Đang online: 3
Hôm nay: 142
Trong tuần: 1309
Trong tháng: 6863
Tổng truy cập: 668199

Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: HỎI VỀ KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHỌN ĐẤT TRỒNG NHA ĐAM TẠI BÌNH THUẬN
Xin Chào Anh/ Chị.

Hiện tôi muốn đầu tư trồng nha đam tại Tỉnh Bình Thuận vì ở đây có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng tương tự như Ninh Thuận , nơi được coi là thủ phủ nha đam của cả nước, nhưng hiện tại Bình Thuận chưa có nhiều người trồng và chưa thấy được hiệu quả thật sự từ cây trồng này trên vùng đất Bìn Thuận. Vì vậy tôi xin hỏi Trung Tâm Khuyến Nông BT có thể tư vấn giúp tôi về cách chọn thổ nhưỡng và địa điểm phù hợp và cũng như kỹ thuật trồng nha đam để đạt năng suất cao nhất tại đây?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hung Nguyen
ĐT: 0967548139

> Trả lời:

          Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang web của đơn vị !

Ở tỉnh ta (Bình Thuận), lợi thế cho việc trồng cây nha đam đã được các nhà khoa học khẳng định vì phù hợp với vùng đất cát, nóng, nhất là những vùng ven biển. Độ cao so với mặt nước biển hợp lý ở Bình Thuận cũng là yếu tố giúp cho việc tạo thành các hoạt chất trong lá nha đam. Chính vì vậy mà hoạt chất trong lá nha đam ở Bình Thuận, Ninh Thuận chiếm tới 26% trong khi các nơi khác chỉ có 15%. Khu vực Tuy Phong đã có một số hộ trồng thử nghiệm nha đam với giống cây ở Ninh Thuận, đến nay đã cho thu hoạch. Gần đây, khu vực đất cát ven biển của Hàm Tân cũng đã có một số hộ trồng nha đam, tuy diện tích chưa nhiều nhưng theo các hộ này thì nha đam rất phù hợp với loại đất cát ở đây và triển vọng cho thu hoạch là rất khả quan

Trước khi trồng, cần xới đất tơi xốp, làm cỏ sạch. Nha đam được trồng bằng cây con. Khoảng cách giữa hai cây và hai luống phù hợp là 0,4m, hai bên liếp chừa khoảng 0,7 -0,8m để cây phát triển. Một ha đất có mật độ trồng 25.000 cây. Nha đam chỉ phát triển nhanh nếu bón phân hữu cơ. Đây là lợi thế cho nông dân trong việc tận dụng các loại phân xanh, phân chuồng ở vườn nhà. Nha đam là loại cây công nghiệp mà có thời gian cho thu hoạch ngắn. Chỉ sau thời gian trồng khoảng 6 - 8 tháng có thể cho thu hoạch cả lá và cây. Lá nha đam được thu hoạch mỗi tháng một lần. Mỗi gốc nha đam chỉ nên cắt hai lá ngoài cùng, mỗi lá nặng 0,4 -0,6 kg nếu được chăm sóc tốt. Mỗi năm, nha đam được thu hoạch từ 8 -10 lần.

Chưa kể cả việc bán cây con, trong quá trình từ tháng thứ 10, cây đã trưởng thành nên nảy rất nhiều cây con. Có thể dùng số cây con đó để nhân rộng diện tích trong những năm kế tiếp hoặc bán cây giống. Trung bình cứ hai tháng là bán được một đợt cây con giống. Bình quân mỗi cây nha đam hàng năm cho khoảng 20 cây con. Như vậy, ngoài thu nhập từ lá nha đam, ta còn có thêm khoản thu nhập rất lớn từ việc bán cây con.

Nha đam là một nguồn dược liệu quý; hiện nay tại Bình Thuận đang triển khai thực hiện đề tài KHCN cây Nha đam và đang xây dựng đề án định hướng phát triển cây dược liệu hữu cơ giai đoạn 2021-2030.

          Nhìn chung, các vùng đất cát và cát ven biển tại Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân đều trồng tốt cây nha đam, tất nhiên phải chủ động tưới tiêu, tốt nhất là áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm có phủ bạc nilon để hạn chế mất nước và cỏ dại

Bạn có thể tham khảo quy trình:

1.     Chuẩn bị Đất

Loại đất: Đất cát hoặc đất cát pha thịt (>30%): Thoáng, xốp, thoát nước tốt.

Xử lý đất:

-         Cày phá lâm: đất được cày phá lâm với mục đích: thông thoáng đất, loại bỏ đá to.

-         Cày chảo bảy: mục đích làm cho đất tơi ra,  sau quá trình cày tiến hành đổ phân bò ủ hoai với mục đích cung cấp dưỡng chất cho đất. Khối lượng phân bò 25 khối/ha.

Chú ý: đối với trường hợp đất đã trồng nha đam rồi, sau khi cày chảo bảy tiến hành rải vôi để xử lý đất tiêu diệt mầm bệnh trong đất, pH đất đạt 5.0 – 7.5. Khối lượng vôi 500kg/ha.

-         Cày xới: Mục đích đánh tơi đất, giúp phân bò ủ hoai được trộn đều trong đất

     Chuẩn bị công đoạn lên luống.

     Sau khi cày xới, để phơi đất 1-2 tuần.

Lên luống:

-         Ép luống: chiều ngang mỗi luống 1,2m, chiều dài theo diện tích đất.

Lắp hệ thống ống nước:

-         Hệ thống nước nhỏ giọt sẽ được lắp trên từng luống, mỗi luống 2 dây xen kẽ 4 hàng nha đam.

-         Lưu ý: Dây ống nước phải nằm cố định giữa 2 hàng cây nha đam để đảm bảo nước được tưới đều lên các cây.

2.     Chuẩn bị Cây Giống (Cây con)

-         Cây Giống được chọn từ những cây con mọc ra xung quanh từ cây mẹ.

-         Yêu cầu: Cây giống khỏe mạnh, có màu xanh tươi, không bị sâu bệnh, đạt chiều cao từ 20 - 30cm (5 lá trở lên).                         

-         Sau khi nhổ lên, cây giống được tỉa rễ con, giúp cho quá trình kích thích rễ mới nhanh hơn.

-         Cây giống sau khi nhổ lên được đặt trong bóng mát, cây phải được dựng đứng.

-         Hạn sử dụng cây giống sau khi nhổ: 15 ngày

-         Thao tác nhổ cẩn thận, tránh làm đứt rễ non quá nhiều.

3.     Trồng Giống (cây con)

-         Đất sau khi được chuẩn bị, sẽ tiến hành trồng cây con.

-         Mỗi luống 4 hàng, luống cách luống 40cm.

-         Mật độ trồng: Cây cách cây 25cm, Hàng cách hàng 30cm.

-         Đào lỗ sâu 10-12cm, đặt cây giống vào lỗ và lắp đất xung quanh gốc.

Lưu ý: Không để đất văng lên ngọn và các bẹ của cây con

Cây con sau khi trồng, Lá non sẽ đỏ hoặc vàng. Sau thời gian từ 2-3 tuần rễ đã bén, lá non sẽ xanh trở lại và bắt đầu phát triển.

4.     Chăm sóc

Cây con sau khi trồng sẽ được chăm sóc từ 7 – 8 tháng, định kỳ như sau:

-         Tưới nước: mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 1h30’/ngày bằng hệ thống tưới nhỏ giọt.

-         Bón phân: định kỳ bón phân theo quy định đã ban hành ???.

-         Làm cỏ: cỏ được làm mỗi tuần 1 lần, đảm bảo luống nha đam luôn sạch cỏ.

-         Tỉa lá chân: định kỳ hàng tháng tỉa lá chân, mỗi lần tỉa 1 lá

Chú ý: Trường hợp sau khi trồng, cây con bị thối gốc, thân hay bẹ tiến hành nhổ bỏ, bón vôi khử trùng để phơi nắng từ 2-3 ngày, sau đó trồng lại cây con.

5.     Thu hoạch

-         Mỗi cây thu từ 1 -2 lá.

-         Sau khi thu hoạch, sau 3 ngày bắt đầu bón phân cho cây và tiếp tục chăm sóc đủ 1 tháng sẽ thu hoạch đợt tiếp theo.

-         Quá trình thu hoạch được thực hiện trong vòng 10 năm, hoặc đến khi thấy cây không còn sự phát triển thì ngưng quá trình thu hoạch.

 

                                         Chúc bạn thành công !

                                                                                           Hồ Công Bình