thuốc BVTV. Nông dân phơi nhiễm với thuốc BVTV trong suốt quá trình chuẩn bị và phun dung dịch thuốc. Các phương pháp xử lý như trộn, lắc, phun, và vệ sinh dụng cụ phun thuốc làm hấp thụ thuốc BVTV trên da. Tính độc hại của thuốc đối với da còn phụ thuộc vào thời gian phơi nhiễm, cấu trúc và nơi cơ thể bị nhiễm. Sự hấp thụ của dung dịch thuốc trừ sâu chứa dung môi hay dầu trên da nhanh hơn dạng khô. Thêm nữa, lượng thuốc BVTV được hấp thụ phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể. Tay là phần dễ bị nhiễm thuốc BVTV nhất.

Tiếp xúc bằng miệng: Các bệnh, vết thương nguy hiểm, thậm chí là chết được gây ra bởi sự xâm nhập của thuốc BVTV vào cơ thể thông qua việc tiếp xúc bằng miệng. Việc sử dụng có mục đích và tình cờ bởi con người gây ra sự ngộ độc nguy hiểm. Ví dụ, các cá nhân hút thuốc hoặc ăn thực phẩm mà không rửa tay sau khi phun thuốc trừ sâu. Hơn nữa, thuốc BVTV có thể bị uống nhầm do chai đựng thuốc với nhãn hiệu sai sau khi chuyển thuốc sang một chai khác. Trong một vài trường hợp, con người bị ngộ độc bởi việc uống thuốc trừ sâu nhằm mục đích tự tử. Sau khi uống thuốc, thuốc xâm nhập vào cơ thể, đi đến đường tiêu hóa thông qua hệ thống ruột. Ngay lập tức, chúng phân tán trong toàn bộ cơ thể thông qua dòng máu và gây độc đến con người.

Tiếp xúc qua đường hô hấp: Hít phải thuốc trừ sâu bằng mũi, họng có thể gây ra những vấn đề nghiệm trọng đối với sức khỏe con người thông qua mô phổi. Sự hấp thụ nhanh hơi và các hạt nhỏ thuốc trừ sâu trong quá trình phun làm tăng việc phơi nhiễm thông qua đường hô hấp. Mức độ ngộ độc có thể được làm giảm bằng cách pha loãng dung dịch phun và phun ở áp suất thấp do tạo ra các giọt dung dịch lớn hơn. Ngược lại, thiết bị phun tạo ra áp suất cao, thể tích siêu nhỏ và hình thành hơi sương làm tăng mức độ ngộ độc do sự xâm nhập các hạt nhỏ vào cơ thể con người.

Tiếp xúc qua mắt: Thuốc BVTV sở hữu mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với mắt thông qua sự hấp thụ nhanh xuyên qua màng mắt. Mối nguy này phụ thuộc vào kích cỡ và khối lượng của các phân tử riêng lẻ. Khi người phun sử dụng thiết bị mạnh để phun, khuấy dung dịch thuốc trừ sâu, chúng có thể tung lên và gây nguy hại đối với mắt cũng như việc ngộ độc.

Một số nguyên tắc an toàn trong sử dụng thuốc BVTV

Để thuốc BVTV phát huy tối đa hiệu quả phòng trừ đối tượng gây hại thì nhà nông cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách.

* Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV còn phải chú ý đến các nguyên tắc về an toàn sử dụng thuốc như là:

a) Thuốc phải được cất giữ nơi cao có khóa cẩn thận xa tầm với của trẻ em.

b) Đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng. Chỉ dùng thuốc khi đã được đăng ký chính thức (ghi trên nhãn).

d) Mang dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc như khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ. Cần lưu ý đặc biệt cho thuốc xử lý hạt giống.

e) Cẩn thận khi pha thuốc để tránh thuốc tiếp xúc vào da, mắt, ...

g) Kiểm tra bình phun trước khi sử dụng. Nên rửa bình phun kỹ trước và sau khi sử dụng.

h) Không phun ngược chiều gió.

i) Không ăn, uống trong khi tiếp xúc với thuốc.

k) Tắm rửa sạch sau khi tiếp xúc với thuốc.

l) Thu gom bao bì đã qua sử dụng, không vứt bừa bãi, đặc biệt là ở nơi gần nguồn nước.

Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần thiết. Hoạt động thử nghiệm có vai trò rất quan trọng nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm; tăng cường quản lý, phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng tồn dư của thuốc BVTV, hóa chất trong thực phẩm.

Đỗ Lý