Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp ... là những phân ngành trong nông nghiệp, để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống cho con người. Mỗi phân ngành đều có tiềm năng riêng biệt và cũng có nhược điểm làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm, ảnh hưởng hay đe dọa đến đời sống con người. Trồng trọt làm cho đất đai bị xói mòn, sa mạc hóa. Thủy sản xâm lấn ô nhiễm môi trường nước. Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc nhai lại nói riêng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan ngày một nặng nề hơn.
Tọa đàm: giải pháp chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải
Đối với Bình Thuận, một tỉnh cực Nam trung bộ của miền duyên hải, có lượng mưa trung bình hằng năm thấp. Tổng đàn gia súc nhai lại ít: 184 nghìn con Bò, trên 8 nghìn con Trâu và khoảng 38 nghìn con Dê, Cừu. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi phải gắn liền với thị trường tiêu thụ đồng thời nâng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất và đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Phát triển chăn nuôi trang trại khép kín xanh (trung hòa Carbon), kiểm soát dịch bệnh, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa vật nuôi. Chú trọng phát triển chăn nuôi chủ lực phù hợp với tiềm năng cạnh tranh lợi thế so sánh. Hiện tại, chăn nuôi nông hộ manh múm, thiếu quy hoạch đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và xử lý chất thải trong chăn nuôi không hiệu quả. Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như: Methane (CH4), Dioxide Carbon (CO2), Oxit Nitrous (N2O), khí CO, hơi nước …
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi gia súc nhai lại, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông Bình Thuận tổ chức tọa đàm chủ đề: giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với đổi biến đổi khí hậu tại Bình Thuận. Thành phần tham dự tọa đàm: nông hộ chăn nuôi, Hợp tác xã chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, nhà quản lý tại cơ sở, nhà khoa học và tổ khuyến nông cộng đồng ….
Trong cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc (TTKNQG), Tiến sĩ Đoàn Đức Vũ (Phân viện chăn nuôi Nam bộ) đã khuyến khích các hướng chăn nuôi gia súc nhai lại giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thích ứng trong biến đổi khí hậu:
TS Đoàn Đức Vũ - Chăn nuôi đại gia súc chính xác giảm phát khí thải
TS Nguyễn Văn Bắc - Chăn nuôi hữu cơ đáp ứng phúc lợi động vật
- Chăn nuôi tuần hoàn khép kín, xanh, giảm phát khí thải và chất thải ra môi trường. Sản phẩm đầu ra khâu khác, ngành khác là nguyên liệu đầu vào cho khâu này, ngành này. Dùng phụ phế phẩm ngành trồng trọt, chế biến làm thức ăn cho ngành chăn nuôi và phụ phế phẩm, chất thải ngành chăn nuôi làm nguyên liệu phân bón cho ngành trồng trọt. Giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Trồng cây xanh trong khu vực chăn nuôi để trung hòa Carbon.
- Chăn nuôi chính xác, xử dụng công nghệ cảm biến theo dõi từng cá thể nuôi về nhu cầu dinh dưỡng, bệnh tật, năng suất … Để tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và giảm phát thải khí. Lựa chọn giống gia súc nhai lại có hệ suất chuyển đổi thức ăn cao. Luân canh cây trồng trên đồng cỏ giữa cây hoa thảo, cây họ đậu, cây chè khổng lồ. Quản lý đồng cỏ khoa học và xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học.
- Chăn nuôi hữu cơ đáp ứng phúc lợi động vật, khu vực chăn nuôi riêng biệt về ranh giới, con giống có nguồn gốc trong hệ thống chăn nuôi hữu cơ; thức ăn nước uống không có nguồn gốc từ động vật (trừ sữa, thủy sản). Cách quản lý sức khỏe gia súc nhai lại và dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh. Quản lý cơ sở chăn nuôi và môi trường chăn nuôi giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thích ứng. Có sân cho gia súc vận động và trồng cây xanh khu vực chăn nuôi để trung hòa Carbon.
Cho dù lựa chọn chăn nuôi theo hướng nào cũng phải đảm bảo từ các giải pháp đơn lẻ hoặc chương trình đồng bộ để giảm phát thải khí, tăng năng suất, đạt hiệu quả cao như:
+ Quản lý đồng cỏ và trồng cây thức ăn cho gia súc nhai lại
+ Di truyền giống và chọn lọc giống gia súc nhai lại trong quá trình sản xuất thật phù hợp với địa phương
+ Quản lý dinh dưỡng và quản lý đàn gia súc một cách khoa học
+ Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, giun quế…
Sau đó đại biểu tham quan mô hình: Nuôi vỗ béo bò tại thôn Liêm An, Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc với quy mô mô hình 60 con bò các giống bò lai: 3B, Zebu (Brahman, Sind), Charolais, Angus ... và thực hành ủ thức ăn yếm khí với công thức đơn giản (cỏ + cám + rỉ mật đường) hoặc xử dụng men vi sinh (cỏ + men vi sinh hoạt tính).
Ủ thức ăn yếm khí: cỏ + cám gạo + rỉ mật đường
Ủ thức ăn yếm khí: Cỏ + men vi sinh hoạt tính
Qua cuộc tọa đàm, nhận thức của các nông hộ chăn nuôi, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi… đã thay đổi tư duy. Muốn phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại bền vững, cần biện pháp kỹ thuật theo hướng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý đồng cỏ thức ăn và chất thải chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu không thực hiện sớm và tốt biện pháp kỹ thuật giảm phát thải góp phần làm biến đổi khí hậu và sẽ quay ngược lại ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi đại gia súc là xu hướng tất yếu để cung cấp đủ thực phẩm cho con người, khi dân số bùng nổ. Đồng thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững và hướng tới kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp./.
Khánh Vương