Đang online: 20
Hôm nay: 215
Trong tuần: 5463
Trong tháng: 133491
Tổng truy cập: 10300458
  • Diễn Tập Phòng Cháy Chữa Cháy tại Trung Tâm Khuyến Nông Bình Thuận
    Diễn Tập Phòng Cháy Chữa Cháy tại Trung Tâm Khuyến Nông Bình Thuận
    14/10/2024 16:37
    Sáng ngày 11 tháng 10 năm 2024, tại Trung Tâm Khuyến Nông Bình Thuận đã diễn ra buổi thực tập phương án phòng cháy chữa cháy theo Kế hoạch số 57/KH-TTKN. Đây là hoạt động thường niên nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có hỏa hoạn xảy ra, đồng thời rèn luyện khả năng ứng phó khẩn cấp. Buổi diễn tập được tổ chức nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên của trung tâm và nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ trong công việc hàng ngày. Ngoài ra, buổi thực tập còn giúp kiểm tra trang thiết bị chữa cháy, đồng thời rèn luyện kỹ năng sơ tán khẩn cấp và phối hợp cứu hộ. Các cán bộ, viên chức đã được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng xử lý khi phát hiện có cháy, và cách thoát hiểm an toàn. Buổi diễn tập đã mô phỏng tình huống cháy giả định trong khuôn viên trung tâm, với sự tham gia của lực lượng cứu hỏa tại chỗ. Người tham gia được hướng dẫn cách xử lý khi gặp sự cố, từ khâu báo động, sử dụng thiết bị chữa cháy, cho đến sơ tán an toàn ra khỏi tòa nhà. Thông qua buổi diễn tập này cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của Trung Tâm Khuyến Nông Bình Thuận trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ. Qua đây, lãnh đạo trung tâm nhấn mạnh rằng phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm tất cả các thành viên của trung tâm. Buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Trung Tâm Khuyến Nông Bình Thuận đã diễn ra thành công tốt đẹp, đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, viên chức trung tâm. Tất cả các thành viên tham gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong diễn tập. Các kỹ năng về sử dụng bình chữa cháy, thoát hiểm, và xử lý tình huống đều được thực hành và cải thiện đáng kể. Đây là một hoạt động quan trọng trong công tác bảo vệ an toàn tại nơi làm việc, đặc biệt là trong bối cảnh những nguy cơ cháy nổ ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ giúp nâng cao tinh thần cảnh giác mà còn tạo nền tảng cho việc bảo đảm an toàn nếu có sự cố xảy ra. Thủy Tiên
  • CANH TÁC SẦU RIÊNG BỀN VỮNG – KIẾN THỨC CẦN CHO NÔNG HỘ
    CANH TÁC SẦU RIÊNG BỀN VỮNG – KIẾN THỨC CẦN CHO NÔNG HỘ
    11/10/2024 10:41
    Hiện tại, Sầu Riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của nhiều tỉnh. Để đạt kết quả tốt, người canh tác Sầu Riêng trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác. Ông Phạm Kim Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu tại buổi tập huấn Kể từ khi có Nghị định thư về việc xuất khẩu Sầu Riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá bán loại quả này trên địa bàn các tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông hộ canh tác cây trồng này thu được lợi nhuận lớn. Toàn cảnh lớp tập huấn trực tuyến Giá Sầu Riêng tăng, thu được lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho nông hộ canh tác cũng như ngành hàng xuất khẩu Sầu Riêng. Với hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn, một số nông hộ đã và đang đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích trồng cây Sầu Riêng. Tuy nhiên, nếu điều này không được ngành chức năng quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, dư sản lượng Sầu Riêng xuất khẩu và thiệt hại dĩ nhiên là người canh tác gánh chịu hậu quả. Ở khu vực đất đai (đất thịt, đất phù sa, đất Bazan, đất xám) giàu chất mùn, có độ pH từ 5,5 – 7,5 và độ dốc dưới 300, khí hậu phù hợp (nhiệt độ khi trổ hoa 20 – 220C, ẩm độ 50 – 60%), có nguồn nước đảm bảo giữ ẩm hợp lý vào mùa khô, cây Sầu Riêng mới phát triển và cho năng suất tốt. Mật độ trồng tối ưu của vùng chuyên canh 100 – 125 cây/Ha. Từ khi trồng mới đến lúc có thu hoạch quả, mất nhiều năm chăm bón (giống hữu tính: 5 năm, giống chiết ghép: 3 năm) và chi phí đầu tư trồng Sầu Riêng rất cao (từ 0,8 – 1 tỷ đồng/Ha) nên nông hộ cần có tiềm lực về vốn để canh tác. Đa phần, canh tác Sầu Riêng phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên nên vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho nông hộ canh tác cây trồng này. Bình Thuận, các huyện giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân… đã và đang phát triển trồng cây Sầu Riêng trong nông hộ một cách tự phát (diện tích hiện có trên 3.000 Ha, trong đó diện tích cho thu hoạch quả 1.700 Ha). Để phát triển bền vững cây Sầu Riêng, gia tăng thu nhập, giúp nông hộ làm giàu, một số vấn đề cần quan tâm như: tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống và thực hành nông nghiệp tốt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thu mua sơ chế Sầu Riêng phục vụ xuất khẩu. Song song với đó, để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, cần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ Sầu Riêng tập trung. Xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu Sầu Riêng hiệu quả trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Năm - Nông dân trồng sầu riêng được Thủ tướng tặng bằng khen tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước Trước nhu cầu sản xuất thực tế, tránh những thiệt hại cho nông hộ canh tác Sầu riêng, Trung tâm khuyến nông mở lớp tập huấn canh tác Sầu Riêng bền vững trực tuyến cho: hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, nông hộ canh tác Sầu Riêng của các huyện: Đức Linh. Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Lộc - Chuyên gia Viện cây ăn quả miền Nam - cung cấp kiến thức về tình hình phát triển, tiêu thụ Sầu Riêng và khuyến cáo trong việc phát triển diện tích trồng mới. Vài lưu ý trong xử lý nấm bệnh, sâu hại cho cây Sầu Riêng. Phần không thể thiếu để đạt năng suất cao trong 3 giai đoạn của vườn Sầu Riêng kinh doanh: phục hồi cây sau thu hoạch, kỹ thuật làm hoa, chăm sóc quả Sầu Riêng để không bị sượng cơm, mất giá trị chất lượng quả. Và Công ty TNHH Điền Trang cung cấp thông tin các sản phẩm phòng ngừa nấm Phytophthora palmivora, thán thư ... Cũng như các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học chuyên dụng trong canh tác Sầu Riêng đạt hiệu quả. Khuyến cáo nông hộ không tự phát mở rộng diện tích cây Sầu Riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trong vùng sản xuất Sầu Riêng, tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật, nấm gây nguy hại vườn cây như: nấm phytophthora palmivora (cây bị thối rễ, chảy nhựa thân, thối trái), thán thư, xoăn lá, Rầy xanh hai chấm, Rầy phấn trắng, Tuyến trùng... gây hại Sầu Riêng. Dùng Tricoderma nấm đối kháng, Phosphonate, thuốc vi sinh… phòng trị sớm để tránh gây thiệt hại cho vườn.Và đây cũng là những bước đệm cho hiệu lực Nghị định thư về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Sầu Riêng cấp đông xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua tập huấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, nông hộ canh tác Sầu Riêng tiếp thu kiến thức chắc chắn để thực hành nông nghiệp tốt trên ruộng vườn của chính mình. Mùa Sầu Riêng bội quả hứa hẹn sắp đến gần kề, để đời sống của nông hộ sung túc hơn sau vụ thu hoạch./. Khánh Vương
  • Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
    Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
    10/10/2024 10:52
    Sở Nông nghiệp và PTNT nhận được Công văn số 1734/STTTTBCVT&CNTT ngày 02/10/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc thông tin, tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. 1. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, với các nội dung chủ yếu sau: - Chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. - Mục đích: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. - Ý nghĩa: Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. - Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia: Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 phát động và tổ chức chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia: ngày 10 tháng 10 năm 2024 tìm kiếm và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. 2. Thực hiện gắn banner nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Cổng/Trang thông tin điện tử tỉnh trên các bảng điện tử, màn hình công cộng thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương (thực hiện cao điểm từ ngày 02/10/2024 đến ngày 15/10/2024). 3. Phổ biến, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị và địa phương hưởng ứng trên không gian mạng bằng cách thay ảnh đại diện có kèm khung hình nhận diện (avatar frame) Ngày Chuyển đổi số quốc gia từ ngày 02/10/2024 đến hết ngày 10/10/2024. Tài liệu kèm theo: Quét mã QR lấy thông tin tuyên truyền Quét mã QR lấy Bộ nhận diện Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các phòng chuyên môn Sở, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện./.
  • Thư mời tham dự Triển lãm VIETSTOCK & AQUACULTURE VIETNAM 2024
    Thư mời tham dự Triển lãm VIETSTOCK & AQUACULTURE VIETNAM 2024
    30/09/2024 15:56
    Căn cứ công văn số 995/CN-KHCNMT&HTQT ngày 10/9/2024 của Cục Chăn nuôi V/v mời triển lãm VIETSTOCK 2024 với chủ đề “Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn & cuộc sống tốt đẹp hơn”. Trung tâm khuyến nông trân trọng thông báo đến Phòng Nông nghiệp các huyện, Phòng Kinh tế thành phố/thị xã, Trung tâm Kỹ thuật &DVNN các huyện/Thành phố/Thị xã đăng ký với Ban tổ chức triển lãm vietstock 2024 để đưa các nông hộ/trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản …. tham dự. Triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động bổ ích, cung cấp kiến thức chuyên môn cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi, thủy sản chương trình kết nối doanh nghiệp dành cho đơn vị trưng bày và khách mua hàng giao thương tại triển lãm. Thời gian diễn ra: từ ngày 09 – 11 tháng 10 năm 2024. Địa điểm: Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) – số 799, Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Ban tổ chức Triển lãm có chương trình hỗ trợ xe đưa đón và hỗ trợ ăn trưa tại triển lãm cho những đoàn khách đăng ký sớm, từ 29 người trở lên đến từ các huyện/thành phố/thị xã của tỉnh Bình Thuận. Riêng huyện Phú Quý: chi phí đi lại, ăn nghỉ, lưu trú từ huyện đảo Phú Quý đến thành phố Phan Thiết và ngược lại do đơn vị ở huyện tổ chức đi chi trả. Mọi chi tiết liên hệ với Trung tâm khuyến nông Bình Thuận để được hướng dẫn, tổ chức tham dự (Anh Cường, số điện thoại 0837 180 311). (Hoặc Ban tổ chức triển lãm VIETSTOCK 2024 theo số phone: 0988107703, email: sophie.nguyen@informa.com (bà Nguyễn Phương Thảo), hoặc số: 0977427200, email: huonggiangthuycam@gmail.com (bà Tạ Thị Hương Giang) và cập nhật thông tin trên website https://www.vietstock.org). Trung tâm Khuyến nông đề nghị các đơn vị hợp tác triển khai trên địa bàn./. Xem văn bản chi tiết tại đây: 1. Công văn số 995/CN-KHCNMT&HTQT ngày 10/9/2024 của Cục Chăn nuôi V/v mời triển lãm VIETSTOCK 2024. 2. Thư mời tham quan Triển lãm. 3. Chương trình Triển lãm.
  • TẬP HUẤN CANH TÁC LÚA GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
    TẬP HUẤN CANH TÁC LÚA GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
    19/09/2024 15:21
    Bình Thuận có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 356.829 ha, với các cây trồng chính: lúa (42 nghìn ha), Thanh Long (25 nghìn ha), Cao su (40 nghìn ha), Điều (17 nghìn ha) và diện tích còn lại là các cây trồng khác như: Sầu Riêng, Xoài, Chuối, Mít …. Cùng với 79 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ với tổng năng lực tưới thiết kế khoảng 73 nghìn ha cho việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Là một tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, trong các tỉnh ở duyên hải cực Nam Trung bộ. Và nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm) được sử dụng hằng ngày là lúa gạo nhưng canh tác lúa là một trong những nguyên nhân gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, canh tác lúa theo hướng hữu cơ bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa là hướng đi mới trong nông nghiệp. Vừa giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường sinh thái đồng thời cũng tạo điều kiện tham gia thị trường tín chỉ Carbon trong tương lai. Lãnh đạo TTKN điều hành tập huấn Trước đây, canh tác lúa theo hướng tăng năng suất, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chôn vùi rơm rạ trong đồng ruộng hoặc đốt đồng … làm tăng phát thải khí: Methane (CH4), Dioxide Carbon (CO2), Oxide Nitrous (N2O), Monoxide Carbon (CO), hơi nước … gây hiệu ứng nhà kính. Cơ giới hóa đồng ruộng: sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV Canh tác lúa hữu cơ bền vững, phải đảm bảo đúng quy trình với các tiêu chí “1 phải, 5 giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống gieo, giảm phân bón vô cơ, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Để tăng thêm lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác cây lúa, phải giảm được chi phí sản xuất một cách hợp lý. Phải giảm lượng giống gieo theo từng loại chân đất của từng cánh đồng ở địa phương một cách hợp lý, đồng thời giảm lượng vật tư nông nghiệp tương ứng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa một phần đồng ruộng cùng xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nông nghiệp. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và năng lượng tái tạo. Bắt buộc giảm lượng nước tưới (tưới ướt khô xen kẽ khoa học) và thu rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Vì đây là những giai đoạn góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất và có thể tạo ra nhiều tín chỉ Carbon nhất. Trong tháng 7/2024, nông hộ, hợp tác xã canh tác lúa, tổ khuyến nông cộng đồng tại Bình Thuận đã được trang bị kiến thức: giai đoạn làm đòng, nuôi đòng và trổ của cây lúa trong quy trình sản xuất lúa bền vững. Ngày 19/9/2024 nông hộ hợp tác canh tác lúa và tổ khuyến nông cộng đồng tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm (Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong) của Bình Thuận được cung cấp kiến thức: giai đoạn đẻ chồi, nuôi chồi hữu hiệu và phòng trừ ngộ độc hữu cơ cho cây lúa do GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông học – Trường đại học Cần Thơ, diễn giải: Cho cây lúa nảy chồi hữu hiệu sau 2 tuần kể từ ngày gieo sạ. Quản lý chồi hữu hiệu thật tốt để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng trong ruộng lúa. Đồng ruộng ngộ độc do: độ pH thấp (chua), chất hữu cơ rơm rạ bị chôn vùi, mặn xâm nhập. Muốn phòng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa: ngăn chặn các nguyên nhân làm sản sinh ra chất độc như ủ rơm rạ bằng Trichoderma hoặc vi khuẩn yếm khí. Né tránh thời gian gieo sạ khi đất có chất hữu cơ rơm rạ bị chôn vùi sản sinh ra độc tố. Rút nước ở ruộng cho khô và bón thêm vôi để xử lý đồng thời tăng cường sức khỏe cho cây lúa. Giảm lượng giống gieo: gieo sạ cụm bằng cơ giới tại xã Sùng Nhơn - Đức Linh Giảm phân bón vô cơ: bón phân chuồng trước khi làm đất gieo sạ tại xã Hồng Sơn - Hàm Thuận Bắc Qua những đợt tập huấn, sẽ cung cấp cho nông hộ, hợp tác xã canh tác lúa và tổ khuyến nông cộng đồng trong tỉnh nắm vững kiến thức từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, để thực hành tốt quy trình canh tác lúa hữu cơ bền vững trên những thửa ruộng của chính mình để thu được lợi nhuận cao hơn sau mỗi vụ thu hoạch. Mùa vụ bội thu làm tiền đề cho đời sống nông hộ sung túc hơn nhờ chuỗi giá trị gia tăng của lúa gạo./. Khánh Vương
  • HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
    HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
    07/09/2024 10:52
    Lãnh đạo Trung Tâm Khuyến Nông điều hành họp giao ban khuyến nông Nhằm đánh giá lại công tác khuyến nông 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm khuyến nông đã tổ chức cuộc họp vào chiều ngày 30/8 tại huyện Hàm Thuận Bắc. Tham dự có Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp HTB, Lãnh đạo Hội Nông dân HTB Lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên toàn tỉnh các hợp tác xã thanh long các doanh nghiệp như: Công ty Đại nông cơ giới, Công ty Bio Nhật, Công ty cổ phần quốc tế Hải Dương, Công ty Cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận … và chính quyền xã Thuận Hòa. Cuộc họp đã đánh giá công việc khuyến nông đáp ứng mục tiêu đề ra trên địa bàn tỉnh về trồng trọt (gieo sạ cụm bằng cơ giới, sản xuất lúa bền vững, lúa chất lượng cao, cây ăn quả an toàn …), chăn nuôi (chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững giảm phát thải trồng cỏ - ủ chua thức ăn, ), thủy sản (hội thảo khoa học giao quyền đồng quản lý vùng biển cho cộng đồng ngư dân, nhật ký điện tử hành trình khai thác nguồn lợi thủy sản, lồng nuôi HDPE ..), cấp mới và tái cấp giấy chứng nhận thanh long VietGAP, tập huấn chuyển đổi số - ghi nhật ký minh bạch hóa sản xuất, nâng cao năng lực khuyến nông cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, tư vấn khuyến nông cho vùng đồng bào dân tộc, số hóa trong đào tạo tập huấn cho người sản xuất … Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc phát biểu trong giao ban khuyến nông Trung tâm KT&DVNN Hàm Tân trao đổi ý kiến Ngoài những kết quả trên, công tác khuyến nông còn nhiều trở ngại, trong đó phải nói đến lộ trình thuyết phục giảm lượng giống lúa gieo, cơ giới hóa đồng ruộng, ghi nhật ký sản xuất bằng điện tử, chuyển đổi số trong các khâu sản xuất, kinh phí đối ứng khi tham gia mô hình khuyến nông, tái cấp chứng nhận VietGAP, xây dựng và phát triển tổ khuyến nông cộng đồng hiệu quả … Tất cả những khó khăn, trở ngại đó đã được Trung tâm khuyến nông gợi mở, cùng phòng nông nghiệp, chính quyền cơ sở, các Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố các hợp tác xã, các công ty doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nông nghiệp cùng trao đổi, phân tích các tồn tại, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành công tác khuyến nông trong 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời cùng nhau chia sẻ gợi mở cách làm khuyến nông hay, xây dựng kế hoạch mô hình khuyến nông thời gian sắp tới. Thảo luận các mô hình đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất của nông hộ, sử dụng tốt nhất nguồn ngân sách hữu hạn, tối ưu hóa các mục tiêu lợi ích mô hình đúng định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp từng huyện, thành phố và xã hội hóa nguồn vốn khuyến nông trên địa bàn để hiện thực hóa chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Trang trại Eden Fram giao ban khuyến nông Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ giao ban khuyến nông Qua cuộc giao ban khuyến nông, ghi nhận các kiến nghị trao đổi của các địa phương làm tiền đề định hướng công tác khuyến nông phù hợp, khoa học đáp ứng sự phát triển của sản xuất và hiệu quả tối ưu khi bố trí mô hình cũng như dân vận khuyến nông thời gian đến./. Khánh Vương
  • GIẢI PHÁP KỸ THUẬT PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC
    GIẢI PHÁP KỸ THUẬT PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC
    07/09/2024 10:06
    Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp ... là những phân ngành trong nông nghiệp, để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống cho con người. Mỗi phân ngành đều có tiềm năng riêng biệt và cũng có nhược điểm làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm, ảnh hưởng hay đe dọa đến đời sống con người. Trồng trọt làm cho đất đai bị xói mòn, sa mạc hóa. Thủy sản xâm lấn ô nhiễm môi trường nước. Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc nhai lại nói riêng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan ngày một nặng nề hơn. Tọa đàm: giải pháp chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải Đối với Bình Thuận, một tỉnh cực Nam trung bộ của miền duyên hải, có lượng mưa trung bình hằng năm thấp. Tổng đàn gia súc nhai lại ít: 184 nghìn con Bò, trên 8 nghìn con Trâu và khoảng 38 nghìn con Dê, Cừu. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi phải gắn liền với thị trường tiêu thụ đồng thời nâng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất và đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Phát triển chăn nuôi trang trại khép kín xanh (trung hòa Carbon), kiểm soát dịch bệnh, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa vật nuôi. Chú trọng phát triển chăn nuôi chủ lực phù hợp với tiềm năng cạnh tranh lợi thế so sánh. Hiện tại, chăn nuôi nông hộ manh múm, thiếu quy hoạch đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và xử lý chất thải trong chăn nuôi không hiệu quả. Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như: Methane (CH4), Dioxide Carbon (CO2), Oxit Nitrous (N2O), khí CO, hơi nước … Toàn cảnh buổi tọa đàm Để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi gia súc nhai lại, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông Bình Thuận tổ chức tọa đàm chủ đề: giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với đổi biến đổi khí hậu tại Bình Thuận. Thành phần tham dự tọa đàm: nông hộ chăn nuôi, Hợp tác xã chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, nhà quản lý tại cơ sở, nhà khoa học và tổ khuyến nông cộng đồng …. Trong cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc (TTKNQG), Tiến sĩ Đoàn Đức Vũ (Phân viện chăn nuôi Nam bộ) đã khuyến khích các hướng chăn nuôi gia súc nhai lại giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thích ứng trong biến đổi khí hậu: TS Đoàn Đức Vũ - Chăn nuôi đại gia súc chính xác giảm phát khí thải TS Nguyễn Văn Bắc - Chăn nuôi hữu cơ đáp ứng phúc lợi động vật - Chăn nuôi tuần hoàn khép kín, xanh, giảm phát khí thải và chất thải ra môi trường. Sản phẩm đầu ra khâu khác, ngành khác là nguyên liệu đầu vào cho khâu này, ngành này. Dùng phụ phế phẩm ngành trồng trọt, chế biến làm thức ăn cho ngành chăn nuôi và phụ phế phẩm, chất thải ngành chăn nuôi làm nguyên liệu phân bón cho ngành trồng trọt. Giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Trồng cây xanh trong khu vực chăn nuôi để trung hòa Carbon. - Chăn nuôi chính xác, xử dụng công nghệ cảm biến theo dõi từng cá thể nuôi về nhu cầu dinh dưỡng, bệnh tật, năng suất … Để tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và giảm phát thải khí. Lựa chọn giống gia súc nhai lại có hệ suất chuyển đổi thức ăn cao. Luân canh cây trồng trên đồng cỏ giữa cây hoa thảo, cây họ đậu, cây chè khổng lồ. Quản lý đồng cỏ khoa học và xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học. - Chăn nuôi hữu cơ đáp ứng phúc lợi động vật, khu vực chăn nuôi riêng biệt về ranh giới, con giống có nguồn gốc trong hệ thống chăn nuôi hữu cơ thức ăn nước uống không có nguồn gốc từ động vật (trừ sữa, thủy sản). Cách quản lý sức khỏe gia súc nhai lại và dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh. Quản lý cơ sở chăn nuôi và môi trường chăn nuôi giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thích ứng. Có sân cho gia súc vận động và trồng cây xanh khu vực chăn nuôi để trung hòa Carbon. Cho dù lựa chọn chăn nuôi theo hướng nào cũng phải đảm bảo từ các giải pháp đơn lẻ hoặc chương trình đồng bộ để giảm phát thải khí, tăng năng suất, đạt hiệu quả cao như: + Quản lý đồng cỏ và trồng cây thức ăn cho gia súc nhai lại + Di truyền giống và chọn lọc giống gia súc nhai lại trong quá trình sản xuất thật phù hợp với địa phương + Quản lý dinh dưỡng và quản lý đàn gia súc một cách khoa học + Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, giun quế… Sau đó đại biểu tham quan mô hình: Nuôi vỗ béo bò tại thôn Liêm An, Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc với quy mô mô hình 60 con bò các giống bò lai: 3B, Zebu (Brahman, Sind), Charolais, Angus ... và thực hành ủ thức ăn yếm khí với công thức đơn giản (cỏ + cám + rỉ mật đường) hoặc xử dụng men vi sinh (cỏ + men vi sinh hoạt tính). Ủ thức ăn yếm khí: cỏ + cám gạo + rỉ mật đường Ủ thức ăn yếm khí: Cỏ + men vi sinh hoạt tính Qua cuộc tọa đàm, nhận thức của các nông hộ chăn nuôi, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi… đã thay đổi tư duy. Muốn phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại bền vững, cần biện pháp kỹ thuật theo hướng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý đồng cỏ thức ăn và chất thải chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu không thực hiện sớm và tốt biện pháp kỹ thuật giảm phát thải góp phần làm biến đổi khí hậu và sẽ quay ngược lại ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi đại gia súc là xu hướng tất yếu để cung cấp đủ thực phẩm cho con người, khi dân số bùng nổ. Đồng thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững và hướng tới kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp./. Khánh Vương
  • Hội nghị tập huấn trực tuyến về phát triển thanh long trong tình hình mới
    Hội nghị tập huấn trực tuyến về phát triển thanh long trong tình hình mới
    21/08/2024 15:04
    Sáng ngày 21/8/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về phát triển thanh long trong tình hình mới. Tham dự Hội nghị có ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam đại diện Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Đặc biệt, Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu qua hệ thống truyền hình trực tuyến là Thành viên Tổ chỉ đạo phát triển cây thanh long VietGAP lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trồng thanh long các Tổ khuyến nông cộng đồng Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại trồng thanh long trên địa bàn tỉnh… Toàn cảnh buổi tập huấn Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, mục tiêu của tỉnh Bình Thuận trong phát triển thanh long hiện nay là thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ thanh long theo hướng phát thải Carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa các bên liên quan. Trong đó, tập trung vào chuỗi giá trị của quả thanh long vì quả thanh long là một trong 10 loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Theo ông Ngô Thái Sơn, việc chuyển đổi sản xuất, chế biến và tiêu thụ thanh long theo hướng phát thải Carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường đòi hỏi hệ thống quản lý phù hợp, thúc đẩy tính minh bạch thông qua chuyển đổi số và thiết lập các mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm: Nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà phân phối. Sự minh bạch trong quy trình sản xuất, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao gồm cả việc theo dõi các yếu tố quan trọng như dấu chân Carbon của quả thanh long là những điều tất yếu đối với các xu hướng nông nghiệp nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế và chiến lược hành động quốc gia hướng tới một tương lai bền vững với mức phát thải “Net zero”. Quá trình phát triển bền vững của chuỗi giá trị thanh long, tỉnh ta cần chú ý việc phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái vốn có nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức lại ngành hàng thanh long theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng thiếu kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi, tạo điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thị trường và sản xuất. Đồng thời, phải huy động các nguồn lực từ nhà sản xuất, Nhà nước, nhà khoa học, nhà tài chính, doanh nghiệp và sự hỗ trợ quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu suất, tích hợp nhiều giá trị, giảm lượng phát thải Carbon và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị thanh long. Tham dự Hội nghị tập huấn, các học viên đã được nghe Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu - Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cung cấp một số thông tin về thị trường thanh long nói riêng và cây ăn quả xuất khẩu nói chung giới thiệu một số giống thanh long mới và quy trình canh tác thanh long tiên tiến kỹ thuật phòng, trị bệnh chính trên cây thanh long. Thông qua Hội nghị, các học viên được trang bị kiến thức về thị trường, giống và biện pháp canh tác thanh long an toàn dịch bệnh, hướng đến vững bền, hội nhập quốc tế từ đó, thay đổi tư duy sản xuất theo xu hướng hội nhập, chỉ sản xuất và bán sản phẩm theo nhu cầu của thị trường cần, không bán và sản xuất sản phẩm của chúng ta đang có. Nguyễn Phương - Báo Bình Thuận
  • Hội thảo Khoa học “Kết quả nghiên cứu giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hoá đồng bộ và sản xuất giảm thải carbon”
    Hội thảo Khoa học “Kết quả nghiên cứu giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hoá đồng bộ và sản xuất giảm thải carbon”
    19/08/2024 09:37
    Diện tích sản xuất lúa hằng năm của Bình Thuận ổn định khoảng 120.000 ha, năng suất trung bình dao động 5,8 – 6,1 tấn/ha với sản lượng lúa bình quân đạt 640 - 740 ngàn tấn năm 2023 diện tích gieo trồng đạt khoảng 11.000 ha. Cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nhưng do điều kiện sản xuất, tập quán canh tác và các vấn đề kỹ thuật nên năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Ðể nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây lúa trên địa bàn tỉnh, những năm qua trên các địa bàn trồng lúa trọng điểm của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi các giống lúa mới (chất lượng) phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ dưỡng ở địa phương cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất và nhân rộng. Đặc biệt chú trọng sâu sát áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”… nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính tiết kiệm nước tưới vật tư đầu vào… qua đó tăng thu nhập và thu nhập thêm từ tín chỉ carbon bảo vệ môi trường hướng đến chương trình “Một triệu ha lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động thực hiện. Sáng ngày 7/8/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT và Trung Tâm Giống Nông nghiệp Bình Thuận tổ chức Hội thảo Khoa học “Kết quả nghiên cứu giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất giảm thải carbon” cho gần 100 đại biểu trong và ngoài tỉnh theo đó Tổ Khuyến nông cộng đồng là thành phần được quan tâm tham dự, phần nào đó giúp tổ sớm tiếp cận “năng lực chuyên môn” để phục vụ cộng đồng. Đại diện Trung tâm Giống Nông nghiệp cho biết, trong thời qua việc lai tạo, nhân và phục tráng giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia: TH6, TH28, TH85, ML4, ML15, ML202, ML232, ML215, ML48, ML214 giống công nhận khu vực hóa, sản xuất thử: TH41, ML29, ML107, ML54, ML49 được đại biểu quan tâm hưởng ứng, nhất là các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Phú Yên do có khí hậu, đất đai khá tương đồng với Bình Thuận. Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trang – Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình bày tóm tắt quá trình thực hiện kết quả việc cơ giới hóa máy sạ cụm với định mức: 70-80-100 kg/ha cho năng suất bình quân: 69,7 tạ/ha, cao hơn sạ lan trung bình 200 kg/ha: 18,7 ta/ha trong đó năng suất sạ cụm 80 kg/ha đạt cao nhất: 73,1 tạ/ha với giá 8.200 đ/kg tại thời điểm hội thảo, lợi nhuận bình quân sạ cụm 32 triệu đồng/ha, cao hơn sạ lan 15,7 triệu đồng/ha. Đại biểu tham quan cánh đồng lúa mới cơ giới hóa sạ cụm Tại hội thảo, đồng chí Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận nhấn mạnh: trồng lúa “1 phải 5 giảm” thuộc hệ thống canh tác Thực hành sản xuất lúa bền vững SRP, ngoài việc giảm chi phí cả phân, thuốc, nước thì cũng giảm cả công lao động tương ứng so với sạ lan. Có thể năng suất chỉ bằng sạ lan nhưng lợi nhuận cao hơn. Đó là ưu việt của quy trình hợp lý Đồng chí Sơn khẳng định, đây là biện pháp cơ giới hóa đầy triển vọng vì vậy, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ đưa vào áp dụng cho chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu từ vụ Mùa năm 2024, cùng với việc nghiên cứu giải pháp, quy trình sản xuất tương ứng giúp giảm các nguồn đầu vào như nước, phân bón, thuốc BVTV… giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo năng suất và tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Bên cạnh đó, nhằm cơ cấu lại vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, từ đó đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm trên địa bàn tỉnh xây dựng được các mô hình trình diễn lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương, chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 4517/KH-UBND ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh về Phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Kết thúc hội thảo trong niềm hân hoan của đại biểu chiều cùng ngày Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với Cty TNHH Sài Gòn Kim Hồng tại tp Hồ Chí Minh tiếp tục trình diễn máy sạ cụm để đại biểu quan sát, học tập. Với sự tâm huyết đầy quyết liệt của người đứng đầu đơn vị khuyến nông tỉnh, hy vọng trong thời gian gần, đồng chí Sơn sớm góp phần nhỏ của mình đưa ngành lúa gạo Bình Thuận là điểm sáng trên bản đồ lúa Việt Nam. Hồ Công Bình
  • Triển khai cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024
    Triển khai cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024
    14/08/2024 16:52
    Thực hiện Kế hoạch số 2937/KH-BCĐCCHC&CĐS ngày 05/8/2024 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024. Nhằm Tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Trưởng các phòng chuyên môn Sở, Thủ trưởng các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện một số nội dung sau: 1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình về Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024 tại Kế hoạch số 2937/KHBCĐCCHC&CĐS (gửi kèm theo) đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi. Tổ chức đăng tin, tuyên truyền Cuộc thi trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. 2. Mỗi cơ quan, đơn vị phải có ít nhất 01 người tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” tỉnh Bình Thuận năm 2024. - Người tham gia dự thi trả lời 15 câu hỏi trắc nghiệm (theo nội dung tại mục 3 Kế hoạch này) và 01 câu hỏi dự đoán số lượng người tham gia trong đợt thi trả lời đúng 15/15 câu hỏi. Mỗi người được dự thi tối đa 03 lần/đợt thi và được công nhận 01 kết quả có số câu trả lời đúng cao nhất và thời gian hoàn tất bài thi sớm nhất. - Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://timhieuchuyendoiso.binhthuan.gov.vn hoặc truy cập qua liên kết trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. 3. Phạm vi và đối tượng dự thi a) Phạm vi: Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh. b) Đối tượng dự thi: - Cán bộ , công chức, viên chức, người lao động, hoc sinh, sinh viên và người dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh. - Chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đang sống và công tác trên địa bàn tỉnh. c) Đối tượng không được dự thi: Công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận. 4. Thời gian tổ chức Cuộc thi được tổ chức thành 02 đợt: - Đợt 1: Từ ngày 17/8/2024 đến hết ngày 31/8/2024. - Đợt 2: Từ ngày 09/9/2024 đến hết ngày 23/9/2024. 5. Nội dung - Những vấn đề chung, tổng quan về chuyển đổi số. - Chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai về chuyển đổi số. - Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai về chuyển đổi số. - Thông tin, kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, nền tảng số do tỉnh triển khai. - Kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên môi trường số. 6. Cơ cấu giải thưởng và tổng kết, trao giải Cuộc thi - Cơ cấu giải thưởng: Giải thưởng được trao cho cá nhân, được xác định theo mỗi đợt thi, với cơ cấu như sau: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích. Giá trị từng giải thưởng, điều kiện xét khen thưởng và các vấn đề liên quan về giải thưởng được quy định cụ thể trong thể lệ Cuộc thi. - Tổng kết, trao giải Cuộc thi: Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tổ chức tổng kết Cuộc thi và trao thưởng cho cá nhân, gồm: Giấy khen của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh, quà tặng (thiết bị tin học) và kèm theo tiền thưởng. Cụ thể tiền thưởng như sau: + Giải Nhất, trị giá: 4.000.000 đồng. + Giải Nhì, mỗi giải trị giá: 2.500.000 đồng. + Giải Ba, mỗi giải trị giá: 1.500.000 đồng. + Giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá: 500.000 đồng. Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện đồng thời báo cáo kết quả tham gia Cuộc thi của đơn vị mình về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Văn phòng Sở) để theo dõi./. Xem công văn chi tiết và tài liệu tham khảo tại đây: 1. Kế hoạch số 2937/KHBCĐCCHC&CĐS. 2. Tài liệu tham khảo: - Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". - Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy Bình Thuận về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. - Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận V/v Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tổng số : 563 bài viết
Trang
12345678910Tiếp