Đang online: 8
Hôm nay: 296
Trong tuần: 2007
Trong tháng: 8466
Tổng truy cập: 660502

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: cách làm đệm lót sinh học đề nuôi heo
tôi đang nuôi heo lai và tôi muốn làm đệm lót sinh học đề khử mùi , nho trung tam chỉ cách cho tôi , xin chân thanh cảm on

Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đang là một vấn đề rất khó khăn và phức tạp đối với người chăn nuôi, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi gần khu dân cư. Nếu không có biện pháp xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Làm sao vừa chủ động chăn nuôi có hiệu qủa, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, không để bệnh tật xuất hiện và lây lan đang là vấn đề bức xúc hiện nay của ngành chăn nuôi Bình Thuận nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Sử dụng chế phẩm sinh học BALASA N01 làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm được mùi hôi, giảm chi phí điện, nước, công lao động, giảm được dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y,… giúp hạ giá thành và tăng lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học để khử mùi chăn nuôi heo như sau:

 QUY TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHẾ PHẨM

BALASA N01 ĐỂ TẠO ĐỆM LÓT SINH HỌC NUÔI HEO

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Quy trình kỹ thuật này quy định các điều kiện và khuyến nghị khi sử dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh thái trong chăn nuôi heo để đảm bảo hoạt động tốt.

1. Đối tượng vật nuôi:

Sử dụng đệm lót sinh thái thích hợp đối với:

1.1.    Các giống heo: Heo thuần, heo lai, heo siêu nạc, heo rừng.

1.2.    Các loại heo: Nái chờ phối, nái chửa, heo cai sữa, heo dưới 60 kg, heo trên 60 kg (cần những điều kiện đi kèm ở phần sau).

1.3.    Mật độ nuôi: Heo lớn là 1,2-1,5 m2 đệm lót cho 1 con, Heo choai là 1 – 1,2 m2 1 con, heo nhỏ là 0,8 – 1 m2 đệm lót cho 1 con.

Chú ý: mật độ heo được xác định trên m2 đệm lót, không phải là m2 chuồng

2. Nền và cấu trúc chuồng

2.1.  Nền chuồng đất nện chặt, không láng xi măng.

2.2.  Nếu là chuồng cũ cải tạo có thể (i) phá nền cũ để tạo nền chuồng mới hoặc (ii) giữ nguyên nền xi măng nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ có đường kính 4 cm, cứ cách 30 cm đục 1 lỗ để làm loại đệm lót nổi trên mặt đất.

2.3.  Máng ăn và vòi uống nước tự động đặt ở 2 phía đối diện nhau để giúp heo tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn có lợi cho lên men.

2.4.  Máng ăn cao hơn bề mặt đệm lót tối thiểu 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn.

2.5.  Xây máng hứng nước dưới vòi nước tự động để tránh nước chảy vào đệm lót.

2.6.  Thiết kế hệ thống phun nước (phun mù) làm mát và giữ độ ẩm đệm lót.

3. Xác định cao trình nền chuồng

3.1. Xác định chiều cao nền chuồng so với mặt nước (ao, hồ, mương máng...) để phù hợp với một trong các loại đệm lót sau đây:

3.1.1. Loại đệm lót dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất có độ sâu bằng độ dày của đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất đồi, vùng đất cao có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh 1 m (ở tháng có mưa nhiều nhất).

3.1.2. Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Xây tường bao cao hơn hoặc bằng so với độ dày của đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất thấp có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh chỉ khoảng 30–40 cm (ở tháng có mưa nhiều nhất).

3.1.3. Loại đệm lót nửa dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất có độ sâu bằng một nửa độ dày đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất đồi, vùng đất cao có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh khoảng 60-70 cm (ở tháng có mưa nhiều nhất).

3.2. Các loại đệm lót nêu trên phải giữ luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng, hoặc giảm thời gian sử dụng đệm lót.

4. Độ dầy đệm lót

4.1. Độ dày đệm lót: đệm lót thường có độ dày khoảng 60 cm.

4.2. Một số lưu ý quan trọng:

4.2.1. Khi làm đệm lót mới cần tăng độ dày của đệm lót thêm 20% vì độ dày của đệm lót thường bị nén xuống sau khi lên men một thời gian.

4.2.2. Bổ sung đệm lót hàng năm nếu bị sụt giảm độ cao.

5. Nguyên liệu và cách phối trộn

5.1. Cách lựa chọn nguyên liệu làm đệm lót: Các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích đối với heo.

5.2. Các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi bắp, thân cây bắp nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi bắp, thân cây bắp, vỏ hạt bông có thể để nguyên hoặc cắt, nghiền có kích thước 3- 5 mm.

5.3. Cách phối trộn nguyên liệu làm đệm

Tùy thuộc nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phối trộn các nguyên liệu làm đệm lót theo một số cách sau:

5.3.1. Cách 1:

5.3.1.1. Nguyên liệu chính: Trấu và mùn cưa (hoặc vỏ bào).

5.3.1.2. Cách phối trộn: Có thể chỉ sử dụng riêng trấu hoặc mùn cưa nhưng  tốt nhất là dùng phối hợp hai loại nhưng không nhất thiết phải theo một tỷ lệ nào mà loại nào có sẵn, dễ kiếm thì dùng với tỷ lệ nhiều hơn.

5.3.1.3. Một số lưu ý khi làm đệm lót: Thông thường rải lớp trấu ở dưới, lớp hỗn hợp mùn cưa và trấu ở trên, theo tỷ lệ mùn cưa/trấu là 50/50 hoặc 60/40. Làm như vậy sẽ giảm bớt được lượng mùn cưa sử dụng và tạo cho lớp đệm lót phía trên không  bị nén chặt nên không phải cuốc vất vả để làm tơi xốp đệm lót.

5.3.2. Cách 2:

5.3.2.1. Nguyên liệu chính: Vỏ lạc, lõi bắp, thân cây bắp, vỏ hạt bông, thân cây bông.

5.3.2.2. Cách phối trộn: Sử dụng một loại hoặc phối hợp một vài loại nguyên liệu với nhau.

5.3.2.3. Một số lưu ý khi làm đệm lót: Nếu số lượng một loại hoặc vài loại đủ dùng để làm đệm lót thì đem cắt, nghiền thành bột thô có kích thước 3-5cm, nếu số lượng ít thì cần phối hợp với trấu và mùn cưa. Các loại nguyên liệu trên có thể không cần nghiền, khi làm đệm lót thì xếp chúng thành một lớp ở dưới cùng (khoảng 30cm), sau đó đổ trấu lên và cào cho lấp đầy khe hở thành một lớp đệm trấu, tiếp là lớp mùn cưa dầy khoảng 30cm. Cách làm cụ thể như hướng dẫn ở Phần II.

5.3.3. Cách 3:

5.3.3.1. Nguyên liệu chính: Xơ dừa.

5.3.3.2. Cách phối trộn: Lớp dưới cùng là trấu có độ dầy 30 cm, lớp trên là xơ dừa dầy 30cm. Cách làm như hướng dẫn ở Phần II với nguyên liệu là trấu và mùn cưa.

5.3.3.3. Một số lưu ý khi làm đệm lót: nếu phần đệm lót xơ dừa ở trên bị xẹp xuống cần bổ sung thêm để đảm bảo độ dầy của đệm lót.

5.3.3.4. Sau 1- 2 lứa heo (4 – 8 tháng) có thể lấy đi lớp đệm lót xơ dừa ở trên để dùng cho trồng trọt, sau đó đầu tư làm lớp đệm lót xơ dừa mới. 

5.3.4. Cách 4:

5.3.4.1. Nguyên liệu chính: Bã mía.

5.3.4.2. Cách phối trộn: Bã mía là nguyên liệu tương đối dai, không dễ bị nát mủn khi thấm nước, có thể dùng riêng hoặc dùng phối hợp với trấu hoặc mùn cưa.

5.3.4.3. Một số lưu ý khi làm đệm lót: Cách làm đệm cũng giống như làm với nguyên liệu là trấu và mùn cưa.

II. CÁCH LÀM ĐỆM LÓT

 Các bước làm đệm lót có độ dày 60cm cho 20 m2 nền chuồng như sau:

1. Nguyên liệu

          1.1. Trấu và mùn cưa: số lượng đảm bảo rải đủ độ dày 60 cm (có thể thay bằng các nguyên liệu khác như đã nêu ở Mục 5, Phần I). 

1.2. Bột bắp: 20 kg (diện tích chuồng có thể lớn hoặc nhỏ hơn thì bột bắp có thể tăng giảm tương ứng nhưng men có thể giữ nguyên hoặc tăng lên).

1.3. Chế phẩm BALASA N01: 1 kg.

2. Công việc chuẩn bị

2.1. Chuẩn bị mặt bằng: Nếu làm đệm lót chìm dưới mặt đất phải đào  nền chuồng sâu xuống 60 cm. Chỉ đào 2/3 diện tích nền chuồng để làm đệm lót, còn lại 1/3 diện tích dùng để láng xi măng hoặc lát gạch để đặt máng ăn và cho heo nằm khi nhiệt độ bên ngoài cao. Chú ý láng lát nền dốc về phía cửa (có rãnh thoát nước) để dễ làm vệ sinh máng ăn và tắm mát cho heo bằng thùng ô-doa hay bình phun khi trời nóng mà không sợ bị ướt đệm lót.

2.2. Cách chế 200 lít dịch men: Cho 1 kg chế phẩm BALASA N01, 15 kg bột bắp, 200 lít nước sạch (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC thì dùng nước ấm) cho vào thùng và khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian 1-2 ngày là có thể dùng được. Chuẩn bị dịch men trước 1-2 ngày.

2.3. Cách xử lý bột bắp: Lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột bắp, xoa cho ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm. Chuẩn bị hỗn hợp bột bắp với nước men này trước khi bắt đầu làm đệm lót 5-7 giờ. 

3. Cách làm đệm lót

3.1. Bước 1: Rải lớp trấu dày 30 cm ra nền chuồng.

3.2. Bước 2: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã bắp lấy từ dịch men để rải lên trên mặt lớp trấu.

3.3. Bước 3: Tiếp tục rải lớp hỗn hợp mùn cưa với trấu (tỷ lệ được xác định ở Cách 1, Mục 5) lên trên lớp trấu, vừa rải vừa phun nước sạch và vừa phải dùng cào đảo để cho mùn cưa và trấu trộn đều vào nhau và để cho hỗn hợp trấu - mùn cưa được làm ẩm đều cho đến khi đạt độ ẩm trên dưới 30%.

Thử bằng cách: Quan sát thấy mùn cưa thấm nước trở nên sẫm màu, bốc mùn cưa trên tay nắm chặt lại có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rờilà đạt yêu cầu.

3.4. Bước 4: Rải đều 5 kg bột bắp đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.

3.5. Bước 5: Rắc đều hết phần bã bắp lấy từ dịch men (Mục 2.2) lên bề mặt đệm lót, sau đó tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa.

3.6. Bước 6: Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa. 

3.7. Bước 7: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lon.

3.8. Bước 8: Để lên men 3- 5 ngày.Bới sâu xuống 30 cm thấy ấm nóng, không còn mùi nguyên liệu là đạt yêu cầu.

3.9. Bước 9: Sau khi lên men kết thúc thì bỏ bạt phủ, cào lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả heo.

Khi thả heo phải quan sát trong 1 giờ, nếu có biểu hiện trúng độc thì bắt ngay heo ra cho uống nước chanh đường, sau đó xới tơi đệm lót để tròng vài ngày là có thể thả heo lại được.

Chú ý: Dù làm với bất cứ loại nguyên liệu nào thì cũng cần phải làm thành hai lớp đệm để xử lý men trên hai lớp đó như hướng dẫn ở trên.

III. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG ĐỆM LÓT

1. Đưa heo vào chuồng

Trước khi thả heo, nhặt phân heo từ đàn cần thả bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để tránh heo có thói quen thải phân, nước tiểu ở một chỗ.

 2. Điểm đặc biệt chú ý: Khi nuôi heo có trọng lượng hơn 60 kg trở lên thì lượng phân, nước tiểu thải nhiều, heo ít vận động và có thói quen bài tiết tập trung ở một nơi cho nên đệm lót chỗ đó bị ướt, dễ bị hỏng do không tiêu hủy hết phân và nước tiểu, do vậy cần có biện pháp để heo không ỉa đái tập trung một chỗ. Nếu không khắc phục được thì chuyển heo nuôi sang chuồng không có đệm lót.

Khuyến cáo đệm lót lên men dùng nuôi heo nái, heo con và heo choai có trọng lượng dưới 60 kg là phù hợp nhất.

3. Vấn đề quản lý và bảo dưỡng đệm lót

3.1. Đảm bảo độ ẩm của đệm lót

Lớp trên cùng đệm lót luôn giữ độ ẩm khoảng 30% để đảm bảo tối ưu cho sự lên men tiêu hủy phân tốt. Ở độ ẩm này heo sống thoải mái, không cảm thấy khó chịu, da được bảo vệ tốt ít bị ban đỏ nổi mẩn ngứa như nuôi trên nền xi măng.

Để đảm bảo cho lớp trên đệm lót không khô và ẩm quá cần chú ý:

3.1.1. Chuồng không bị hắt nước mưa và không để nước từ vòi uống chảy ra làm ướt đệm lót. Khi đệm lót bị ướt cần bổ sung độn lót khô.

3.1.2. Khi thấy đệm lót bị khô cần phun ẩm bằng vòi phun như mưa phùn.

3.2. Đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót

Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót ở độ sâu khoảng 15 cm và đặc biệt ở chỗ độn lót có hiện tượng kết tảng.

          3.3. Quan sát phân thường xuyên

3.3.1. Phân phải được vùi lấp tốt do sự vận động của heo. Nếu phát hiện phân nhiều ở một chỗ cần phải giúp heo vùi lấp. Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết thì hót bớt đi.

3.3.2. Nếu có heo bị bệnh ỉa chảy thì cần cách ly ra khỏi đệm lót, chỗ phân heo bệnh cần xúc ra khỏi đệm lót và xử lý bằng vôi bột.

3.4. Bảo dưỡng đệm lót

3.4.1. Quan sát để đánh giá hoạt động của đệm: Căn cứ vào mùi đệm lót dể xác định nó hoạt động tốt hay không. Khi ngửi chỉ thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối của phân là đệm lót hoạt động tốt.

3.4.2. Bảo dưỡng định kỳ: Bảo dưỡng 1 lần/tháng. Lấy 1kg BALASA N01 trộn đều với một lượng bột khô đủ rắc đều cho 40 m2 đệm lót chuồng.

          3.4.3. Quan sát đệm lót và biện pháp bổ sung

3.4.3.1. Trong trường hợp đệm có kết tảng và độ ẩm cao, cần xới tơi xốp đệm lót ở độ dầy 15 cm và bổ sung thêm dịch chế phẩm men.

3.4.3.2. Nếu nuôi nhiều heo cần điều chỉnh mật độ heo nuôi trong chuồng.

3.4.4.3. Sau một hoặc 2 lứa lớn nếu đệm lót bị sụt giảm mới cần bổ sung thêm 5-10% chất độn và chế phẩm men.

4. Chống nóng cho heo trong mùa hè

Để chống nóng cho heo cần thực hiện các biện pháp sau đây:

4.1. Chuồng phải thông thoáng. Cần có hệ thống bạt có thể kéo lên hạ xuống để che chắn khi có mưa bão, gió rét hoặc nắng chiếu thẳng vào chuồng. Mở toàn bộ cửa để đảm bảo lưu thông không khí.

4.2. Dùng quạt .

4.3. Lắp đặt hệ thống phun mù với các đầu phun được lắp đặt ở từng ô chuồng (Hình 3) hoặc có thể lắp đặt dàn phun mưa lên mái.

IV. THỜI GIAN SỬ DỤNG ĐỆM LÓT

Thời gian sử dụng đệm lót có thể duy trì trong thời gian 2-3 năm. Nếu thực hiện tốt vấn đề quản lý và bảo dưỡng như đã nêu ở trên có thể duy trì thời gian sử dụng trên 4 năm.    

Hình 1. Chuồng thoáng mát.

Hình 2. Quạt mát cho heo

Hình 3. Hệ thống phun mù cho heo lắp đặt tại chuồng