Đang online: 17
Hôm nay: 509
Trong tuần: 1635
Trong tháng: 8094
Tổng truy cập: 660130

HIỆU QUẢ KHI DÙNG ĐÈN LED 400W THAY THẾ ĐÈN PHA 2000W TRONG NGHỀ PHA XÚC CÁ CƠM

Thứ Năm 29/12/2016 10:50
122

          Vừa qua, Công ty Bóng đèn Điện Quang phối hợp cùng Hội nghề cá, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo, đánh giá kết quả thử nghiệm sử dụng đèn LED 400W thay thế đèn pha 2000W trong nghề pha xúc.

          Hiện nay đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu ứng dụng đèn LED thay thế các loại đèn sợi đốt truyền thống trong nghề cá. Các đề tài được đánh giá có hiệu quả, thành công nhất định. Tuy nhiên, đa phần các đề tài nghiên cứu thử nghiệm chỉ sử dụng đèn LED trong việc thắp sáng, chong đèn dẫn dụ thu hút cá tập trung quanh nguồn sáng; trong khi pha xúc là một nghề khai thác thủy sản sử dụng ánh sáng rất lớn và mang tính đặc thù, vì trên tàu luôn phải sử dụng 2 hệ thống nguồn sáng, là hệ thống nguồn sáng dùng chong đèn thu hút dẫn dụ cá tập trung và nguồn sáng dùng cho pha rọi xúc vớt sản phẩm.

          Giải pháp thay thế đèn pha 2000W bằng đèn LED 400W trong nghề pha xúc, sau gần một năm nghiên cứu thực nghiệm, với rất nhiều lần thử nghiệm thay đổi thiết kế về mẫu mã, trọng lượng, tính kín nước, vật liệu cho phù hợp với môi trường làm việc trên biển và tính năng chiếu sáng đặc thù của nghề pha xúc khai thác cá cơm, đến nay mô hình sử dụng đèn LED 400W thay thế đèn pha 2000W trong nghề pha xúc được ngư dân rất hưởng ứng vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn và dễ sử dụng. Theo lão ngư Nguyễn Ngọc Đãi, người trực tiếp phối hợp thử nghiệm lắp đặt hệ thống đèn LED400W trên tàu BTh 99533 TS của mình cho biết: Quá trình thử nghiệm gặp rất nhiều trục trặc, không thể sử dụng đèn LED dùng trong sinh hoạt làm đèn cho hệ thống pha xúc được. Thầy Lê Hải Hưng (Trưởng phòng Thí nghiệm Vật lý và kỹ thuật ánh sáng - chủ nhiệm dự án) phải nghiên cứu thay đổi rất nhiều về mẫu mã, trọng lượng đèn, tính kín nước, vật liệu chịu được trong môi trường biển,…v.v. Các tính năng quang học của đèn như cường độ chiếu sáng, độ rọi trên mặt nước, độ chiếu sâu, hội tụ (gom) đều được điều chỉnh, đo tính khoa học thực nghiệm và đạt chỉ số cao hơn đèn sợi đốt 2000W.

Bảng thông số so sánh:

 

Thông số

Đèn sợi đốt

Đèn LED

1

Công suất (W)

2000

400

2

Dải điện áp hoạt động (V)

300 –> 0

150 –> 0

3

Màu sắc ánh sáng (K)

2500 (vàng)

300 – 6500 (vàng – trắng)

4

Độ rọi trên mặt nước (lx)

11.000

12.000

5

Độ chiếu sâu (m)

5

7

          Bình Thuận hiện nay có khoảng 160 tàu làm nghề pha xúc cá cơm, công suất phổ biến từ 100 – 200CV/tàu. Trên tàu pha xúc có hai hệ thống đèn: Một là hệ thống đèn chong lắp đặt cố định hai bên mạn tàu phục vụ cho sinh hoạt và thu hút dẫn dụ cá tập trung, công suất của hệ thống đèn này khoảng 15 – 20 kW. Hai là hệ thống đèn pha công suất 30kW (có tàu trang bị đến 40kW, 50kW) gồm 10 bóng đèn sợi đốt 2000W và 2 bóng 5000W. Khi cá đã tập trung số lượng lớn thì bật hệ thống đèn pha chiếu sáng đột ngột vào đàn cá. Với chùm tia hội tụ cực mạnh, đàn cá bị thu hút về phía nguồn sáng, khi đó giảm dần cường độ sáng của đèn, đàn cá bị “choáng” và nhao lên mặt nước thì dùng lưới xúc vớt sản phẩm. Kỹ thuật đặc biệt để ánh sáng của hệ đèn pha đạt cường độ cao nhất, thuyền trưởng (tài công) phải kéo ga lớn tăng điện áp của máy điện chừng 300 Vol để thắp sáng hệ đèn. Khi đó công suất thực tế của các bóng đèn tăng khoảng 30 – 40%. Đây cũng chính là nguyên nhân tiêu hao nhiên liệu và giảm nhanh tuổi thọ bóng đèn.  

          Đối với tàu sử dụng đèn LED, mà thực tế trên tàu mô hình BTh 99533TS, để có ánh sáng tương đương hệ thống đèn pha sợi đốt thì cần 12 bóng đèn LED 400W, công suất 4,8kW. Hội tụ (gom) chùm tia sáng đèn LED được điều chỉnh bằng hệ thống thấu kính và phản xạ gương. Kỹ thuật để ánh sáng của hệ thống đèn pha LED đạt cường độ cao nhất, rồi lu mờ dần (giảm cường độ sáng) được điều chỉnh bằng chiết áp núm xoay làm cho thao tác đơn giản, chính xác và tài công cũng không cần phải tăng ga máy cho đủ điện như khi dùng hệ thống đèn pha sợi đốt truyền thống. Hoạch toán sơ lược hiệu quả kinh tế mô hình cho thấy: Trong 1 giờ, mỗi kWh điện năng tiêu thụ 0,4 lít dầu diezel (giá 12.500đ/lít), hệ thống đèn pha hoạt động trung bình 2 giờ/đêm và tàu hoạt động 20 đêm/tháng. Chỉ tính riêng hệ thống đèn pha LED tiết kiệm được 25,2 kW (30kW – 4,8kW). Như vậy, trong một tháng tàu sẽ tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng tiền dầu (25,2 kW x 2giờ/đêm x 20đêm x 0,4lít/kWh x 12.500đ/lít).

          Ngoài lợi ích về mặt kinh tế tiết kiệm được dầu, đèn LED còn có tuổi thọ khá cao, khoảng 20.000 giờ thắp sáng (tương đương 7 – 10 năm đi biển của ngư dân), trong khi đèn sợi đốt tuổi thọ chỉ vài tháng trên biển, thậm chí có bóng đèn chỉ vài giờ. Ngoài ra, đèn LED còn có hiệu quả về mặt bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, bảo đảm sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là an toàn vì dùng điện áp thấp và không phát nóng.  

          Hiệu quả của ứng dụng đèn LED trong nghề cá đã khá rõ ràng, cái khó của ngư dân hiện nay là vốn đầu tư ban đầu của đèn LED còn quá cao (khoảng hơn 200 triệu đồng/tàu). Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển tàu cá hiện đại thì phải gắn với trang bị công nghệ đánh bắt hiện đại, có như vậy mới góp phần xây dựng một nghề đánh bắt thủy sản bền vững./.

Phạm Kim Thành