Đang online: 370
Hôm nay: 419
Trong tuần: 743
Trong tháng: 7202
Tổng truy cập: 659238

KỸ THUẬT CHĂM SÓC, PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI ĐIỀU NIÊN VỤ 2017 – 2018

Thứ Ba 28/11/2017 08:53
754

Trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa kéo dài, bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát triển mạnh trên cây điều, cây ra chồi kém và không đều, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng điều năm 2018. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn một số kỹ thuật cấp bách sau:

   1. Vệ sinh vườn điều:

          Tháng 11 – 12: Dọn vệ sinh vườn; phát quang bụi cỏ; gom cỏ rác, cành bị sâu bệnh, lá rụng đốt hun khói. Theo kinh nghiệm, việc hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi.

          Theo dõi sâu bệnh hại trên chồi, lá non để kịp thời phòng trừ.

          Vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch dọn vườn sạch sẽ cỏ, rác và làm bằng phẳng bề mặt để thu hoạch trái chín rụng xuống.

          2. Tỉa cành, tạo tán

          Điều ra hoa vào tháng 12 nên chú ý tỉa cành, tạo tán sớm, tỉa bớt những cành chồi nhỏ yếu trong tán, khó ra hoa hoặc ít ra hoa, chỉ để lại 2 – 3 chồi trên 1 cành. Cắt bỏ cành khô, cành bị bệnh.

          Trên những vườn điều lâu năm, giữa các cây có tán giao nhau, có thể tỉa đau bằng cách cắt toàn bộ hoặc một phần cành lớn để tán thông thoáng.

          Khi cắt tỉa cành nên cắt đúng vị trí cổ cành. Dùng dung dịch Boóc-đô 1:4:5 hay dầu nhớt thải quét lên mặt cắt để hạn chế mối mọt và sâu bệnh tấn công.


Dùng cưa máy cắt tỉa những cành lớn

          3. Chăm sóc giai đọan ra hoa, đậu quả

          Xử lý ra hoa tăng cường đậu quả: Khi cây ra hoa, đậu quả có thể phun một số chế phẩm để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế rụng quả non.

          4. Vườn điều già cỗi, bệnh nặng không thể phục hồi

          Cần cưa bỏ và trồng tái canh. Lưu ý: Sử dụng những giống điều ghép cao sản đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận như: PN1, AB29, AB05-08, ĐDH67-15, ĐDH102-293… Mật độ trồng khoảng 200 cây/ha (khoảng cách 8m x 6m) và sẽ tỉa thưa sau 8 – 10 năm khi cây giao tán. Thời vụ trồng theo từng vùng (từ tháng 6 đến tháng 10, có thể trồng trong mùa khô nếu chủ động nước tưới).

          5. Phòng trừ bọ xít muỗi

          Có 2 loài bọ xít muỗi gây hại: Loài bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phổ biến nhất; loài bị xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii) ít phổ biến hơn.

          Bọ xít muỗi non và trưởng thành đều gây hại các bộ phận non của cây điều như lá non, chồi non, hoa, quả và hạt non.




Bọ xít muỗi gây hại trên quả non

          Biện pháp canh tác:

          Không bón quá nhiều phân đạm, tăng kali và thời kì cây ra đọt non, chồi hoa và quả non.

          Làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán để vườn điều thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ thường xuyên của bọ xít muỗi. Thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan nguồn bệnh.

          Biện pháp sinh học:

          Thả các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen, kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng, trưởng thành bọ xít muỗi.

          Sử dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizum anisopli-ae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp. Phun trừ bọ xít muỗi khi tuổi còn nhỏ, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì trên phẩm.

          Biện pháp hóa học:

         Sử dụng các loại thuốc: Permecide 50EC, Peran 50EC, Tungcydan 60EC, Dragoannong 585EC, Wamtox 100EC, Tungrin 25EC, Sherbush 5EC, 10EC… Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

          Thời điểm phun hiệu quả:

          + Khi cây chuẩn bị ra lá non, ra hoa.

          + Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Những ngày trời âm u bọ xít muỗi hoạt động mạnh có thể phun sớm hơn. Nếu điều đang nở hoa không phun trước 9 giờ sáng để hoa điều thụ phấn.

          + Phun khi bọ xít muỗi tuổi 1 – 3 hiệu quả nhất.

          6. Phòng trừ bệnh thán thư:

          Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa kéo dài và thiếu ánh sáng. Nguồn bệnh phát tán nhờ nước và gió.

          Bệnh thường xuất hiện khi điều ra lá, có nụ hoa hoặc bắt đầu đậu quả. Các vết bệnh màu nâu xuất hiện trên chồi non, lá, cành hoa và quả.


Bệnh thán thư trên hoa và trái non

          - Khi phát hiện tỉ lệ bệnh ở mức độ nhẹ sử dụng thuốc BVTV: DuPontTM Kocide 46.1WG, Norshield 86.2WG, New Kasuran 16.6WP, Tungvil 5SC, 10SC…  Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

          - Thời điểm phun: Vào giai đọan cây điều ra chồi non, nụ hoa, quả non nếu gặp điều kiện ẩm độ cao, sương mù nhiều cần phun thuốc BVTV để phòng trừ bệnh. Không phun trước 9 giờ sáng để hoa điều thụ phấn.

          - Phương pháp phun: Phun ướt đều tán cây; nếu ẩm độ không khí cao và kéo dài có thể phun lần 2 (sau lần 1 từ 5 – 7 ngày).

          - Dùng dung dịch Boóc-đô 1:4:5 quét lên gốc cây.

Theo KNQG