Đang online: 1
Hôm nay: 26
Trong tuần: 340
Trong tháng: 2532
Tổng truy cập: 663868

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Hỏi về hạt giống bản địa
Xin chào anh/chị.
Anh/chị cho em hỏi làm sao để biết được các loại hạt giống bản địa ở địa phương mình và em có thể tìm thấy chúng ở đâu ạ?
Trước giờ, em chưa có kinh nghiệm về làm nông, nhưng trong em luôn có khao khát về việc trồng cây, vì cây rất tốt cho chúng ta và tất cả, em có học môi trường và biết về cách ủ phân compost cũng như biết đến nông nghiệp hữu cơ, em vẫn suy nghĩ về điều đó nhưng càng nghĩ em càng thấy nó quá phức tạp với mình để có thể hiểu hết và chăm sóc tốt một cái cây, đồng thời có những hệ quả phải xử lý về sau rất nhiều như nước rỉ rác, khí thải từ việc ủ phân lâu dài nếu không sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến đời sống của chính người trồng và môi trường, cứ mỗi người như vậy khi đến số lượng đủ "quả" sẽ làm mất cân bằng tự nhiên và biến đổi khí hậu cùng các thiên tai sẽ trả lại chúng ta như bao năm qua chúng ta đã làm với mẹ thiên nhiên, đó là nông nghiệp ồ ạt chạy theo lợi nhuận với phân hóa học cùng các ngành công nghiệp phá hoại nghiêm trọng trái đất chúng ta đang sống. Tuy nông nghiệp hữu cơ hiện tại được thấy là tốt nhiều nhất, nhưng em luôn cảm thấy có gì đó chưa ổn và chưa phải là bền vững.
Thế rồi, gần đây em có đọc được bài viết trên báo tuổi trẻ về việc một số bạn trẻ làm nông tự nhiên, họ sống làm nông thuận theo và tôn trọng tự nhiên, và qua đó em biết đến cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm", em hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc tạo ra thực phẩm sạch và tôn trọng tự nhiên trong đời sống làm nông, không chỉ mỗi người của chúng ta mà là của cả mảnh đất hình chữ S và hành tinh chúng ta đang sống này, em tự tin rằng mình có thể trồng cây và rau củ được một cách dễ hiểu từ sự hòa hợp của đất và mỗi loài cây, từ những bài học từ hệ sinh thái tự nhiên.
Cùng lúc nhà em được một bác tặng cho mấy mẫu đất trên sườn núi ở cây số 42, Hàm Tân.
Em muốn trước mắt có thể áp dụng những gì mình có thể từ việc nhỏ nhất là trồng rau và cây trái sạch, thuận tự nhiên với các giống cây vốn từ nơi mình sinh ra theo cách làm nông tự nhiên, trước hết để gia đình và những người xung quanh có thể sử dụng thực phẩm sạch, về sau có thể sẽ kết nối với bà con xung quanh và mạng lưới làm nông tự nhiên hiện có ở nước mình, em biết hiện đã có những doanh nghiệp xã hội làm nông tự nhiên như vậy,
một ngày không xa, khi dịch qua, em sẽ đến đó học tập và rèn luyện kiến thức thực tế và kinh nghiệm từ mọi người.
Mong nhận được sự hỗ trợ góp ý của anh chị về hướng đi trên và câu hỏi chính của em về hạt giống bản địa.
Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian đọc câu hỏi rất rất dài dòng của em, cảm ơn rất nhiều ạ.
Chúc anh/chị có những ngày làm việc thật vui và hiệu quả!
Trả lời
 

Xin chào bạn! Trước tiên, mình rất hoan nghênh câu hỏi của bạn về việc muốn bảo tồn hạt giống bản địa.

Câu hỏi bạn hỏi mang hàm ý rất rộng, nó không cụ thể một loại nào nên mình cũng xin chia sẻ như thế này:

- Thứ nhất, mình cần nắm được định nghĩa hạt giống bản địa là gì?

Hạt giống bản địa hay còn gọi là hạt giống địa phương là loại hạt có nguồn gốc và tồn tại trong một  khu vực nhất định tại địa phương đó, là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên và không có sự can thiệp của con người. Hoặc được nhập nội nhưng đã sống lâu đời, đã thích nghi và hòa nhập với điều kiện tự nhiên của địa phương đó. Có giữ một số đặc tính đặc trưng của loại hạt giống đó như hương thơm, dẻo, vị đắng, vị cay, vị ngọt,…vv

- Thứ hai, mình phải biết phân biệt được cấu tạo bên ngoài của hạt giống và khả năng sinh trưởng phát triển của hạt giống đó; lấy ví dụ về hạt giống đậu, rau ăn quả, hạt điều,…

1. Ví dụ như hạt giống đậu phộng: đậu phộng hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống nhưng một số nơi tại tỉnh Bình Thuận, nông dân vẫn thích sản xuất  hạt giống đậu sẻ hơn mặc dù năng suất rất thấp vì chúng có đặc tính sau: chứa lượng dầu nhiều, rất thơm, ngon, ngọt, chắc, vỏ lụa đẹp, có giá trị dinh dưỡng cao,…

* Cách phân biệt đậu sẻ với đậu lai (do quá trình lai tạo giống):

Đậu sẻ

Đậu lai

+ Về màu sắc vỏ lụa: hồng đậm

+ Kích thước hạt: rất nhỏ

+ Nhân hạt: vàng đẹp

+ Độ béo, thơm: rất béo, thơm

+ Về hình thái cây: cây thấp, cành nhánh nhiều, lá nhỏ

+ Về khả năng sinh trưởng, phát triển: yếu, dễ bị sâu bệnh hại

+ Năng suất: thấp

 

+ Hồng nhạt

+ Rất to

+ Vàng nhạt

+ Không béo, ít thơm

+ Cây cao, cánh nhánh thưa

+ Mạnh, ít sâu bệnh gây hại

+ Năng suất cao

2. Ví dụ như hạt giống khổ qua:

Khổ qua địa phương

Khổ qua lai

+ Kích thước hạt: nhỏ đến rất nhỏ

+ Màu sắc hạt: đậm màu và có nhiều vân hạt

+ Về dạng trái: nhỏ, phần đuôi trái dài, ăn ngon hơn

+ Độ đắng: rất đắng

+ Về màu sắc trái: trắng tươi, xanh đậm

+ Gai trái: gai nhiều và nhuyễn hơn

+ Về dạng cây, lá: cây thân mảnh, lá nhuyễn

+ Về sinh trưởng và phát triển: rất khỏe, ít bị sâu bệnh gây hại, cánh nhánh nhuyễn, nhiều

+ hạt to hay nhỏ còn phụ thuộc vào từng giống lai tạo

+ màu nhạt, ít vân

+ Trái to hay nhỏ còn tùy thuộc vào thị hiếu người tiêu dùng mà lai tạo ra

+ Ít đắng

+ xanh nhạt, trắng đục

+ Gai thưa, thẳng đẹp

+ Cây cao, lá to

+ Cây khỏe , cành nhánh nhiều hay ít do người lai tạo chuyển gen khỏe của giống khác vào; dễ bị sâu bệnh gây hại.

3. Ví dụ như hạt giống điều:

Điều địa phương

Điều ghép

+ Kích thước hạt: nhỏ

+ Màu sắc hạt: đậm màu và bóng

+ Nhân hạt: rất thơm, bùi

+ Vỏ lụa: đặc trưng, dễ tách

+ Về dạng cây, lá: thân cây nhỏ, lá nhỏ

+ Về sinh trưởng và phát triển: yếu hơn, nhanh già cỗi.

+ hạt to

+ màu nhạt, ít bóng

+ Ít thơm, ít bùi

+ Nhạt, khó tách

+ Thân cây to, lá to

+ Mạnh, lâu già cỗi

 

 

Và còn nhiều loại hạt khác nữa……; ví dụ: Giống mè đen 2 vỏ là hạt giống bản địa của Bình Thuận, v.v..; nhưng bạn không cụ thể loại nào nên chúng tôi xin chia sẻ cho bạn một vài thông tin đó.

- Thứ 3, có thể tìm thấy chúng ở đâu: Hiện tại, tại tỉnh Bình Thuận mình chưa có cơ sở lưu trữ hay bảo tồn các loại hạt giống bản địa như rau củ quả, đậu phộng, điều, lúa hay thanh long; mà chỉ có bảo tồn các loại cây rừng, gỗ quý đặc thù của tỉnh.

Bạn muốn tìm, sưu tầm và lưu trữ những loại hạt giống đó thì chỉ còn cách bạn đi thực địa đến những khu vực, những địa phương đang sản xuất nông nghiệp, quan sát, hỏi thăm những nông hộ xem họ đang sản xuất cái gì, giống gì và có đặc tính gì khác với các giống họ đã từng sản xuất, canh tác trước đây không? Từ đó, bạn thu gom mỗi thứ một ít, duy trì, phát triển, chia sẻ,  sử dụng và nhân nguồn chúng thành nguồn lớn hơn.

Nếu cần trao đổi, tư vấn, bạn có thể liên hệ trực tiếp sđt: 02523.839468 (giờ hành chính), để được hướng dẫn.

Chúc bạn luôn vui với niềm đam mê nông nghiệp.