Kỹ thuật nuôi cá bống tượng
28/12/2009 10:47
Cá bống tượng (Oxyeleotris mamoratus Bleeker) là giống cá đang được thị trường thế giới ưa thích, xuất khẩu sang nhiều nước, giá trị kinh tế cao: Trung bình 1kg cá loại I bán được 320.000 đồng.
Với hiệu quả kinh tế cao, mấy năm gần đây nhân dân đang phát triển nuôi giống cá này trong ao, đìa và trong lồng. Trước nhất là ngư dân của hồ Trị An, ngày nay đang mở rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như : Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long và đang phát triển ra một số tỉnh miền Trung đã có hàng trăm ao hồ được sử dụng nuôi cá và hàng ngàn lồng cá đã được nuôi trên sông, trên hồ chứa&hellip đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra hàng hoá xuất khẩu và có nhiều việc làm cho người lao động.
Trước yêu cầu nhân dân đòi hỏi về kỹ thuật nuôi. Qua kinh nghiệm thực tế của nhân dân đã làm, qua nghiên cứu của Viện, Trường ,... Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bình Thuận tổng hợp biên soạn tài liệu &ldquoKỹ thuật nuôi cá bống tượng&rdquo giúp bà con tham khảo, áp dụng.
I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ BỐNG TƯỢNG
1. Đặc điểm hình thái và phân bố
- Cá bống tượng có thân hình màu nâu, đỉnh đầu màu đen, bụng màu nhạt, lưng và bên thân có đốm đen, đầu cá to và dẹt, miệng hướng lên phía trên.
- Cá bống tượng thuộc họ Eletridae, bộ Perciforines, là loài đặc trưng của vùng nhiệt đới. Cá tự nhiên bắt gặp ở: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Lào, Sumatra, Campuchia. Cá bống tượng là loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, được nhiều nước nuôi cung cấp theo yêu cầu. Ở miền Nam Việt Nam cá xuất hiện ở hệ thống sông Cửu Long, Đồng Nai, Vàm Cỏ. Cá có tập tính sống rải rác ở sông ngòi, đầm hồ, khó đánh bắt.
2. Dinh dưỡng
Bống tượng thuộc loại cá dữ, miệng lớn, răng hàm dài và sắc, tỷ lệ của chiều dài của ruột trên chiều dài thân là 0,7. Cá bống tượng ăn động vật, chủ yếu là: cá, tôm, tép, cua, trùn, ấu trùng, côn trùng, thủy sinh... Tuy nhiên khác với cá lóc (chủ động đuổi mồi bắt), cá bống tượng rình bắt mồi. Cá bống tượng ăn mạnh về đêm hơn ngày, nước ròng ăn mạnh hơn nước kém, nước lớn ăn mạnh hơn nước ròng. Thức ăn ưa thích ăn tép, cá tươi không thích ăn vật ươn thối.
3. Môi trường sống
- Trong tự nhiên, cá phân bố khắp các loại thủy vực: Sông rạch, mương ao, ruộng, ... Cá sống thích hợp ở môi trường nước không bị nhiễm phèn pH trên 7.
+ Nhiệt độ thích hợp nhất cho cá phát triển 26 - 32oC, cá cũng có thể chịu đựng nhiệt độ nước 15 - 41,5oC.
+ Cá sống ở nước ngọt, song có thể chịu đựng đến độ mặn 15&permil.
+ Hàm lượng oxy hòa tan > 3mg/l. Tuy nhiên, nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên cá có thể chịu đựng ở môi trường dưỡng khí thấp hơn.
- Cá bống tượng có tập tính sống ở đáy, ban ngày thường vùi mình xuống bùn, hang hốc, bộng. Khi gặp nguy hiểm cá có thể chúi xuống bùn sâu đến 1m, có thể sống ở đó hàng chục giờ. Môi trường nước yên tĩnh có cỏ, cây thủy sinh làm giá đỡ, cá có thể sống ở mé bờ gần mặt nước, cá ăn mồi sống tự nhiên. Cá bống tượng thường hoạt động vào đêm, nơi có điều kiện thuận lợi cá hoạt động cả ban ngày.
4. Sinh trưởng
- Trong điều kiện nhiệt độ 26-30oC trứng cá bống tượng sau khi đẻ 25-26 giờ thì nở, lúc này có chiều dài 2,5-3mm. Sau khi nở một ngày, chiều dài cá đạt 3,8mm, cá chuyển động thẳng đứng và từ từ buông mình chìm xuống đáy.
+ Cá nở sau 2 ngày, chiều dài 3,8-4mm, mắt có sắc tố đen. Xuất hiện vi ngực, cá vận động thẳng đứng.
+ Cá 3 ngày dài 4-4,2mm, túi noãn hoàng tiêu biến.
+ Cá 18 ngày tuổi hình thành vảy và có hình dáng của cá trưởng thành.
+ Cá 30 ngày tuổi dài khoảng 13mm.
+ Cá 60 ngày tuổi dài khoảng 30mm.
+ Cá 90 ngày tuổi dài khoảng 53mm.
So với các loài cá khác, cá bống tượng có tốc độ tăng trưởng chậm từ ở giai đoạn cá dưới 100g, cá từ 100g trở lên tăng trưởng nhanh hơn.
Ở giai đoạn từ cá bột đến cá hương, cá phải mất thời gian 2-3 tháng mới đạt chiều dài 3-4cm. Từ cá hương cần phải nuôi 4-5 tháng cá đạt kích cỡ giống cá 100g/con. Để có cỡ 100g từ lúc đẻ phải mất thời gian nuôi 7-9 tháng. Trong tự nhiên, những cá còn sống sót sau khi nở phải cần khoảng 1 năm để có thể đạt cỡ từ 100-300g/con. Để có cá thương phẩm 400g trở lên, từ cá giống có trọng lượng 100g, phải nuôi ở ao từ 6-8 tháng, ở bè 5-6 tháng.
5. Sinh sản
Bống tượng sinh sản lần đầu sau 9-12 tháng tuổi. Mùa sinh sản tự nhiên kéo dài từ tháng 3-11, tập trung từ tháng 5-8. Mức sinh sản trung bình 150.000-200.000 trứng/kg cá cái. Cỡ cá 150g có số trứng nhiều nhất 270.000, cỡ cá 250g có 58.700, cỡ cá 350g có 76.000 trứng. Cá tái phát dục khoảng 30 ngày sau. Trứng cá có dạng hình quả lê, trứng dính. Bãi đẻ của cá nằm ở ven bờ và sâu trong nước nơi có cây cỏ thủy sinh hay các gốc thân cây chìm trong nước. Cá đẻ trứng 3-4 lần/năm.
II. KỸ THUẬT NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG THƯƠNG PHẨM
A. Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong lồng
1. Chọn vị trí đặt lồng
Chọn địa điểm đặt lồng là nơi có nguồn nước không bị nhiễm phèn, không ô nhiễm bởi các chất thải sinh hoạt, công nghiệp và hoá chất sát trùng trong nông nghiệp. Đặt bè nơi có dòng chảy thẳng và liên tục, lưu tốc 0,2-0,5 m/giây, mực nước sông tương đối ổn định. Tránh nơi có luồng nước ngầm, bồi tụ, xói lở, nơi có nhiều rong cỏ hay có quá nhiều phù sa.
Nguồn nước cần đảm bảo một số thông số môi trường: pH: 7-8 Oxy hòa tan > 4mg/lít nhiệt độ: 26-32oC COD < 10 mg/lít.
Khoảng cách các lồng cách nhau 4 &ndash 5m, không nên đặt quá dày và đặt so le. Mặt lồng phải nổi cao hơn mực nước sông 0,3-0,5m, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5 m vào lúc nước cạn và cách bờ sông ít nhất 10 m.
2. Thiết kế lồng nuôi
Lồng nuôi cá bống tượng nên là lồng nuôi cỡ nhỏ: 2 x 3 x 1,5 (m) 1 x 1,5 x 1,2 (m) 3 x 4 x 1,5 (m) để dễ xử lý trong quá trình nuôi. Lồng có thể được làm bằng gỗ, tre&hellipđược vót nhẵn để tránh xây sát cho cá. Khung lồng đóng bằng gỗ, sau đó dùng gỗ xẻ thành rộng 8 &ndash 10cm, dày 2 &ndash 3cm đóng nẹp cách nhau 2 &ndash 3cm (tuỳ theo cỡ cá giống thả to nhỏ) theo chiều dọc lồng để nước dễ lưu thông qua lồng. Mặt trên của lồng được đóng kín chỉ chừa lại một khoảng 0,5 x 0,5 m để làm cửa cho ăn và thao tác vệ sinh lồng.
Các lồng nuôi được ghép lại với nhau tạo thành bè nuôi. Bè nuôi được giữ nổi nhờ hệ thống phao ghép dọc hai bên hông bè. Phao giữ cho bè nổi có thể là thùng nhựa, ống nhựa, thùng phuy&hellipCố định bè bằng dây neo và mỏ neo. Dây neo bằng ni lông hoặc bằng cáp thép có đường kính 2-3 cm. Neo làm bằng sắt, có thể neo 4 góc bè hoặc 2 neo cùng với 2 dây cột vào 1 trụ chắc cố định.
3. Thả giống
Chọn cá đều cỡ, khỏe mạnh, cơ thể cân đối, màu sắc sáng rõ, không bị thương tật, dị hình, không có dấu hiệu bị bệnh, lật ngửa cá lên thì thấy cá phồng mang, đuôi xòe, cá đang ở trong nước thì nằm sát đáy. Cá giống đánh bắt từ tự nhiên không có dấu hiệu của hiện tượng bị đánh bắt bằng câu, chích điện, mắc lưới. Cá phải còn nguyên nhớt.
- Chọn con giống khỏe, không xây sát, màu sắc tươi sáng, kích cỡ đồng đều.
- Cỡ giống thả nuôi: 100-150g/con.
- Mật độ thả: 60-80con/m3.
- Tắm cá qua nước muối 2-3% trong 10-15 phút để phòng bệnh.
- Cá giống nên thả tập trung trong một thời gian ngắn, hạn chế kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá.
4. Cho ăn
- Thức ăn: Cá bống tượng là loài cá dữ, thức ăn chủ yếu là các loại cá , tép, giun... Thức ăn cho cá phải đảm bảo tươi không bị ươn thối. Cho ăn trực tiếp hoặc nghiền vụn trộn với cám, bột ngô, gạo nấu chín ép viên rồi cho ăn.
- Khẩu phần thức ăn: 3-5% trọng lượng cá trong lồng (tức là cứ 100kg cá thì cho ăn 3 - 5 kg thức ăn/ngày), cho ăn 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc chiều mát.
- Do tập tính rình mồi, không bắt mồi chủ động, do đó nên cho cá ăn trong các sàng ăn. Định kỳ thay thức ăn cho ăn để kích thích cá ăn nhiều, lớn nhanh. Ngoài ra, nên bổ sung vào thức ăn một ít muối, cám tổng hợp, khoáng vi lượng, vitamin, men đường ruột... để kích thích hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho cá.
5. Quản lý và chăm sóc
- Thông qua sàng ăn và khả năng ăn mồi của cá hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp. Tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm, tăng dịch bệnh.
- Định kỳ cách 2 ngày/lần vệ sinh lồng, bè tránh tình trạng rong, rác bẩn bám làm cản trở lưu thông nước, ô nhiễm môi trường gây bệnh cho cá. Thông qua việc cho ăn, thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá để kịp thời xử lý.
- Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, nguồn nước lưu thông, dây neo, cọc, vệ sinh lồng&hellip
6. Thu hoạch
- Cá nuôi sau 5-7 tháng đạt cỡ trên 400g/con thì thu hoạch.
- Hàng tháng nên đánh tỉa cá đạt tiêu chuẩn một lần, cá chưa đạt nên tiếp tục nuôi và bổ sung giống.
- Cuối vụ thu hoạch tổng thể, vệ sinh bè lồng, chuẩn bị cho vụ nuôi sau.
B. Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao đất
1. Chuẩn bị ao
a. Điều kiện ao nuôi
- Ao nuôi phải gần nguồn nước ngọt trong sạch, có điều kiện cấp và thoát nước dễ dàng.
- Đất thịt hoặc thịt pha sét để giữ được nước.
- Ao quang thoáng, gần nhà cho dễ quản lý.
- Diện tích ao thích hợp từ 1.000 &ndash 3.000m2 hình chữ nhật, có độ sâu 1,2 &ndash 1,5m.
- Có cống cấp và thoát nước đường kính cống từ 20 &ndash 30cm.
b. Cải tạo ao trước khi nuôi
- Ao được tát cạn, dọn sạch cây cỏ ven bờ, vét bùn, lấp hết hang hốc xung quanh. Đáy ao đặt các gốc cây để làm chỗ trú ẩn cho cá.
- Bón vôi bột: 7 &ndash 10 kg/100m2 để hạ phèn, diệt cá tạp và mầm bệnh. Nếu ao mới đào thì vôi có thể tăng lên, vôi rắc khắp đáy và hố ao.
- Nếu có điều kiện nên bố trí ao nuôi theo hình thức nước chảy ra vào liên tục để kích thích cá mau lớn và ít bệnh.
- Lọc nước qua các lưới chắn ở các cửa cống cho cá tạp không theo vào.
2. Thả giống
- Yêu cầu con giống và cách thả tương tự như ở nuôi lồng.
- Cỡ cá từ 50 &ndash 70g/con.
- Mật độ thả 5 &ndash 8con/m2
3. Quản lý và chăm sóc
- Thức ăn, khẩu phần và cách cho ăn tương tự như nuôi lồng. Nên cho cá ăn thành 3 &ndash 4 địa điểm trong ao để toàn bộ cá trong ao đều có thể bắt mồi đồng thời tránh hiện tượng tranh giành thức ăn làm xây xát gây bệnh cho cá.
- Tạo điều kiện cho cá bắt mồi liên tục cả ngày và đêm. Cá thường sống ở đáy, có thể cung cấp các loại cá khác (rô phi con&hellip) vào ao để làm thức ăn tự nhiên cho cá hoặc đưa cá sống từ đáy ao sang mé ao, bằng cách tạo mé cỏ tối nước ở từng đoạn mương ao (thả lục bình ở nơi yên tĩnh). Khi cá đã sống ở mé ao cá sẽ giảm bệnh cá con, tép&hellip ban ngày trú vào rong cỏ sẽ làm mồi ăn trực tiếp cho cá bống tượng. Nuôi cá bống tượng mà cá không đớp mồi ban ngày là điều kiện sống ở ao mương chưa tốt.
- Ngoài việc quan sát theo dõi cá ăn, hoạt động, kiểm tra cống, bờ đê phòng cá đi. Thường xuyên thay nước trong ao (1 tuần thay 1-2 lần) nhằm tạo môi trường nước sạch cá mới mau lớn.
III. PHÒNG TRỊ BỆNH CHO CÁ
Để việc nuôi cá bống tượng đạt hiệu quả cao, các gia đình nuôi cần chú ý đầy đủ đến việc phòng bệnh là chính, song phải làm tốt việc trị bệnh cho cá.
1. Phòng bệnh
- Cá giống trước khi đưa vào nuôi, phải chọn cẩn thận, chỉ dùng những con khoẻ mạnh. Cá phải được tắm nước muối 2-3% trong 3 &ndash 5 phút để diệt nguồn gốc mầm bệnh, trước khi thả vào nuôi.
- Trộn thức ăn với ít muối hoặc thuốc kháng sinh cho cá ăn 10 ngày/lần.
- Tẩy dọn ao, tẩy dọn lồng theo đúng quy trình kỹ thuật, 5 &ndash 7 ngày vệ sinh lồng lần, 1 &ndash 2 tháng di chuyển lồng để thay đổi môi trường, tránh bệnh cho cá.
- Thường xuyên theo dõi cá, khi thấy cá bị bệnh, phải phân lập nuôi riêng những cá bệnh để chữa.
- Có thể dùng lá xoan, vôi bột để trong bao treo ở đầu lồng , trong ao cho tan ra góp phần diệt ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh cho cá.
2. Trị bệnh
Cá bống tượng nuôi thường hay bị các bệnh thông thường là đốm đỏ, bệnh mỏ neo, bệnh tuột nhớt. Khi cá bị bệnh, cần tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh cho cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau đây là phương pháp trị 3 bệnh trên.
a. Bệnh đốm đỏ
Nguyên nhân: do môi trường thay đổi, cá bị xây xát do vận chuyển, đánh bắt, vi khuẩn xâm nhập vào gây ra bệnh.
Cá bị bệnh đốm đỏ: kém ăn, bơi chậm chạp, các phần dọc thân, đuôi, tia vây, xuất hiện các đốm đỏ, vết loét.
Trị bệnh
- Dùng Avaxide, thuốc tím, vôi sát trùng môi trường nước.
- Dùng thuốc trộn vào thức ăn: dùng một trong những loại thuốc sau đây:
+ Dùng thuốc sunphamit 1 &ndash 2g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5-7 ngày.
+ Oxytetracyline: 2g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5-7 ngày.
+ Beta-N 4g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 ngày.
+ Gencin 6g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 ngày.
Lưu ý:
- Sau 48 giờ dùng men vi sinh Zeofish 4ppm để cải thiện môi trường, dùng Probiofish 4g/kg thức ăn gây lại men tiêu hóa đường ruột cá.
- Dùng Novimix 10g/kg thức ăn, Cetafish 3g/kg thức ăn, Avamin 2,5g/kg thức ăn hoặc dùng Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.
- Cũng có thể tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 3% trong 10 phút có sục khí.
b. Bệnh trùng mỏ neo
Tác nhân gây bệnh: Trùng bám trên thân cá ở các gốc vây ngực, vây hậu môn, nếu nặng, toàn thân trùng mỏ neo cắm vào hút máu làm cho cơ thể tấy sưng.
Trị bệnh:
- Dùng lá xoan bó thành từng bó để dưới đáy hoặc đầu bè, lồng 0,6 kg lá/kg cá. Đối với ao dùng 0,3-0,5kg lá xoan /m3 nước. Cá sẽ chúi vào bó lá, nước lá xoan đắng sẽ làm cho trùng mỏ neo rời ra khỏi thân cá.
- Có thể dùng thuốc tím 10-25 g/m3 tắm trong 1 giờ.
c. Bệnh tuột nhớt
Dấu hiệu ban đầu là xuất hiện các vết trắng ở đuôi, sau đó lan ra toàn thân cá.
- Nếu xuất hiện trong thời gian đầu sau khi chuyển cá về nuôi thì nguyên nhân chính là do chất lượng con giống, do các biện pháp đánh bắt hoặc vận chuyển làm cá bị xây xát.
- Nếu xuất hiện trong quá trình nuôi thì nguyên nhân chính là do chất lượng thức ăn hoặc nguồn nước, khi cần thiết cũng phải di chuyển lồng đến vị trí có dòng chảy và chất lượng nước ổn định hơn.
Khi cá bị bệnh này thường chỉ thay đổi môi trường: Thay nước ao, di chuyển lồng sang nơi khác. Cũng có thể cách ly cá bị bệnh, cho khỏi lây lan. Để phòng bệnh tuột nhớt, tránh nuôi cá mật độ dày, không làm xây sát cá trong quá trình đánh bắt, vận chuyển. Phát hiện cá bị bệnh sớm có thể tắm cá bằng nước muối, thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 10ppm (10g/m3) hoặc các loại thuốc có tác dụng diệt khuẩn như: Avaxide... hoặc treo túi vôi ở đầu lồng để sát khuẩn nguồn nước, trong trường hợp cá bệnh nặng người nuôi nên nghĩ đến việc thu hoạch gấp để giảm thiệt hại về kinh tế.
TTKNKNBT