Đang online: 11
Hôm nay: 255
Trong tuần: 1966
Trong tháng: 8425
Tổng truy cập: 660461

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Dừa non
Xin Chào Trung Tâm Khuyến Nông.
Cho Em hỏi Dừa nhà em giờ đang cho trái nhưng từ khi ra trái non thì trái non bị khô luôn. Có buồng thì đậu nhưng tỉ lệ khô trái nôn nhiều chỉ đậu 2, 3 trái một quầy. Em có hái trái non tách ra xem thì thấy trên trái non có lỗ đục nhỏ. không biết là con gì làm hư trái non. Mong Trung Tâm chỉ em cách phòng ngừa để
không còn bị tình trạng như trên. Em có chụp hình như trên thư này không có chỗ nào ddauw ảnh lên. Xin cảm ơn!
Trả lời

Chào bạn: Nguyễn Đức Bình bạn hỏi về dừa nhà bạn bị rụng trái non xin trả lời bạn như sau;

Rụng trái non là một hiện tượng thường gặp trên dừa. Trái non khoảng 2 – 3 tháng tuổi bị rụng, tỉ lệ rụng 30 – 50% số hoa cái có trên bông mo.

Các cây mới bắt đầu cho trái thường bị rụng trái non rất nhiều, trái thường bị rụng ở phần tiếp giáp lá bao với đầu trái.

* Nguyên nhân:

- Nếu trái rụng trong suốt mùa khô hay sau một vài cơn mưa đầu mùa có thể do đất bị thiếu nước trong mùa khô. Những vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trong mùa khô làm bốc phèn, mặn ảnh hưởng đến bộ rễ.

- Nếu trái rụng vào lúc mưa dầm kéo dài nhiều ngày kèm theo có hiện tượng nứt đít trái có thể do đất thoát nước chưa tốt .

- Đất thiếu dinh dưỡng, nhất là thiếu kali hoặc bón quá nhiều phân đạm cũng làm trái bị rụng.

- Rụng do nấm bệnh: Quan sát trái rụng thấy lá đài và mầu dừa có màu đen, thối mềm.

- Rụng do vi khuẩn: Quan sát trên mầu trái dừa có mủ, phần nhiều các lá đài vẫn còn xanh.

- Rụng do sâu: Do các loại sâu tấn công bông, trái non, bọ xít, bọ vòi voi…

Ngoài ra, mức độ rụng trái còn do yếu tố di truyền.

( do không có hình ảnh cho nên theo mô tả của bạn thì vườn dừa nhà bạn bị rụng do nguyên nhân bị bọ vòi voi gây hại kết hợp với nấm bệnh xâm nhập qua vết thương)

* Biện pháp khắc phục:

- Thực hiện tốt công tác chọn giống.

- Vệ sinh vườn dừa tạo sự thông thoáng.

- Cung cấp nước trong mùa khô, thoát nước tốt trong mùa mưa lũ.

- Đất bị nhiễm phèn, mặn nên bón bổ sung vôi, phân hữu cơ đã ủ hoai mục.

- Bón phân cân đối đầy đủ dinh dưỡng như hướng dẫn.

- Đối với tác nhân do nấm, để phòng trị, có thể dùng các loại thuốc Score, Ridomil, Eddy… Do vi khuẩn dùng Starner, Kasuran phun trên tất cả bẹ lá và buồng trái.

- Rụng do sâu thì dùng các loại thuốc trừ sâu như: Abamectin, Karate ,… (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì), nên phun vào lúc chiều tối để hạn chế gây hại cho ong mật, kiến vàng.

Bọ vòi voi

Nhận dạng: Bọ vòi voi trưởng thành là côn trùng có bộ cánh cứng màu nâu đen. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm, có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh, hoạt động mạnh lúc chiều tối.

* Cách gây hạiChúng đẻ trứng trên vỏ trái dừa non, nhất là chung quanh cuống hoặc trong các vết thương ở vỏ trái. Trứng nở ra ấu trùng màu vàng lợt, sâu non đục phá vào trong vỏ trái thành lỗ, hang. Từ đó, mủ chảy ra có màu trong suốt chuyển dần sang màu vàng, nâu và khô cứng, làm rụng trái non hoặc để lại nhiều sẹo, trái dừa bị giảm giá trị Nếu bọ tấn công nặng, có thể dừa bị rụng cả quày.

* Cách phòng trừ.

- Vệ sinh vườn dừa thường xuyên. Phát hiện những trái bị nhiễm nên tiêu hủy để hạn chế phát tán lây lan.

- Sử dụng các loại thuốc hoạt chất Chlorpyrifos ( Lorsban, Mapy,…), Fipronil( Regent, Vi-Rigent,…) để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa.

Khi xử lý thuốc trừ sâu, bệnh nên kết hợp với chế phẩm tăng đậu trái.

                                Chúc bạn thành công./.