Đang online: 27
Hôm nay: 223
Trong tuần: 5471
Trong tháng: 133499
Tổng truy cập: 10300466

CANH TÁC SẦU RIÊNG BỀN VỮNG – KIẾN THỨC CẦN CHO NÔNG HỘ

Thứ Sáu 11/10/2024 10:41
51

Hiện tại, Sầu Riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của nhiều tỉnh.  Để đạt kết quả tốt, người canh tác Sầu Riêng trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả; chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác.

Ông Phạm Kim Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu tại buổi tập huấn

Kể từ khi có Nghị định thư về việc xuất khẩu Sầu Riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá bán loại quả này trên địa bàn các tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông hộ canh tác cây trồng này thu được lợi nhuận lớn.

Toàn cảnh lớp tập huấn trực tuyến

Giá Sầu Riêng tăng, thu được lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho nông hộ canh tác cũng như ngành hàng xuất khẩu Sầu Riêng. Với hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn, một số nông hộ đã và đang đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích trồng cây Sầu Riêng. Tuy nhiên, nếu điều này không được ngành chức năng quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, dư sản lượng Sầu Riêng xuất khẩu và thiệt hại dĩ nhiên là người canh tác gánh chịu hậu quả.

Ở khu vực đất đai (đất thịt, đất phù sa, đất Bazan, đất xám) giàu chất mùn, có độ pH từ 5,5 – 7,5 và độ dốc dưới 300, khí hậu phù hợp (nhiệt độ khi trổ hoa 20 – 220C, ẩm độ 50 – 60%), có nguồn nước đảm bảo giữ ẩm hợp lý vào mùa khô, cây Sầu Riêng mới phát triển và cho năng suất tốt. Mật độ trồng tối ưu của vùng chuyên canh 100 – 125 cây/Ha. Từ khi trồng mới đến lúc có thu hoạch quả, mất nhiều năm chăm bón (giống hữu tính: 5 năm, giống chiết ghép: 3 năm) và chi phí đầu tư trồng Sầu Riêng rất cao (từ 0,8 – 1 tỷ đồng/Ha) nên nông hộ cần có tiềm lực về vốn để canh tác. Đa phần, canh tác Sầu Riêng phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên nên vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho nông hộ canh tác cây trồng này.

Bình Thuận, các huyện giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân… đã và đang phát triển trồng cây Sầu Riêng trong nông hộ một cách tự phát (diện tích hiện có trên 3.000 Ha, trong đó diện tích cho thu hoạch quả 1.700 Ha).

Để phát triển bền vững cây Sầu Riêng, gia tăng thu nhập, giúp nông hộ làm giàu, một số vấn đề cần quan tâm như: tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống và thực hành nông nghiệp tốt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thu mua sơ chế Sầu Riêng phục vụ xuất khẩu. Song song với đó, để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, cần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ Sầu Riêng tập trung. Xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu Sầu Riêng hiệu quả trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Năm - Nông dân trồng sầu riêng được Thủ tướng tặng bằng khen tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước

Trước nhu cầu sản xuất thực tế, tránh những thiệt hại cho nông hộ canh tác Sầu riêng, Trung tâm khuyến nông mở lớp tập huấn canh tác Sầu Riêng bền vững trực tuyến cho: hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, nông hộ canh tác Sầu Riêng của các huyện: Đức Linh. Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Lộc - Chuyên gia Viện cây ăn quả miền Nam - cung cấp kiến thức về tình hình phát triển, tiêu thụ Sầu Riêng và khuyến cáo trong việc phát triển diện tích trồng mới. Vài lưu ý trong xử lý nấm bệnh, sâu hại cho cây Sầu Riêng. Phần không thể thiếu để đạt năng suất cao trong 3 giai đoạn của vườn Sầu Riêng kinh doanh: phục hồi cây sau thu hoạch, kỹ thuật làm hoa, chăm sóc quả Sầu Riêng để không bị sượng cơm, mất giá trị chất lượng quả.

Và Công ty TNHH Điền Trang cung cấp thông tin các sản phẩm phòng ngừa nấm Phytophthora palmivora, thán thư ... Cũng như các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học chuyên dụng trong canh tác Sầu Riêng đạt hiệu quả.

Khuyến cáo nông hộ không tự phát mở rộng diện tích cây Sầu Riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trong vùng sản xuất Sầu Riêng, tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật, nấm gây  nguy hại vườn cây như: nấm phytophthora palmivora (cây bị thối rễ, chảy nhựa thân, thối trái), thán thư, xoăn lá, Rầy xanh hai chấm, Rầy phấn trắng, Tuyến trùng... gây hại Sầu Riêng. Dùng Tricoderma nấm đối kháng,  Phosphonate, thuốc vi sinh…  phòng trị sớm để tránh gây thiệt hại cho vườn.Và đây cũng là những bước đệm cho hiệu lực Nghị định thư về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Sầu Riêng cấp đông xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Qua tập huấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, nông hộ canh tác Sầu Riêng tiếp thu kiến thức chắc chắn để thực hành nông nghiệp tốt trên ruộng vườn của chính mình. Mùa Sầu Riêng bội quả hứa hẹn sắp đến gần kề, để đời sống của nông hộ sung túc hơn sau vụ thu hoạch./.

                                                                                      Khánh Vương