Đang online: 6
Hôm nay: 304
Trong tuần: 1556
Trong tháng: 6447
Tổng truy cập: 658483

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI BỆNH VÀNG, THỐI, CHẾT CÀNH GIÀ THANH LONG

Thứ Sáu 29/09/2017 15:39
209

Thực trạng

Bệnh vàng, thối, chết cành già (cành phía trong của trụ) đã xuất hiện vài năm trở lại đây. Tuy nhiên từ đầu mùa mưa năm 2017 đến nay, bệnh diễn biến ngày càng nặng, đặc biệt là đối với các vườn có độ tuổi từ 05 năm trở lên, vườn càng già, chăm sóc không đúng quy trình, bệnh càng nặng.

Hiện nay bệnh đã xuất hiện ở tất cả các vùng trồng thanh long của tỉnh ta, từ huyện Tuy Phong đến huyện Tánh Linh. Qua công tác dự tính dự báo, điều tra phát hiện có nhiều vườn bệnh nặng tại các địa phương: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

Biểu hiện của bệnh này là: Đầu tiên cành già (cành phía trong trụ, cành có độ tuổi từ 3 năm trở lên) xuất hiện vết vàng, có thể xuất hiện đầu chóp cành, có vườn xuất hiện giữa cành, có vườn xuất hiện đầu cành ở phần đầu trụ, sau đó bệnh lan nhanh từ trên xuống, từ dưới lên hoặc từ giữa cành lên và xuống, dẫn đến toàn cành bị vàng – thối – chết khô. Đây là bệnh khác với bệnh vàng và thối đầu trụ thanh long.

Những vườn bị nhẹ thì 1 trụ bị 2 – 3 cành, vườn bị trung bình thì từ 5 – 7 cành, vườn bị nặng trên 10 cành, có vườn hiện trong 1 trụ chỉ còn 2 – 3 thân chính, vì đã chết 1 – 2 thân chính.

      


Triệu chứng bệnh trên cành già phía trong của trụ thanh long


Tác hại của bệnh là làm giảm năng suất, sản lượng và chất lượng quả thanh long. Qua khảo sát thực tế vườn bị bệnh nặng (do số cành sống trên trụ, ít hơn trụ khoẻ mạnh, thì quả thanh long chín màu vàng ngà, chín trước so bình thường 5 – 7 ngày và tai quả chín vàng – chín cùng lúc với quả nên mẫu mã xấu không bán được, dẫn đến thất thu.

Diện tích nhiễm theo thống kê chưa đầy đủ đã gần 1.000 ha (mới sơ bộ là các xã Thuận Hoà, Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Hiệp, Hàm Đức, Mương Mán và Hàm Minh,…).

Những vườn bị nặng cho thấy: độ pH của đất rất thấp (pH < 4) bộ rễ bị hư, thối, chết. Mật độ tuyến trùng, nấm hại rễ rất cao. Đặc biệt là vườn chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng theo quy trình. Những vườn mà cỏ dại nhiều, độ ẩm cao, dễ bị ngập, úng, ứ nước mùa mưa thì bị càng nặng. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì bệnh có thể do nấm và vi khuẩn gây hại, đang lấy mẫu bệnh gửi phân tích nguyên nhân chính gây bệnh.

Mặt khác những cành mới xuất hiện vết vàng nhẹ, thì khi chẻ cành ra, cho thấy mạch dẫn ly be thứ cấp và mạch gỗ bị chuyển màu vàng, thậm chí màu nâu đen. Chính vì vậy mà không cung cấp đủ nước, đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến vàng, thối và chết cả cành.

Bệnh này cũng đang là nguy cơ làm giảm năng suất, sản lượng, chất lượng quả và đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, ngay từ bây giờ nếu chúng ta không có giải pháp quản lý thì nguy cơ mùa mưa năm 2018 sẽ gây thiệt hại lớn.

Giải pháp quản lý bệnh

+ Vệ sinh và tiêu huỷ sạch các cành già bị bệnh, kể cả cành có dấu hiệu bắt đầu bị nhiễm.

+ Phải phòng trừ được tuyến trùng hại rễ và tập đoàn nấm hại rễ. Vì những vườn bị nặng thường có mật số tuyến trùng và các loại nấm gây hại rễ, bằng các loại thuốc Stop 5 SL, Sincosin… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ Sau khi đã vệ sinh vườn sạch cành bệnh, phải phun thuốc ngay các loại thuốc có hiệu quả cao như: Norshield pha 50 gram cho 1 bình 16 lít hay Bordeaux pha 4 gói cho bình 16 lít. Phải phun kỹ phần thân chính và các cành ở phía trong trụ (không phun phủ trụ như cách bà con thường làm) và phải phun 2 – 3 lần, cứ 10 ngày phun 1 lần. Nếu bệnh vẫn còn xuất hiện rãi rác thì phải phun định kỳ hàng tháng.

+ Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục (tuyệt đối không bón phân hữu cơ tươi) hoặc là bón các loại phân hữu cơ khoáng, khoáng hữu cơ, hữu cơ sinh học để tăng khả năng chống chịu bệnh.

+ Bón các loại phân có lân cao và trung vi lượng cao để đảm bảo độ pH và phục hồi bộ rễ như: lân phosphorite, lân super tecmo, lân Maxi-P… Định kỳ 2,5 đến 3 tháng bón 1 lần, lượng bón theo khuyến cáo nhà sản xuất.

+ Những vườn bị nhiễm nặng phải tiến hành lấy được 2 lần chồi vào đầu và giữa mùa khô – để bổ sung lượng cành và né bệnh đốm nâu. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng không những cho năm nay mà cả các năm về sau.

+ Nên lưu ý, những vườn bị nặng đã có 1 – 2 thân chính bị chết và vẫn còn cành teo tóp, tuyệt đối không nên chong pha điện đầu mà phải phục hồi rồi mới chong điện.

Ngoài ra phải tiến hành tiêu thoát nước trong mùa mưa như hiện nay để phục hồi bộ rễ nhanh chóng.

                                                      Ks. Trần Minh Tân

                                                     Ths. Mai Thị Thuý Kiều

                                                     Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận