Đang online: 8
Hôm nay: 195
Trong tuần: 1362
Trong tháng: 6916
Tổng truy cập: 668252

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Bệnh về lúa
Cho tôi hỏi vụ đông xuân năm nay trên lá lúa có những đốm bạc viền nâu và những đốm màu nâu. Không biết bị gì nhờ anh chị hỗ trợ

Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi có thể chia sẻ với bạn như sau:

Về những đốm màu nâu thì đây có thể là bệnh nghèo dinh dưỡng, chủ yếu là thiếu các chất NPN, nếu đất xấu như cát, cát pha thường có hiện tượng này, ngay cả trên đất tốt nếu bạn bón thiếu NPK thì cũng dễ xuất hiện trường hợp này. Bệnh đốm nâu phát triển ở vùng đất nghèo chất dinh dưỡng như vùng đất phèn, vùng đất cát bán sơn địa ven chân núi hay ở vùng đất bị ngộ độc hữu cơ, nói chung là những nơi đất có vấn đề làm bộ rễ lúa phát triển kém. Bệnh cũng thường xuất hiện ở những vùng đất quá úng hay khô hạn làm cho cây lúa thiếu nước, khả năng hút dinh dưỡng của bộ rễ gặp nhiều khó khăn khiến cây lúa sinh trưởng kém. Những ruộng bạc màu nghèo dinh dưỡng, những ruộng lúa thiếu phân bón, những giống lúa phàm ăn, nhưng không được cung cấp đủ phân (nhất là phân đạm).... Bệnh phát sinh phát triển thích hợp trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ thấp

Đối với những dấu hiệu những đốm bạc viền nâu, đây là thể hiện bệnh đạo ôn hay còn gọi là bệnh mắt én (mắt chim én), bệnh này thường do bón thừa đạm hoặc do thời tiết nắng mưa diễn ra bất thường, sử dụng giống nhiễm; vụ đông xuân tại Bắc Bình và Tuy Phong hay gặp các bệnh này. bệnh hại chủ yếu ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Triệu chứng điển hình là vết bệnh có hình bầu dục hai đầu kéo dài ra dọc theo gân lá, màu nâu, tâm trắng xám, giống hình con mắt. Vết bệnh bắt đầu từ một chấm màu nâu nhỏ như đầu kim, sau đó phát triển dần thành vết bệnh điển hình.

Bạn có thể tham khảo hướng dẫn nhé:

* Bệnh đốm nâu:

Các biện pháp để phòng ngừa và hạn chế bệnh đốm nâu trên cây lúa:

Để hạn chế tác hại của bệnh có thể áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là những biện pháp canh tác (đặc biệt là phân bón và nước) tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức chống chịu với bệnh từ đó hạn chế tác hại do bệnh gây ra. Sau đây là một số biện pháp chính:

- Cày bừa, xới xáo làm đất kỹ (trừ những chân đất có tầng phèn nằm cạn, dễ bị xì phèn khi làm đất), những ruộng đất bạc màu, đất cát cần bón nhiều phân chuồng để cải tạo và tăng cường chất dinh dưỡng cho đất.

- Không nên gieo sạ quá dày, dễ làm lúa thiếu thức ăn sinh trưởng, phát triển kém, bệnh dễ phát sinh.

- Những ruộng bị nhiễm phèn hoặc dư thừa xác hữu cơ cần tăng cường bón thêm vôi bột, phân lân... để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ và nâng cao độ pH cho đất, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

- Phải luôn cung cấp đầy đủ nước cho ruộng lúa, nhất là vào đầu vụ Hè Thu thời tiết khô hạn, nếu thiếu nước phèn từ tầng đất dưới sẽ xì lên tầng canh tác gây ngộ độc rễ làm cây lúa sinh trưởng kém, tạo điều kiện cho bệnh tấn công.

- Phải bón đầy đủ và cân đối giữa đạm lân và kali (nhất là với những giống phàm ăn), tuyệt đối không được để cây lúa thiếu đạm, thiếu dinh dưỡng sẽ sinh trưởng phát triển kém.

 

Bệnh đốm nâu tại huyện Tuy Phong vụ đông xuân 2006- 2007

 

Ngoài những biện pháp trên đây, để hạn chế bệnh truyền qua vụ sau thông qua con đường hạt giống và tàn dư cây trồng, các bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:

- Sau khi thu hoạc lúa cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu dọn sạch tàn dư cây lúa để hạn chế nguồn bệnh ban đầu lan truyền cho vụ sau.

- Không lấy lúa ở những ruộng vụ trước đã bị nhiễm bệnh nặng để làm giống cho vụ sau. Trước khi ngâm ủ phải phơi khô, quạt thật sạch để loại bỏ hết những hạt lép lửng (là những hạt mang nhiều nấm bệnh).

- Do nấm bệnh tồn tại ngay trên vỏ trấu vì thế để diệt trừ một cách triệt để nguồn bệnh ban đầu lây nhiễm cho vụ sau, trước khi ngâm ủ các bạn phải xử lý giống bằng nước nóng 540C sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bình thường.

Cùng với những biện pháp trên, khi ruộng lúa có biểu hiện bị bệnh có thể sử dụng một trong các loại thuốc có tác dụng phổ rộng như Tilt Super 300EC, AmistarTop 325SC, Mixperfect 525SC,… để phòng trừ.

 

Bệnh đạo ôn hay còn gọi bệnh mắt én

* Biện pháp phòng trừ:

- Dùng giống ít nhiễm bệnh là biện pháp hiệu quả nhất.

- Dọn sạch tàn dư rơm rạ.

- Không sạ quá dày, mỗi ha chỉ gieo khoảng 80-100kg.

- Bón phân cân đối, không bón dư đạm, nếu ruộng bị bệnh thì ngưng bón tất cả các loại phân có chứa đạm.

- Giữ mực nước đầy đủ thường xuyên trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước theo từng giai đoạn của cây lúa (3-5cm), tránh để ruộng khô nước khi bệnh đạo ôn xảy ra.

- Cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện. Khi bệnh chớm xuất hiện cần sử dụng một số loại thuốc đặc trị có chứa hoạt chất: Tricyclazole, Fenoxanil, Isoprothiolane để phòng trị. Cần sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao nhất.

Chúc bạn thành công!

Hồ Công Bình