Đang online: 20
Hôm nay: 496
Trong tuần: 820
Trong tháng: 7279
Tổng truy cập: 659315

QUY TRÌNH TẠM THỜI KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC CÂY TRÔM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thứ Tư 23/12/2015 15:55
568

Ngày 16 tháng 12 năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận ban hành Quyết định số 1427/QĐ-SNN về việc ban hành Quy trình tạm thời kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ban biên tập xin đăng tải nội dung quy trình này.

           I. Giới thiệu chung

          Cây trôm: tên khoa học: Sterculia Foetida L. là cây gỗ lớn, cao khoảng 15 – 20m, đường kính thân khoảng 50 – 60cm. Câh trôm mọc hoang trong rừng nhiệt đới, ở Việt Nam gặp nhiều trong rừng vùng khô hạn Nam Trung bộ thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa,...; đặc biệt khi tổn thương thân cây sẽ ra nhiều nhựa (gôm, mủ trôm); mủ trôm có giá trị cao dùng làm thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm…

          Cây trôm có khả năng chịu nắng, chịu nóng, chịu hạn rất cao trong điều kiện môi trường đất đồi trọc nghèo, thiếu mùn, thiếu dinh dưỡng và có nhiều sỏi đá; lượng mưa thấp, 600 – 700mm/năm, nhiệt độ đất và không khí cao có khi đến 40 – 450C với 6 – 7 tháng mùa khô. Cây trôm sinh trưởng tốt trên các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, ẩm, thoát nước tốt nhiệt độ trung bình năm từ 24 – 300C. Các loại đất có thành phần cơ giới nặng, thoát nước kém hay đất bí chặt, đất có độ đá lẫn hơn 40% ít thích hợp cho việc trồng trôm.

          II. Kỹ thuật ươm cây giống

          1. Chọn và xử lý hạt giống

          - Thu hái hạt giống từ những cây 10 – 15 tuổi, sinh trưởng tốt, thân cành cân đối.

          - Hạt sau khi thu hái cần xử lý gieo ngay, tránh làm rụng lớp lông bao quanh hạt. Ngâm hạt vào nước 2 sôi 3 lạnh trong 24 giờ, để ráo và ủ 2 – 3 ngày, hạt nảy mầm đem gieo vào bầu đất.

          - Sử dụng túi Polyetylen màu đen cỡ 13 x 18cm, có đục lỗ xung quanh, bầu đất gồm 60% đất cát pha + 30% đất sét + 10% phân hỗn hợp (gồm 90% phân chuồng hoai + 5% phân lân + 5% phân kali).

          - Khi gieo cắm nghiêng hạt 450 đầu nhọn hạt xuống dưới, độ sâu gieo hạt khoảng 1cm. Gieo xong tủ rơm rạ trên mặt bầu. Sau 3 – 4 ngày gieo hạt (đối với hạt nứt nanh), 6 – 7 ngày (đối với hạt qua xử lý), kiểm tra thấy bầu nào không có cây dùng hạt đã ủ nứt nanh dặm lại.

          2. Chăm sóc cây con

          a. Tưới nước cho cây con

          Sau khi gieo hạt, 10 ngày đầu tưới 02 lần/ngày; sau đó tưới 01 lần/ngày, phải luôn đủ nước để cây phát triển tốt.

          Trước khi đem cây đi trồng 15 – 20 ngày nên giảm lượng nước tưới để cây mau thành thục.

          b. Làm cỏ, đảo bầu

          - Tháng thứ nhất làm cỏ phá váng 2 lần (15 ngày 1 lần)

          - Tháng thứ 2 làm cỏ phá váng 1 lần

          - Trước khi xuất vườn 15 – 20 ngày tiến hành đảo bầu đồng thời loại bỏ các cây không đủ tiêu chuẩn. Nếu để lâu trong vườn thì mỗi tháng đảo 1 lần.

          c. Bón phân

          Sau mỗi đợt phá váng tiến hành bón phân.

          Tháng thứ nhất dùng 10-15g loại phân NPK 20-20-15/m2 hòa tan phân trong nước để tưới, tưới vào buổi chiều mát, sau khi tưới phân nên tưới lại nước

          Tháng thứ 2 – 3 bón rãi 10-20g/m2 loại phân NPK 20-20-15, ngưng bón phân trước 15 ngày trước khi đem cây đi trồng

          d. Phòng trừ sâu bệnh

          Cây trôm ít bị sâu bệnh, cần kiểm tra thường xuyên nếu phát hiện thấy sâu, bệnh hại cần xử lý ngay theo phương pháp 4 đúng.

          3. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

          - Tuổi cây:  3 – 4 tháng

          - Cây cao:   35 – 50cm. Đường kính cổ rễ: 3 – 3,5 mm

          - Cây sinh trưởng và phát triển cân đối, thẳng, không cụt ngọn, không sâu bệnh.

          III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trôm

          1. Thời vụ trồng

          Trồng tốt nhất vào đầu vụ mưa khi đất đủ độ ẩm.

          2. Chuẩn bị đất trồng

          Đất trồng rừng trôm phải có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, tỉ lệ đá lẫn thấp hơn 40%. Không trồng trôm vào nơi kém thoát nước, úng ngập.

          Sau khi phát xử lý thực bì, tiến hành đào hố theo qui cách 40 x 40 x 40 cm; bón lót khoảng 1 – 5 kg phân chuồng và 0,05 kg (50g) phân NPK 16.16.8 cho mỗi hố và trộn đều với lớp đất mặt trước khi trồng. Công tác đào hố, lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng 10 – 15 ngày.

          3. Mật độ trồng

          Tùy theo mục đích canh tác và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà bố trí mật độ trồng khác nhau:

          - Đất nghèo dinh dưỡng trồng mật độ 833 cây/ha: hàng 4m, cây cách cây 3m

          - Đất tốt trồng mật độ 500 cây/ha: hàng 5m, cây cách cây 4m

          4. Trồng cây

          Đào lỗ tại tâm hố, cắt bỏ vỏ túi bầu, đặt cây ngay ngắn giữa hố, lấp đất lại và giẫm nhẹ xung quanh gốc. Đối với các vùng có gió nhiều khi trồng cây nên dùng một cây tre nhỏ để chóng đỡ cho cây trôm mới trồng.

          - Không nên lấp đất đầy miệng hố mà cách miệng hố từ 3 – 5cm để cây trồng tận dụng lượng nước mưa và mùn.

          Sau khi trồng từ 7 – 10 ngày tiến hành kiểm tra, trồng dặm.

          5. Làm cỏ

          Đối với vườn trồng ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (1 – 4 năm sau khi trồng) tiến hành làm cỏ xung quanh gốc cây với đường kính 1 – 1,5m thường xuyên 3 – 4 lần/năm; giữa hai hàng cây phát dọn hoặc cày sâu 5 – 10cm.

          Đối với vườn trồng ở giai đoạn kinh doanh hàng năm tiến hành làm cỏ, phát dọn toàn vườn 2 lần vào thời gian đầu và cuối mùa mưa.

          6. Bón phân

Năm sau khi trồng

Loại và lượng phân/gốc/năm

Thời điểm bón

1

NPK: 0,05kg

Cuối mùa mưa

2

Phân hữu cơ: 5kg;

Phân NPK 20-20-15: 0,2kg

Đầu vụ mưa

Đầu và cuối vụ mưa

3

Phân hữu cơ: 10kg;

Phân NPK 20-20-15: 0,3kg

Đầu vụ mưa

Đầu và cuối vụ mưa

4

Phân hữu cơ: 15kg;

Phân NPK 20-20-15: 0,4kg

Đầu vụ mưa

Đầu và cuối vụ mưa

 

          Những năm sau tăng 10% lượng phân cho đến khi cây cho sản lượng ổn định.

          7. Tỉa cành, tạo tán

          Năm thứ 2 – 3 sau trồng cần tiến hành tỉa cành, tạo tán cho cây để cây tập trung nuôi thân chính.

          8. Phòng trừ sâu bệnh hại

          Cây trôm hay bị rầy trắng bám lá và hay bị sâu ăn lá non vào đầu mùa mưa, do đó cần thường xuyên kiểm tra vườn và phun thuốc phòng ngừa cho cây.

          III. Thu hoạch mủ trôm

          1. Thời gian thu hoạch

          Sau 4 – 5 năm trồng, cây cao 4 – 5m, đường kính bình quân từ 12 cm trở lên, có thể khai thác thu hoạch mủ. Cây trôm càng lâu năm cho mủ càng nhiều. Mủ khai thác quanh năm. Vào tháng 3 – 4 dương lịch, cây trôm rụng lá nên ngừng khai thác.

          2. Kỹ thuật khai thác

          Trên thân cây trôm cách gốc 50cm mở lỗ đến nơi cây phân cành. Khai thác bằng cách đục hoặc dùng máy khoan vào vỏ cây nhiều lỗ ở các vị trí khác nhau (mỗi lỗ kích thước khoảng 2 x 2cm); hàng dọc theo thân cây mỗi lỗ cách nhau 20 – 25cm, ngang theo chu vi thân cây mỗi hàng cách nhau 15cm và đục lỗ so le với hàng bên.

          Lỗ đục sâu vừa hết lớp vỏ, từ các lỗ đục tiết ra nhựa (mủ), quy trình lấy mủ quay vòng từ 2 – 3 ngày, thời gian hết lấy mủ từ 10 – 15 lần sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành trở lại.

          Sau khi lấy mủ cần phân loại ngay và sấy khô mủ trôm dưới ánh nắng gắt trong thời gian 1 – 2 ngày hoặc bằng lò sấy.

BBT